Công nghiệp Hà Tĩnh khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế

Với các dự án công nghiệp trọng điểm đầu tư vào địa bàn và sự phát triển của doanh nghiệp (DN) nội tỉnh, ngành công nghiệp Hà Tĩnh ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.

0
Formosa Hà Tĩnh luôn giữ vị trí “hạt nhân” kinh tế của tỉnh từ khi vận hành sản xuất đến nay.

Nhắc đến Hà Tĩnh trước kia, người ta nghĩ ngay một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc ngành nông nghiệp, nhưng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành công nghiệp, diện mạo Hà Tĩnh đã hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, dù chỉ chiếm 33,2% trong cơ cấu kinh tế nhưng ngành công nghiệp đang đóng vai trò chủ lực vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Có thể thấy, trong gần chục năm trở lại đây, ngành công nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất. Đặc biệt, từ khi dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn I) đi vào vận hành chính thức năm 2017 đã góp phần ghi tên Hà Tĩnh vào bản đồ ngành công nghiệp thép và hiện thực hóa chủ trương xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng thành trung tâm công nghiệp. Chiếm hơn 80% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh, thép trở thành sản phẩm chủ lực của ngành và Formosa là “hạt nhân” kinh tế của tỉnh trong những năm qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gỗ Polywod và Nhà máy Sản xuất keo công nghiệp (Nghi Xuân) vào tháng 5/2022.

Minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Hà Tĩnh là tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 20,8%/năm nhưng giai đoạn 2016-2020 đạt tới 46,6%/năm. Quy mô ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng từ 5.827 tỷ đồng năm 2011 lên 12.396 tỷ đồng năm 2015 và trên 80.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Theo ông Hoàng Văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương bên cạnh sản xuất thép (Formosa Hà Tĩnh), các nhà máy sản xuất sợi, may mặc, bao bì, nhà máy chế biến gỗ, nhà máy bia, nhiệt điện… cũng đã tạo nên sự đa dạng sản phẩm công nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất và tạo nên diện mạo ngành công nghiệp hiện đại. Cơ cấu giá trị các ngành công nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, phân phối điện, nước và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng.

Công ty CP Phát triển công nghiệp xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh vừa khánh thành nhà máy Sản xuất bê tông nhựa nóng Asphalt với công suất 120 tấn/giờ.

Năm 2021, mặc dù hoạt động công nghiệp diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với sự thích ứng linh hoạt, nỗ lực của cộng đồng DN cùng các giải pháp đồng bộ của tỉnh và ngành công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng được đầu tư đồng bộ trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế.

Trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước do một số DN lớn gặp khó khăn nhưng ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang đón những tín hiệu tích cực, tạo bước đệm tăng trưởng cho giai đoạn tới với những “siêu dự án” đang được triển khai như Nhà máy Sản xuất Pin VinES, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2… Cùng đó, khôi phục hoạt động sau đại dịch, nhiều DN nội tỉnh đang đầu tư mở rộng sản xuất để tăng sản lượng và cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mở rộng sản xuất, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đang nỗ lực đạt mục tiêu doanh thu 210 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) cho biết: “Sản xuất bao bì phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn hoàn thành mục tiêu với doanh thu đạt hơn 153 tỷ đồng. Đầu năm 2022, chúng tôi khởi công giai đoạn 2 của nhà máy với vốn đầu tư 41 tỷ đồng, hiện đã vận hành được 30% công suất. Nếu hoạt động ổn định, công ty sẽ chinh phục được kế hoạch doanh thu 210 tỷ đồng trong năm 2022”.

Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là “một trung tâm”, công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột của nền kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án lớn, dự án công nghiệp trọng điểm vào địa bàn được quan tâm, tập trung cao.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 góp phần lớn trong phát triển ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách tỉnh.

Tới đây, không chỉ là Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh… mà những dự án đang triển khai khi đi vào hoạt động sẽ đưa ngành công nghiệp tỉnh nhà vươn xa và phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương nhận định: “Cùng với những dự án đang triển khai và dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh hiện đang được nhiều DN lớn trong và ngoài nước khảo sát, tìm hiểu đầu tư về lĩnh vực công nghiệp. Đây là những động lực tăng trưởng mới cho ngành cũng như góp phần phát triển KT-XH tỉnh thời gian tới”.

Theo Ngọc Loan/Báo Hà Tĩnh

Link gốc: https://baohatinh.vn/cong-nghiep/cong-nghiep-ha-tinh-khang-dinh-vai-tro-dau-tau-trong-tang-truong-kinh-te/233092.htm