Có nên cấm hoạt động karaoke sau loạt vụ cháy thảm khốc?

Hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra liên tiếp khiến dư luận hoang mang và đặt vấn đề hạn chế thậm chí cấm kinh doanh dịch vụ karaoke, nhất là khi hoạt động kinh doanh này đang ngày càng có nhiều biến tướng.

0

Tháng 5.2014, vụ hỏa hoạn ở quán karaoke phường Cát Linh, Hà Nội khiến 5 người tử vong.

Tháng 11.2016, vụ hỏa hoạn ở quán karaoke phường Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) gây chấn động dư luận khi số nạn nhân tử vong lên đến 13.

Gần nhất, vào tháng 8.2022, vụ hỏa hoạn quán karaoke phường Quan Hoa (Hà Nội) đã lấy đi sinh mạng của 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn.

Khi vụ việc chỉ vừa mới nguôi ngoai đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại quán karaoke tại Bình Dương với con số nạn nhân lên tới 33 người. Vụ hỏa hoạn đang khiến dư luận bàng hoàng với số thương vong quá lớn.

Trao đổi về lý do những địa điểm kinh doanh karaoke dễ cháy nổ, kỹ sư xây dựng Phan Văn Tấn cho biết, “Thiết kế nội thất và xây dựng ở các quán Karaoke có rất nhiều chất liệu dễ bắt lửa và gây cháy, ví dụ như sofa, ghế ngồi, mút cách âm… khi cháy sẽ lan rất nhanh”.

Trên các diễn đàn mạng, câu chuyện kinh doanh ở các quán karaoke đang rất “nóng”. Nhiều ý kiến cho rằng, sau hàng loạt vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra, chứng tỏ việc quản lý, PCCC ở các quán karaoke đang lỏng lẻo, nếu không thể quản lý, có thể tiến tới cấm loại hình kinh doanh này – nhất là khi loại hình kinh doanh karaoke đang ngày càng biến tướng.

Tài khoản Mai Hoàng Hoa đưa quan điểm: “Dịch vụ kinh doanh karaoke ngày càng khó kiểm soát về cả an ninh, trật tự đến mại dâm trá hình. Theo tôi, nên cấm hoặc cần phải có biện pháp hạn chế cấp phép cho việc mở quán karaoke”.

Nhiều ý kiến đồng quan điểm với Mai Hoàng Hoa khi phản ánh thực tế các quán karaoke đang phát triển “vô tội vạ”, nảy sinh nhiều dịch vụ trá hình, nhưng quản lý lại lỏng lẻo.

“Riêng dãy phố nhà tôi đã có đến mấy quán karaoke lớn nhỏ. Loại hình này ngày càng phát triển phức tạp. Quán nào hầu như cũng có các “em gái mưa” phục vụ. Trong khi cấp quản lý không sát sao, không phát hiện ra hoặc làm ngơ” – anh Nguyễn Long bình luận.

Trong khi, tài khoản Minh Tú cho rằng: “Liên tiếp các vụ cháy hậu quả nghiêm trọng. Vụ Bình Dương đặc biệt nghiêm trọng vì số lượng người thương vong quá lớn. Sau vụ này, việc cấp phép và quản lý loại hình kinh doanh karaoke phải được rà soát lại. Chỉ những nơi đảm bảo an toàn, PCCC, có cầu thang thoát hiểm… mới được cấp phép hoạt động. Nếu để karaoke tràn lan và trá hình như hiện nay, sẽ còn rất nhiều hệ lụy khác. Trong trường hợp không thể quản lý được thì có thể cấm loại hình này”.

Số đông ý kiến đều bày tỏ quan điểm về quản lý hoạt động kinh doanh karaoke đang lỏng lẻo, PCCC chỉ mang tính chất “cho có”.

Bên cạnh đó còn có ý kiến cho rằng, việc kinh doanh karaoke rất phức tạp, nhiều dịch vụ giải trí “đính kèm” có ảnh hưởng xấu đến xã hội.

“Bao nhiêu gia đình còn tan vỡ vì… karaoke” – ý kiến của tài khoản Minh Phương nhận được nhiều ủng hộ.

Song cũng có ý kiến đặt karaoke trong phạm vi nội dung giải trí đơn thuần là cùng hát cho nhau nghe, thì đây là cách xả stress rất tốt. Thay vì cấm đoán, hãy “thanh lọc hoá” các hoạt động giải trí ở các tụ điểm karaoke đồng thời rà soát, quản lý tốt về an toàn, PCCC, thì đây vẫn là ngành kinh doanh có lợi nhuận.

Theo Bình An

Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/co-nen-cam-hoat-dong-karaoke-sau-loat-vu-chay-tham-khoc-1090613.ldo