Có giáo viên tại TP.HCM muốn nâng chuẩn phải đi học tận Nghệ An
Hiện quận 6 còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên tin học.
Sáng 13-9, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 6 về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng giáo dục quận 6, cho biết hiện quận có 78 cơ sở giáo dục và 17 nhóm lớp. Với áp lực tăng dân số không nhiều như những quận/huyện khác nên các trường học đáp ứng tốt chỗ học cho con em trong quận.
Tính đến năm học này, 100% học sinh tiểu học và THCS của quận đều được học hai buổi/ngày. 100% giáo viên tham gia tập huấn để thực hiện chương trình mới đều đạt chuẩn, có đẩy đủ và sử dụng hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới. Công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục tốt, từ tập huấn, hướng dẫn, chuẩn bị trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học, giáo viên chủ động sáng tạo, phụ huynh đồng thuận…
Tuy nhiên, theo ông Uyên, vấn đề còn hạn chế tại quận hiện nay để đáp ứng chương trình mới là còn thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học. Hiện quận còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên tin học. Thậm chí một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Việc học nâng chuẩn lên đại học để theo đúng quy định ở một số bộ môn còn gặp khó khăn vì phải chờ đủ số lượng đăng ký mới mở được lớp.
Cụ thể hơn vấn đề này, bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, cho biết trường cơ bản có đội ngũ đáp ứng thực hiện chương trình mới. Ban đầu trường cũng gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc tập huấn, kết nối với học sinh, phụ huynh còn hạn chế. Một số giáo viên lớn tuổi còn chậm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp chương trình nhưng đến nay đã quen dần.
Bà Hồng cho biết hiện trường còn 4 giáo viên chưa có bằng đại học để đạt chuẩn theo quy định mới. Trong đó có ba người đang học tiếp lên đại học. Riêng một một giáo viên dạy Âm nhạc chưa có lớp để đăng ký học lên đại học tại TP.HCM. Sau thời gian tìm hiểu, giáo viên này phải đăng ký học ở tận Trường Đại học Vinh (Nghệ An) mới có lớp. Hiện giáo viên này đang chờ lịch học để biết được học online hay trực tiếp, nếu trực tiếp cũng sẽ có những khó khăn dù nhà trường hỗ trợ kinh phí đi học.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học tại quận 6 cũng là khó khăn chung của TP.HCM. Bởi mặc dù là địa phương đi đầu triển khai dạy tiếng Anh và Tin học rất sớm cho học sinh nhưng lâu nay thực hiện theo dạng hợp đồng, phối hợp giảng dạy với đơn vị ngoài nên khi triển khai chương trình mới phải có giáo viên biên chế sẽ khó. Hiện Sở và các Phòng GD&ĐT cũng đang nỗ lực tuyển dụng để có nguồn giáo viên cho các trường.
Thứ hai, ông Hoàng cho hay một khó khăn nữa của các trường tiểu học hiện nay là các lớp thực hiện chương trình mới không có hướng dẫn về dạy buổi hai. Nếu các trường thực hiện đúng chương trình theo quy định số tiết thì các em sẽ tan học vào lúc 14 giờ, 15 giờ, như vậy sẽ khó khăn trong việc đưa đón con của phụ huynh, nguồn thu tăng thêm của các trường cũng bị ảnh hưởng. Do đó, hiện hướng giải quyết của Sở là cho phép các trường tổ chức những hoạt động ngoài giờ như tăng cường tiếng Anh, tin học, Kỹ năng sống, câu lạc bộ… Việc này vừa tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh, vừa tạo thêm thu nhập, nâng cao trình độ cho giáo viên.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng bày tỏ thêm một khó khăn về việc hiện nay TP đang có một lượng lớn học sinh theo học tiếng Hoa và tiếng Pháp vì nhu cầu của người dân, nhất là đồng bào người Hoa. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới lại chưa có sách giáo khoa hai ngoại ngữ này vì chưa có đơn vị nào đứng ra biên soạn. Ông Hoàng cho biết hiện Sở đã có kiến nghị đến Bộ GD&ĐT để làm sao nhanh chóng tổ chức biên soạn sách này nhằm đáp ứng lộ trình và nhu cầu học ngoại ngữ 1 cho học sinh TP.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ghi nhận những nỗ lực của quận 6 và những kiến nghị của quận cũng như các cơ sở giáo dục trên địa bàn để sau quá trình giám sát sẽ bàn hướng giải quyết.
Tuy nhiên, bà Tuyết lưu ý tiếp tục phát huy những hiệu quả mà quận đã đạt được. Để chương trình mới được thành công, thực hiện tốt hai Nghị quyết 88 và 51, bà Tuyết yêu cầu quận cần linh hoạt tuyển dụng giáo viên để đáp ứng giảng dạy. Quận cần chủ dộng quy hoạch mạng lưới trường để tiếp tục mở rộng chỗ học, kéo giảm sĩ số cho con em trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khối lớp 3 và 7 đang triển khai năm học này để nâng chất lượng giáo dục cho các em.
Theo Phạm Anh
Link gốc: https://plo.vn/co-giao-vien-tai-tphcm-muon-nang-chuan-phai-di-hoc-tan-nghe-an-post698370.html