Cô giáo lớp 1 vi phạm dạy thêm bị đề nghị điều chuyển

Hà Tĩnh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh có văn bản đề nghị điều chuyển giáo viên tiểu học đến địa bàn khó khăn hơn vì vi phạm quy định dạy thêm.

0
Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh – nơi nữ giáo viên công tác. Ảnh: Hoài Anh 

Ngày 15.12, thông tin đến phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Nữ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh) – cho biết, nhà trường chưa họp hội đồng kỷ luật, chưa ban hành quyết định kỷ luật với cô Nguyễn Thị T.

Cô Nguyễn Thị T. là giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú, có dạy kèm 9 học sinh lớp 1 tại nhà. Sự việc bị phát hiện và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh đã yêu cầu cô T. viết tường trình.

Văn bản của Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Hà Tĩnh đề nghị điều chuyển cô T. đến địa bàn khó khăn hơn. Ảnh: Quang Đại
Văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh đề nghị điều chuyển giáo viên vi phạm quy định dạy thêm đến địa bàn khó khăn hơn. Ảnh: Quang Đại

Theo cô T. trình bày, 9 học sinh nói trên khả năng tiếp thu chậm nên bố mẹ các cháu đã nhờ cô dạy kèm thêm để nhanh tiến bộ.

Được biết, cô T. đã có quá trình 29 năm trong ngành giáo dục, từ trước đến nay không vi phạm các quy định của ngành, luôn được phụ huynh tin cậy.

Ngày 10.12.2024, bà Trần Thị Thủy Nga – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh ký văn bản số 548 báo cáo sự việc.

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh đề nghị Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần phú thành lập Hội đồng kỷ luật, tổ chức xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật viên chức vi phạm theo đúng quy định; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm của giáo viên Nguyễn Thị T., báo cáo kết quả về UBND thành phố (qua Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ).

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hà Tĩnh điều chuyển cô T. về địa bàn khó khăn hơn và Phòng Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo toàn ngành về việc giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận. Có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng các biện pháp xử lý theo đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh là quá nặng nề, gây tổn thương cho giáo viên trong khi việc dạy thêm là phổ biến và xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Lê Đình Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có hình thức kỷ luật “điều chuyển đến vùng khó khăn hơn”, cũng như không có quy định biện pháp “thông báo toàn ngành” đối với viên chức vi phạm. Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn cũng không có nội dung điều động, luân chuyển viên chức. Do đó, đề xuất và biện pháp nói trên của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh là không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định”.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: Báo lao động