Cô gái xứ Nghệ rạng danh Đông Nam Á

Từ một cô bé ở vùng xứ Nghệ nghèo khó, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã âm thầm vươn lên, trở thành một nhân tố không thể thiếu trong đội tuyển Karate Việt Nam. Ở tuổi 20, Mỹ Tâm đã là niềm cảm hứng cho người trẻ vượt khó.

0
Nữ võ sĩ Mỹ Tâm đời thường và trên đấu trường, chiến thắng nhận Huy chương Vàng. (Ảnh: NVCC)

Những cú đánh quyết định

Với vai trò trụ cột quan trọng, cùng với những người đồng đội của mình, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã góp phần mang lại chiến thắng vang dội cho Karate Việt Nam tại SEA Games 32 trên đất Campuchia. 6 HCV là thành tích vượt xa so với chỉ tiêu mà môn thể thao này đăng kí trước khi lên đường tham dự thi đấu tại SEA Games 32. Trong số 6 HCV, võ sĩ Hoàng Thị Mỹ Tâm góp mặt với 2 HCV.

Thử thách đầu tiên của nữ võ sĩ 20 tuổi tại SEA Games 32 là chung kết đối kháng kumite hạng 55kg với võ sĩ Indonesia Sanistyarani – người đã đánh bại Hoàng Thị Mỹ Tâm ở bán kết SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Ở trận tái đấu quan trọng này, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã cho thấy sự trưởng thành khi chủ động phòng ngự, phản công hiệu quả. Chính chiến thuật đúng đắn này đã giúp Mỹ Tâm thắng sát nút 4 – 3 ở những giây cuối cùng trước võ sĩ từng 2 lần vô địch SEA Games và giành nhiều huy chương châu Á. Đây cũng là tấm HCV cá nhân đầu tiên của Hoàng Thị Mỹ Tâm tại một kì SEA Games.

Chỉ sau đó một ngày, Hoàng Thị Mỹ Tâm lại tiếp tục cùng các võ sĩ: Trương Thị Thương, Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Ngoan bảo vệ thành công tấm HCV đồng đội kumite nữ tại SEA Games 32. Với 2 HCV giành được tại SEA Games 32, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã có trong tay bộ sưu tập huy chương đáng nể khi mới 20 tuổi. “Cảm xúc của em lúc này là vỡ oà trong chiến thắng. Ở trận bán kết trước các đối thủ mạnh đến từ Indonesia, đội đã gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chọn đấu pháp đúng và quyết tâm, toàn đội đã thành công để có mặt trong trận đấu cuối cùng và giành chiến thắng thuyết phục” – cô gái trẻ bộc bạch.

Sớm góp tên trong lực lượng tham dự các giải đấu trẻ ở khu vực, thành tích của Hoàng Thị Mỹ Tâm dần có sự tiến bộ qua từng năm. Trong 3 giải Vô địch trẻ châu Á liên tiếp từ 2017 – 2019, nữ võ sĩ lần lượt đổi màu huy chương từ Đồng sang Bạc rồi đến Vàng. Vào tháng 12/2021, cái tên Hoàng Thị Mỹ Tâm từng gây chấn động làng võ châu lục khi lập hat-trick HCV giải Vô địch Karate châu Á ở Almaty, Kazakhstan. Lúc đó Hoàng Thị Mỹ Tâm 18 tuổi. Đây cũng là giải đấu lần đầu tiên Mỹ Tâm tham dự ở cả ba nội dung.

Năm 2022, Hoàng Thị Mỹ Tâm thi đấu đầy thành công khi giành được 11 tấm huy chương trên mọi đấu trường trong nước, quốc tế, trong đó có 6 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ. Và với 2 tấm HCV tại SEA Games trong năm 2023, võ sĩ tuổi 20 này cũng hiểu hành trình phía trước còn rất dài, với những đỉnh cao khó khăn hơn cần chinh phục bằng nhiều nỗ lực hơn nữa.

“Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn”

“Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn”

Đó là một câu hát tâm tình của người Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh xuất phát điểm thấp, vùng quê “gió Lào, cát trắng” khiến con người khó nhọc trong mưu sinh nên người xứ Nghệ phải phiêu bạt khắp nơi để tồn tại. Tìm được học vấn hay lao động, thi đấu thể thao… con người ở quê nghèo luôn biết vươn lên trong sự khốn khó đó. Không bao giờ được từ bỏ hay gục ngã. Vận động viên Hoàng Thị Mỹ Tâm (sinh năm 2003) ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà. Những ngày Mỹ Tâm thi đấu, ngôi nhà luôn đông khách khi bà con trong xóm đến xem Tâm thi đấu. Xuất sắc giành 2 tấm HCV môn karatedo tại SEA Games 32 trên đất Campuchia, vùng quê như mở hội.

Chị Nguyễn Thị Hòe (mẹ Tâm) luôn nhớ về cô con gái nhỏ bé, gầy gò, chạy nhảy khắp cánh đồng quê để giúp đỡ bố mẹ từ chăn trâu, cắt cỏ cho đến việc nặng nhọc như gánh lúa, bón phân, cấy gặt… Chị Hòe cho biết, gia đình đông con, vợ chồng chị phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ làm nông, buôn cau, bán bánh giò… Dù cuộc sống khó nhọc, nhưng chị Hòe là người yêu thể thao và chơi tốt một số môn. Và chính chị là người truyền cảm hứng cho Mỹ Tâm chơi bóng đá, bóng chuyền để giúp con có thêm sức khỏe. Thiên hướng thể thao của Tâm bắt đầu từ đây, Tâm chơi tất cả các môn và tham gia thi đấu ở trường học, dù thân hình lúc đó còn mảnh khảnh.

Mỗi lần con thi đấu, cả gia đình lại bồn chồn, rộn ràng, chị luôn biết cách động viên con phải thi đấu hết mình, không đặt nặng về thắng thua hay thành tích. Hãy chơi với đam mê lớn nhất và không được phép từ bỏ khi còn có cơ hội hay thời gian. Thể thao phải luôn cao thượng và cống hiến. Năm Mỹ Tâm học lớp 6, chị Hòe xin cho em vào CLB Karate ở trường học. Nhận thấy con mình có tố chất võ thuật, chị Hòe quyết tâm cho con đi theo con đường chuyên nghiệp.

“Ngày đó, tôi chỉ biết Karate là môn võ, muốn cho con tập luyện để có sức khỏe, rèn luyện thân thể. Người thân, họ hàng phản đối, cho rằng con đường này không có tương lai nhưng tôi vẫn quyết định cho Tâm theo đuổi” – chị Hòe nhớ lại. Và rồi Tâm không phụ lòng mẹ, chỉ sau một thời gian ngắn đến với Karate, Tâm đã lọt vào đội trẻ quốc gia và chuyển vào TP Hồ Chí Minh tập luyện. 13 tuổi con gái xa nhà, sống tự lập, chị Hòe lo lắng không yên, ngủ không ngon giấc. Vào TP Hồ Chí Minh chưa được lâu, Tâm không may dính chấn thương rất nặng, phải điều trị đến 8 tháng.

“Cháu bị chấn thương giãn dây chằng lưng, phải nghỉ tập và đi chữa bệnh nhiều quá đến nỗi nảy sinh tâm lý nản. Nó gọi về, bảo nhìn bạn bè tập mà muốn khóc. Thế là, nước mắt tôi rơi vì thương con”, chị Hòe nhớ lại. Nhưng không lẽ vì con bệnh tật mà kết thúc giấc mơ cháy bỏng của con. Chị và chồng quyết tâm chạy chữa cho con với phương châm “có bệnh vái tứ phương”. Chị hiểu đam mê của con và nếu thiếu võ thuật Tâm sẽ suy sụp nhường nào. “Tôi và mọi người trong gia đình luôn an ủi, sát cánh cùng Tâm để con yên tâm điều trị. Với điểm tựa vững chắc từ tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp Mỹ Tâm có thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn, tiếp tục khẳng định bản thân với những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp của mình”, chị Hòe tâm sự.

Và rồi, niềm tin, ý chí cũng được đền đáp. Mỹ Tâm chữa trị thành công, đúng liệu trình. Mỹ Tâm đã cùng với cha mẹ vượt qua bạo bệnh, khó khăn, thiếu thốn đủ bề của một vận động viên non trẻ, thành tích chưa nhiều, danh tiếng cũng không có gì, lương tháng ít ỏi… Sức mạnh từ điểm tựa gia đình đã đưa Mỹ Tâm đứng dậy vững chắc, tạo nên sự cứng rắn cho em trong tập luyện và thi đấu. Tâm không còn là cô gái hoang mang về bệnh tật hay lo lắng cho phong độ, mà là một dáng vóc khác, mạnh mẽ hơn, chính xác hơn và thành tích ấn tượng hơn.

Gần 1 năm sau chấn thương, vào tháng 12/2021, tại Kazakhstan, Tâm trở lại và ngay lập tức gây chấn động làng võ châu lục khi lập hat-trick HCV Giải Vô địch Karate châu Á ở tuổi 18. Sau những thành công ở cấp độ trẻ, Tâm được lên đội tuyển quốc gia và trở thành một trong những trụ cột quan trọng.

Chưa đầy 5 năm, cô con gái bản lĩnh, đáng yêu của chị Hòe đã chinh phục được nhiều đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Có thể kể đến như: HCĐ Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2017, lứa tuổi 12 – 14; 2 HCV Giải Karate Đông Nam Á năm 2017 – 2018, lứa tuổi 15 – 17; HCV Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2019, lứa tuổi 15 – 17… Và bây giờ là 2 HCV SEA Games 32.

“…Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu/Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão/Gân đang săn và thớ thịt căng da/Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!”. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết như vậy về tuổi thanh xuân cống hiến. Những gì Tâm có ở tuổi trẻ hôm nay sẽ là điểm tựa vững chắc để có tiến xa hơn ở đấu trường châu lục và thế giới. Hãy tin nữ võ sĩ xinh đẹp xứ Nghệ sẽ làm được, như chính cô đã vượt qua khó khăn!

Theo Tuấn Ngọc

Link gốc: https://baophapluat.vn/co-gai-xu-nghe-rang-danh-dong-nam-a-post476000.html