Chủ tịch nước và Phu nhân bắt đầu chuyến công tác Hoa Kỳ, tham dự APEC 2023

Chuyến tham dự APEC lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa thúc đẩy quan hệ giữa các thành viên APEC, đồng thời thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

0

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, từ ngày 14 đến 17/11/2023.

Chuyến tham dự sự kiện lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC, đồng thời tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác APEC, đã và đang tiếp tục có nhiều sáng kiến, dự án hợp tác được các thành viên đánh giá cao.

Chủ tịch nước và Phu nhân trong một chuyến công tác nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Với Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC có ý nghĩa quan trọng trong đường lối đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. APEC quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với Việt Nam và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta: chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang triển khai và đàm phán là với thành viên APEC. Sau 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã 2 lần đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực, được các thành viên đánh giá cao. Dấu ấn nổi bật của năm Chủ nhà APEC 2017 là Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và đang được APEC triển khai thực hiện.

Về Tuần lễ cấp cao APEC 2023, năm nay đánh dấu tròn 30 năm kể từ Hội nghị Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ và cũng là lần thứ 3 Hoa Kỳ đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC. Với chủ đề  “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, nước chủ nhà Mỹ tập trung vào 3 ưu tiên về: Kết nối – xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; thứ hai là Đổi mới sáng tạo – thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; và thứ ba là Bao trùm – củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân. Chủ đề và các ưu tiên do Hoa Kỳ đề xuất có sự tiếp nối với những chủ đề và ưu tiên của các Chủ nhà APEC những năm gần đây, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và bao trùm, kết nối, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

Sau 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã 2 lần đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực, được các thành viên đánh giá cao. (Ảnh minh họa, nguồn: shutterstock.com)

Tại Tuần lễ lần này, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ rà soát việc thực hiện Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040; báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch ở cả 3 trụ cột: thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định vai trò diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương thúc đẩy các nỗ lực đa phương trong thúc đẩy phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.

Với Việt Nam, chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa quan trọng, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập APEC. Trong năm 2023 và tại diễn đàn lần này, Việt Nam đã và đang tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Chủ nhà Hoa Kỳ, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại – đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2023; thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN.

Việt Nam cũng đồng thời tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017. Việt Nam là thành viên duy nhất tự nguyện báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa trên cả 3 trụ cột.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 diễn ra tại San Francisco, Mỹ từ ngày 11-17/11 (Ảnh: AFP)

Chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam – Hoa Kỳ vừa xác lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 vừa qua. Đều là các thành viên tích cực của APEC, hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ dưới hình thức trực tiếp như Đối thoại Châu Á – Thái Bình Dương (tháng 10/2022), Đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng (3/2023), Đối thoại Nhân quyền (11/2023).

Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2023, Tổng thống Biden đã ca ngợi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và cho rằng, đây là quan hệ hình mẫu. Với những đóng góp quan trọng, có trách nhiệm của Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc và trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Do đó, chuyến tham dự APEC lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa thúc đẩy quan hệ giữa các thành viên APEC, đồng thời thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tác giả: Vũ Dũng

Nguồn: vov.vn