Chủ động, quyết liệt trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Nghệ An

Trong nước và trên thế giới, thiên tai những năm gần đây tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt. Ở Nghệ An, thiên tai thường xuyên xảy ra bất cứ lúc nào, ở tất cả các mùa trong năm.

0

PV Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Trường Thành, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi về vấn đề chủ động nâng cao năng lực dự báo, ứng phó và khắc phục nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên tai đối với phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

P.V: Thưa ông! Nghệ An có những khó khăn gì trong vấn đề phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn?

Ông Nguyễn Trường Thành : Nằm trong xu thế chung, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2021, ngay từ đầu năm đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại; đủ các loại hình thiên tai xảy ra như không khí lạnh, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn diện rộng.

Nghệ An có địa bàn rộng, đồi núi nhiều, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng dễ bị chia cắt khi có thiên tai xảy ra, bởi vậy công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Thiên tai đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế -xã hội; ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Năm 2021, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng gần 699 tỷ đồng. Tai nạn trên biển cũng đã làm 23 người chết, 7 người mất tích.

Ông Nguyễn Trường Thành

Nhiều vùng dân cư của huyện Thanh Chương ngập trong nước lũ ở đợt mưa lụt tháng 9/2020. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

P.V: Vậy những năm qua, Nghệ An đã có những giải pháp gì để có thể giảm thiểu thấp nhất các tác động bất lợi của thiên tai, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Thành: Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc; Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Mưa bão, úng ngập, thiên tai còn thường xuyên gây hạn hán khốc liệt ở Nghệ An. Ảnh: Phú Hương

Ngay từ đầu năm, trước mùa mưa bão, chúng ta đã chủ động xây dựng phương án ứng phó ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp. Hiện tại, các kịch bản và phương án phòng chống thiên tai của các địa phương, đơn vị đang được các cấp có thẩm quyền tiến hành phê duyệt. Riêng tại các công trình ách yếu, hiện chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa, tu bổ và nâng cấp để chủ động trong phòng chống thiên tai, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra phương án phòng chống tại đập Ba Khe, Nam Đàn trước mùa mưa bão năm 2021. Ảnh: Phú Hương

Trong ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp, các địa phương, đơn vị đều chủ động xây dựng phương án cụ thể. UBND tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định về chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án hộ đê, phương án phòng chống thiên tai tại các hồ chứa lớn… Đồng thời, xây dựng kịch bản khắc phục sau khi thiên tai gây ra các hậu quả đối với sản xuất và đời sống dân sinh.

Xây dựng các tuyến đê biển ở Hoàng Mai nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Ảnh: Phú Hương

Đặc biệt, xác định nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng là nội dung cực kỳ quan trọng trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những năm qua, Nghệ An đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ các cấp chính quyền và nhân dân, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó cho người dân khi có thiên tai, thảm họa xảy ra, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản sau thiên tai.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công tác gạn triều tiêu úng tại bara Diễn Thành trước bão. Ảnh: Phú Hương

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.

P.V: Thời gian tới, dự báo thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Thành: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, năm nay nước ta có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Thiên tai tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1⁄2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021.

Thành phố Vinh “thất thủ” trong đợt mưa lụt tháng 10/2020. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá chung, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn nhiều bất cập. Khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn bất cập, hệ thống trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế… Đặc biệt, một bộ phận người dân và chính quyền còn chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại đáng tiếc, nhất là về người.

P.V: Vậy theo ông, các địa phương, đơn vị và mỗi người dân cần làm gì để có thể ứng phó một cách tốt nhất các tác động của thiên tai đến sản xuất và đời sống?

Ông Nguyễn Trường Thành: Trong hội nghị toàn quốc mới đây về triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng… đã nhấn mạnh: Chúng ta cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Cũng từ đó, có các giải pháp khẩn trương, kịp thời và hiệu quả

Nông dân lắp máy bớm dã chiến “cứu” lúa vụ hè thu. Ảnh: Phú Hương

Trên cơ sở kịch bản, phương án đã được xây dựng, khi có thiên tai xảy ra, các địa phương, đơn vị phải kịp thời ứng phó ngay. Đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” tại địa phương, nhất là những vùng khó khăn sẽ bị chia cắt, cô lập về thông tin liên lạc, giao thông đi lại. Thực tế những năm qua, các đội xung kích phòng chống thiên tai đã phối hợp hoạt động rất hiệu quả. Chúng ta cần tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, hoạt động của lực lượng này nhằm nâng cao năng lực ứng phó tại mỗi địa phương, đơn vị nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cả về người và của.

Tháng 8/2019, Thủy điện Bản Vẽ buộc phải xả lũ ở mức xả lớn nhất kể từ lúc Nhà máy Thủy điện đi vào vận hành năm 2010 do tác động của mưa to kết hợp lũ từ Lào đổ về. Ảnh:tư liệu: Phú Hương

Sau thiên tai, để đưa các hoạt động trở lại bình thường thì công tác khắc phục rất quan trọng. Cần bám vào kịch bản, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai một cách nhanh nhất để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường.

Những năm qua, hầu như không năm nào chúng ta không phải chịu thiệt hại về người do thiên tai. Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, thì trong xây dựng và thực hiện kịch bản PCTT và TKCN,  phải đặc biệt quan tâm phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng nhạy cảm với thiên tai như các vùng có nguy cơ dễ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, vùng nguy cơ sạt lở đất; những vùng hay ngập lụt, vùng ven biển cần chủ động di dời dân cư đề phòng bão lớn gây triều cường. Thực hiện diễn tập cẩn thận để có thể hoàn toàn chủ động khi mưa bão đến.

P.V: Xin cảm ơn ông!
Theo Phú Hương/Báo Nghệ an
Link gốc: https://baonghean.vn/chu-dong-quyet-liet-trong-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-o-nghe-an-307144.html