Chủ đầu tư nói về khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ bị hoang phế

Sau khi Báo GD&TĐ có bài viết về tình trạng hoang phế tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An), chủ đầu tư đã có phản hồi.

0
Khu tái định cư Khe Ò (xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Phạm Tâm.

Ngày 1/2/2023, báo Giáo dục & Thời đại trên cả 2 phiên bản báo giấy và báo điện tử đã xuất bản bài viết “Sống trong sợ hãi… bên dòng Nậm Nơn” phản ánh về thực trạng bất cập tại Khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tại bản Khe Ò, xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) khiến hàng chục hộ dân được cấp đất, tái định cư phải rời bỏ nhà cửa, đi tìm nơi ở mới; những hộ dân ít ỏi ở lại luôn sống trong tình trạng bất an, tính mạng bị đe doạ do nguy cơ sạt lở đất.

Đường vào khu tái định cư Khe Ò cỏ dại mọc um tùm, hàng chục ngôi nhà và công trình nhà văn hóa bị bỏ hoang. Ảnh: Thành Tâm.

Thực trạng trên khiến khu tái định cư Khe Ò nay chỉ còn là một miền đất hoang vu với những ngôi nhà hoang vắng cỏ mọc um tùm; không chỉ đời sống của các hộ gia đình mà việc học tập của con em trong khu tái định cư cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực trạng đáng lo ngại trên xảy ra từ năm 2010 lại nay là 13 năm, nguyên nhân là do quá trình lựa chọn địa điểm tái định cư, cũng như khâu đo đạc, khảo sát, đánh giá tác động của địa chất, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, với chủ đầu tư về thực trạng này. Tuy nhiên, đến nay, các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư EVN vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để giải quyết dứt điểm giúp người dân ổn định cuộc sống.

Một ngôi nhà bỏ hoang tại khu tái định cư Khe Ò. Ảnh: Thành Tâm

Ngoài các vấn đề phản ánh trong bài viết, báo GD&TĐ còn có văn bản gửi EVN đề nghị cung cấp một số thông tin: EVN có được lãnh đạo Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ báo cáo về những tồn tại, bất cập tại Khu tái định cư bản Khe Ò, xã Yên Na hay không? Nếu không thì trách nhiệm của lãnh đạo nhà máy ở đâu? Nếu có, vì sao thực trạng kéo dài đến 13 năm nhưng EVN vẫn chưa giải quyết, khắc phục để ổn định đời sống cho nhân dân?

Một nội dung khác là, phương án giải quyết, hỗ trợ, bố trí nơi ở tái định cư cho người dân tại khu tái định cư Khe Ò của EVN như thế nào và tiến độ thực hiện đến thời điểm hiện tại?

Chủ đầu tư thừa nhận thực trạng “dân khó ở” của khu TĐC

Mới đây, báo GD&TĐ nhận được văn bản số 272/EVNGENCO1+ QLĐTXD + TCKT do ông Nguyễn Mạnh Huấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) ký ngày 27/2/2023 phản hồi các nội dung Báo GD&TĐ nêu. Phía Tổng công ty Phát điện 1 cho biết, Tổng công ty thành lập năm 2013, được EVN chuyển giao trách nhiệm chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Bản Vẽ và đơn vị đại diện thực hiện là Ban Quản lý dự án thủy điện 2/Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Tổng công ty Phát điện 1 có văn bản gửi Báo GD&TĐ thông tin về những tồn tại, vướng mắc tại khu tái định cư Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ.

Theo EVNGENCO1, năm 2004, Dự án thuỷ điện Bản Vẽ được khởi công xây dựng trên dòng sông Nậm Nơn (thuộc bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An). Một năm sau, khi dự án ngăn dòng xây dựng đập, hàng trăm hộ dân ở xã Yên Na đã rời bỏ nhà cửa để đến nơi ở mới.

Trong số hàng nghìn hộ dân phải di dời, có 46 hộ dân được bố trí về sinh sống tại khu TĐC Khe Ò. Với sự hỗ trợ của địa phương, Ban QLDA thủy điện 2/Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo phương án tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là: Đã hoàn thành đầu tư xây dựng điểm TĐC theo thiết kế được duyệt và tổ chức đưa 46 hộ dân về ở ổn định từ 2005 đến 2010; Hoàn thành việc giao đất, cấp giấy CNQSD đất đối với đất ở và đất vườn liền kề cho các hộ dân; Hoàn thành chi trả đầy đủ kịp thời các khoản bồi thường, hỗ trợ mà người dân TĐC được hưởng theo quy định.

Khu TĐC Khe Ò nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Tâm.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2010, sau đợt mưa lớn kéo dài đã có một số tảng đá mồ côi trên núi rơi xuống khu vực TĐC (trong đó có 1 tảng đá lớn khoảng 3,0m3 từ trên núi lăn xuống chắn ngang đường giao thông trong bản) do đó người dân lo sợ không đảm bảo an toàn, nên đã có 7 hộ tự tháo dỡ nhà chuyển ra khu vực lân cận mặt bằng công trường dựng nhà để ở. Tiếp tục đến năm 2012 có 34 hộ đã tự tháo dỡ nhà chuyển ra khỏi điểm TĐC về ở xung quanh khu vực mặt bằng công trường, hiện tại chỉ còn 05 hộ đang sinh sống tại điểm TĐC.

Trước nguy cơ sạt lở tại điểm TĐC Khe Ò, tháng 5/2012 UBND tỉnh Nghệ An đã mời Viện Vật lý địa cầu vào khảo sát đánh giá sơ bộ và thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực địa tình hình sạt lở tại điểm TĐC Khe Ò, họp bàn tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý, kết quả kiểm tra có báo cáo số 124/BC-SNN.PCBL ngày 25/5/2012 của sở Nông nghiệp và PTNT. Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, đoạn đường ven sông đi qua điểm TĐC Khe Ò thuộc tỉnh lộ 543b đã được Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An thực hiện xử lý gia cố ta luy âm đảm bảo an toàn và qua theo dõi từ năm 2010 đến nay không xảy ra hiện tượng đá rơi.

Điểm trường mầm non tại khu tái định cư Khe Ò được xây dựng khang trang nhưng phải bỏ hoang vì không có học sinh. Ảnh: Phạm Tâm.

Giải pháp để chấm dứt nỗi khổ kéo dài của 46 hộ dân

Trong văn bản gửi báo GD&TĐ, phía EVNGENCO1 thông tin các phương án giải quyết, hỗ trợ bố trí nơi ở tái định cư cho 46 hộ dân nói trên như sau:

Đối với 5 hộ vẫn đang sinh sống ổn định tại điểm tái định cư: Tháng 01/2022, Ban QLDA thủy điện 2/Công ty thủy điện Bản Vẽ đã thực hiện hỗ trợ bằng tiền để sửa chữa tôn tạo lại nhà ở trước đây do Chủ đầu tư xây dựng với kinh phí 107 triệu đồng (bình quân mỗi hộ 20 triệu đồng).

Đối với 19 hộ được UBND huyện Tương Dương quy hoạch tập trung về một điểm TĐC nằm trong khu vực mặt bằng công trường phục vụ thi công dự án trước đây (các hộ này được đưa về TĐC cuối năm 2018 do bị ảnh hưởng ngập lụt trong đợt lũ lịch sử ngày 31/8/2018), EVNGENCO1 hỗ trợ 50 triệu và UBND huyện Tương Dương hỗ trợ 20 triệu để giúp người dân dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống từ năm 2018 đến nay. Hiện nay, điểm tái định cư này đã được địa phương đầu tư điện sinh hoạt, làm đường giao thông nội bản bằng bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Đối với 22 hộ hiện đang sinh sống ổn định tại các địa điểm trong khu vực mặt bằng công trường trước đây là các khu lán trại của Nhà thầu thi công. Thời gian qua, từ tháng 9/2022 đến nay, UBND huyện Tương Dương, UBND xã Yên Na cùng với Ban QLDA thủy điện 2/Công ty thủy điện Bản Vẽ đang thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng nơi ở của từng hộ dân để lập phương án cấp đất ở ổn định lâu dài cho 22 hộ này đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Phía EVNGENCO1 cho biết, nội dung này UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu hoàn thành trong quý III/2023.

Ngoài ra, EVNGENCO1/Công ty thủy điện Bản Vẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ địa phương thông qua các hoạt động an sinh xã hội, liên quan đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa… Những chính sách hỗ trợ này sử dụng nguồn vốn từ sản xuất kinh doanh, Quỹ phúc lợi, nằm ngoài tổng mức đầu tư của dự án Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ được phê duyệt.

Cũng theo chủ đầu tư, để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại điểm TĐC Khe Ò, UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo số 9344/UBND-CN ngày 07/12/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN thực hiện hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng điểm TĐC mới với giá trị 5,3 tỷ đồng cho 46 hộ Khe Ò tại vị trí trước đây được quy hoạch mặt bằng công trường phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho rằng, đây là một trong các nội dung hỗ trợ nằm ngoài khung chính sách, không có trong Quy hoạch di dân, tái định cư của Dự án được phê duyệt nên đơn vị chưa có cơ sở để thực hiện.

Hiện, đơn vị đang chờ kết quả xử lý của cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

Dự án thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, địa điểm xây dựng tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là phát triển nguồn điện quốc gia với công suất là 320MW, tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ du vào mùa kiệt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đẩy mặn, tham gia cắt lũ vùng hạ du, dung tích phòng lũ là 300 triệu m3.

Dự án được khởi công ngày 07/8/2004 và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2010. Đến cuối năm 2022, dự án đã nộp ngân sách cho địa phương được 2.078 tỷ đồng.

Theo Phạm Tâm

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/chu-dau-tu-noi-ve-khu-tai-dinh-cu-thuy-dien-ban-ve-bi-hoang-phe-post630336.html