Chiêu trò làm ‘sổ vàng truyền thống’ miễn phí cho các trường học ở Hà Tĩnh

Giáo viên ở Hà Tĩnh được chụp ảnh làm “sổ vàng truyền thống” miễn phí nhưng ảnh chung nhà trường và ảnh cá nhân được Công ty TNHH Nguyên Cầu bán với giá lên đến tiền triệu. Hàng trăm trường học ở Hà Tĩnh “dính” chiêu trò của doanh nghiệp ở tận Hà Nội.

0

Đằng sau việc chụp ảnh miễn phí

Thời gian gần đây giáo viên tại Hà Tĩnh hoang mang về hoạt động tài trợ chụp ảnh làm “sổ vàng truyền thống” miễn phí của Công ty TNHH Nguyên Cầu.

Giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cho hay, Công ty TNHH Nguyên Cầu về trường chụp ảnh, làm “sổ vàng truyền thống” vào tháng 5/2022.

Sau khi chụp ảnh đủ các kiểu, công ty có tặng cho trường cuốn “Sổ truyền thống Trường tiểu học”, bên trong có một số bài viết in sẵn theo kiểu rợp khuôn cùng ảnh của Ban Giám hiệu và từng giáo viên trong trường kèm vài dòng thông tin sơ lược.

“Sổ thì miễn phí nhưng ảnh chung của trường chúng tôi phải trả 2,6 triệu đồng. Còn ảnh cá nhân thì tùy kích cỡ, mỗi người tầm 300-400 nghìn đồng”, cô giáo cho biết.

Bên trong “sổ truyền thống”.

Chỉ tay về ảnh cá nhân của mình, cô giáo này cho hay, ảnh có kích thước khoảng 30×40, Công ty Công ty TNHH Nguyên Cầu “bán” cho cô với giá 500 nghìn đồng. Ảnh chung toàn trường được để trong hội trường, kích thước 800×1000, trường phải bỏ ra 2,6 triệu đồng để mua. “Hôm đó, có khoảng 10 giáo viên trong trường làm ảnh cá nhân”, cô nói.

Theo cô giáo ban đầu nhà trường nghĩ “sổ vàng” sẽ lưu giữ được những hình ảnh, hoạt động nổi bật của trường nhưng từ khi nhận được sổ đến nay trường gấp lại đó chứ không trưng bày hay để được nơi nào hữu ích. Hơn nữa, nội dung bên trong sổ đơn giản, không thiết thực, hữu ích như giới thiệu.

Theo thầy giáo N.P, Trường tiểu học T.K khi đang làm Hiệu trưởng Trường tiểu học B.A ( huyện Lộc Hà), công ty này cũng về trường chụp ảnh, làm sổ truyền thống cho trường. Tuy nhiên, trường được tặng cả sổ lẫn ảnh chung toàn trường.

“Tôi không nhớ có bao nhiêu giáo viên làm ảnh cá nhân, tôi có làm cái 300 nghìn đồng. Thực ra, trường nào làm ảnh cá nhân nhiều, có lợi nhuận rồi thì họ tặng thêm cho ảnh chung toàn trường”, thầy P nói.

Tương tự, một trường mầm non ở huyện Can Lộc được người của Công ty TNHH Nguyên Cầu về chụp ảnh làm “sổ vàng truyền thống” từ cuối năm học 2020-2021.

Bức ảnh này kích thước 800×1.000 cm, trường mua với số tiền 2,5 triệu đồng còn “sổ truyền thống” trường vẫn chưa nhận được.

“Trường làm cái ảnh chung hết 2,5 triệu đồng và có một số giáo viên làm ảnh cá nhân với giá khoảng 200-500 nghìn đồng, tùy kích cỡ. Họ nói tặng miễn phí “sổ truyền thống” nhưng đến giờ trường chưa nhận được sổ này còn ảnh thì gửi về trường cách thời điểm công ty làm khoảng 1 tuần. Tôi tìm hiểu thì tất cả các trường ở huyện Can Lộc đều chưa nhận được “sổ vàng” miễn phí như công ty giới thiệu”, hiệu trưởng trường này cho hay.

Còn tại huyện Cẩm Xuyên, hiện nay người của Công ty TNHH Nguyên Cầu đang triển khai chương trình gắn “mác” tài trợ này. Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Nhượng N.K.H thông tin, trường làm vào đúng ngày khai giảng (5/9/2022), lúc đó lộn xộn nên cô không nắm rõ có bao nhiêu giáo viên chụp ảnh cá nhân.

Riêng trường có làm ảnh chung với số tiền là 1,6 triệu đồng. Hiện tại ảnh này nhà trường đã nhận được còn “sổ vàng truyền thống” chưa có.

Hiệu trưởng Trường THCS C.P cho biết, tất cả các hoạt động chụp ảnh ở trường đều miễn phí nhưng đến giờ công ty chưa có sản phẩm gửi về cho trường.

“Công ty về chụp ảnh rất bài bản nhưng tôi băn khoăn, không hiểu họ lấy kinh phí đâu để tài trợ như thế. Khi họ về tôi cũng quán triệt từ đầu, việc này là do công ty về xin làm chứ không phải chúng tôi đề xuất, công văn cũng đều nói miễn phí nên công ty không được yêu cầu về tiền bạc, nếu có yêu cầu chúng tôi cũng không giải quyết”, ông H.D.T nói.

Chia sẻ với PV, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Nhượng cũng phân vân, lo lắng khi ảnh cá nhân, thông tin của giáo viên trong trường mà Công ty TNHH Nguyên Cầu thu thập, lưu giữ như thế có bị lợi dụng, sử dụng vào mục đích xấu hay không…!

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà Phan Thanh Dân cho biết: Đơn vị rất đề phòng các trường hợp giới thiệu bán hàng, làm dịch vụ như thế này. Trước khi ban hành văn bản, đơn vị đã quán triệt với tất cả hiệu trưởng. Việc chụp ảnh làm “sổ truyền thống” là hoàn toàn miễn phí còn chụp ảnh cá nhân thì tùy nhu cầu của mỗi người nhưng cũng phải cân nhắc, phòng trường hợp làm xong rồi quay lại phản ánh này nọ.

Văn bản giới thiệu của Phòng GD&ĐT Lộc Hà.

Liên hệ qua điện thoại, ông Phạm Văn Đức, Trưởng phòng Marketing, Công ty TNHH Nguyên Cầu cho hay: Công ty xin văn bản ở tỉnh từ năm 2020 nhưng do dịch Covid-19 nên hết dịch mới vào làm. Hiện nay tại Hà Tĩnh đã có 5 huyện nhận được “sổ truyền thống”, gồm Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà.

“Chương trình này công ty tài trợ hàng năm chứ không phải mỗi năm nay. Có nghĩa là năm nay chúng tôi xây dựng sổ truyền thống, hàng năm trường có hoạt động của giáo viên, học sinh chụp bằng điện thoại, sau đó các thầy cô gửi về, công ty in gửi về cho trường. Trong sổ có thể rút ra, thêm vào được. Nếu trường nào có nhu cầu làm quà tặng thì công ty cũng làm cho”, ông Phạm Văn Đức cho hay.

Theo ông Đức, kinh phí chụp ảnh, in ấn, gửi “sổ vàng truyền thống” là hoàn toàn miễn phí, nằm trong chương trình tài trợ của công ty. “Quá trình làm, các thầy cô giáo làm ảnh cá nhân thì tùy họ chứ không bắt buộc”, ông Đức nói.

Đối với việc các trường học ở huyện Can Lộc chưa nhận được sổ, ông Đức hứa sẽ sẽ kiểm tra lại. Còn về việc bảo mật thông tin cho giáo viên, vị Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Nguyên Cầu cho hay: Công ty không cam kết bằng văn bản nhưng file mềm sau khi làm xong được gom hết, lưu giữ vào ổ cứng của tổng công ty ở Hà Nội, không cho nhân viên lưu giữ vào laptop của mình. Trường nào có nhu cầu lấy file mềm thì công ty gửi.

Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên giới thiệu Công ty TNHH Nguyên Cầu về các trường học làm “sổ vàng truyền thống”.

Từ chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Nguyên Cầu cho thấy, từ năm 2021 đến nay, nhân viên công ty tỏa về hàng trăm trường học tại 5 huyện trên địa bàn Hà Tĩnh.

Với cái “mác” tài trợ miễn phí nhưng thực chất công ty sử dụng chiêu thức “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Qua đó công ty đã “móc” được khá nhiều tiền từ các trường học và giáo viên.

Giữ liệu công ty này đang nắm giữ có được kiểm soát hay không lại là vấn đề đang bị “bỏ ngõ”. Mặt khác, nếu các trường không tỉnh táo, tiếp tục đặt hàng làm quà tặng trong những năm tiếp theo thì số tiền đã chi không chỉ dừng lại ở đây.

Theo Hạnh Nguyên

Link gốc: http://daidoanket.vn/chieu-tro-lam-so-vang-truyen-thong-mien-phi-cho-cac-truong-hoc-o-ha-tinh-5698029.html