‘Cháu nó ở nhà ngoan lắm’
Nhiều người chắc hẳn còn nhớ My sói, đây là nhân vật phản diện rất nổi tiếng trong bộ phim truyền hình cực kỳ ăn khách của VTV - 'Quỳnh Búp bê'.
Cảm hứng để những nhà làm phim xây dựng nhân vật này chính là một nữ tội phạm ở tuổi vị thành niên ngoài đời thực.
My sói ngoài đời thực khi mới 14 tuổi đã tổ chức được nhóm thanh niên đi cướp và cưỡng hiếp tập thể nạn nhân nữ trạc tuổi mình.
Thủ đoạn của My và các “đàn em” cực kỳ chuyên nghiệp và tàn bạo. Không chỉ cưỡng hiếp tập thể, nhóm của My sói còn quay clip lại để khống chế nạn nhân.
Nhắc lại câu chuyện của My sói để thấy, từ rất nhiều năm qua, tình trạng trẻ em phạm tội đang mỗi ngày một nóng thêm, tính chất, thủ đoạn phạm tội cũng nguy hiểm, thậm chí tàn bạo không kém gì những đối tượng trên 18 tuổi.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong giai đoạn năm 2018 – 2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan.
Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng năm 2020, đã xảy ra 4.262 vụ, với hơn 6.500 đối tượng phạm pháp.
Theo số liệu thống kê, tình trạng vi phạm an toàn giao thông trong độ tuổi từ 15 – 35 rất đáng báo động, chiếm gần 70% so với các lỗi vi phạm như sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của thanh, thiếu niên lên tới 7,39/1.000 em.
Điều gì tạo nên thực trạng rất đáng lo này, theo góc nhìn của một người làm trong ngành truyền thông, báo chí, tôi cho rằng, một phần nguyên nhân xuất phát từ thái độ, quan điểm của bố mẹ, của xã hội, thậm chí của nhiều người cầm bút đối với những sai phạm của trẻ vị thành niên.
Ngày 25/9 vừa qua, khi những hình ảnh về vụ việc 2 học sinh bị một số cảnh sát giao thông hành hung, thì gần như tất cả báo chí, mạng xã hội đều chạy theo phân tích, bóc tách những vi phạm của nhóm cảnh sát nêu trên.
Những vi phạm này, đương nhiên cần được làm rõ, cần được xử lý theo luật định. Nhưng trong trường thông tin, dư luận về sự vụ ầm ĩ này, có rất ít những bài viết phân tích đầy đủ, đa chiều về vi phạm của những học sinh.
Tất cả những vi phạm, khuyết điểm của 2 đứa trẻ như chạy xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát… đều bị che khuất bởi những bài viết, phân tích, bình luận đầy tính thương cảm, chua xót, đau đớn…
Không ít người bình luận “ở nhà bố mẹ chẳng dám đánh một cái bạt tai, cháu ở nhà rất ngoan, vậy mà ra đường lại lạng lách, đua xe, lại bị đánh như vậy”.
Không mấy ai đặt vấn đề, bố mẹ thương chiều con hết mực, cho lái xe khi chưa đủ tuổi, mua xe phân khối lớn để đi cho bằng bạn bằng bè thì hậu quả là như thế nào?
Thực tế là dưới sự nuông chiều, dễ dãi của cha mẹ, giới trẻ ngày càng có chiều hướng ít thượng tôn pháp luật. Có bố mẹ bao che, cái gì cũng có thể lo được bằng tiền, bọn trẻ sao không suy nghĩ méo mó về các giá trị xã hội?
Theo quy định hiện hành, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143… của Bộ luật Hình sự.
Rõ ràng, các chế tài của pháp luật dành cho những vi phạm của trẻ vị thành niên cũng đã có, do vậy, để cho trẻ hiểu và tôn trọng pháp luật, biết chịu trách nhiệm trước những sai lầm, sai phạm thì trước mắt là các bậc phụ huynh và sau đó là cả hệ thống truyền thông phải thực hiện chức năng của mình một cách đúng đắn, khách quan.
Sai phạm phải được nhận diện chính xác và nhất thiết không nên tuyên truyền theo kiểu dân túy: “Cháu nó ở nhà ngoan lắm”, đó là cách hủy hoại nhận thức, ý thức của nhiều đứa trẻ.
Theo Hoàng Việt
Link gốc: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/chau-no-o-nha-ngoan-lam-d185697.html