Chặn nạn buôn người ở miền núi Nghệ An: Canh trẻ từ trong trứng nước

Nhiều mô hình phòng, chống mua bán người tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) mang lại hiệu quả cao, nhằm loại bỏ sớm tội phạm này.

0
Tổ công tác phòng, chống buôn bán người của xã Hữu Kiệm vào bản tuyên truyền cho người dân. Ảnh Phạm Tâm

Tổ canh bào thai – mô hình có một không hai

Hữu Kiệm là xã miền núi khó khăn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Địa phương này có hơn 1.000 hộ dân với 4 dân tộc cùng chung sống, gồm Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh.

Trước đây, Hữu Kiệm được biết đến là “điểm nóng” về tình trạng mua bán người, bán bào thai. Theo thống kê, địa phương này có 22 trường hợp đi bán bào thai, 2 nạn nhân bị kẻ xấu lừa bán sang nước ngoài.

Điểm chung của họ là cuộc sống nghèo khó, nhận thức về xã hội và pháp luật hết sức hạn chế. Điều đau lòng hơn, nhiều trường hợp từng là nạn nhân buôn người lại quay trở về địa phương để lừa bán người khác, kể cả chính người thân của mình.

Để ngăn chặn vấn nạn này, năm 2022, xã Hữu Kiệm xây dựng mô hình điểm về phòng, chống buôn bán người bao gồm lãnh đạo xã, công an, hội phụ nữ xã và các trưởng bản. Tổ công tác đặc biệt này thường được gọi là “tổ canh bào thai”.

Chị Lô Thị Là – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Kiệm cho biết, vì nhận thức của người dân còn thấp, đời sống còn quá khó khăn nên nhiều phụ nữ nơi đây trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.

Mỗi tuần 2 lần, tổ đến nhà các thai phụ để nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe. Phụ nữ mang thai trên địa bàn được cập nhật vào danh sách theo dõi của hội. Khi xác minh đúng một người mang thai, chị Là sẽ ghi cụ thể tên tuổi, số tháng thai kỳ, khi nào họ mẹ tròn con vuông thì đánh dấu đưa ra khỏi danh sách giám sát.

Theo chị Là, mỗi tuần cán bộ Hội Phụ nữ thường tranh thủ thời gian đến nhà các bà bầu nói chuyện, đặc biệt là tại các bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ để tuyên truyền, nắm bắt thêm nguyện vọng để kịp thời ngăn chặn họ đi bán bào thai.

Không dừng lại ở đó, để tránh người xấu vào bản lừa đảo, dụ dỗ phụ nữ đi bán bào thai, tổ công tác sẽ chủ động phát hiện và tìm hiểu rõ mục đích của họ.

Cán bộ phụ nữ này cho biết, tội phạm buôn người thường đánh vào tâm lý, kinh tế gia đình. Khi tiếp cận phụ nữ mang thai, chúng thường bảo rằng bán con sẽ có một khoản tiền lớn để trang trải. Rồi có thêm tiền để nuôi những đứa con còn lại tốt hơn. Vì thế nên nhiều người mới không suy nghĩ gì mà đồng ý đi bán con.

Ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chị Là còn tranh thủ hướng dẫn các bà bầu làm các đồ thủ công bằng tre nứa để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong thời gian ở nhà sinh con.

Trò chuyện cùng tổ công tác, chị Lữ Thị Mùi (SN 1999, trú tại bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm) chia sẻ, lúc đầu thấy cán bộ thường xuyên đến nhà hỏi chuyện cũng “hơi khó chịu”.

Nhưng sau một thời gian, được cán bộ tư vấn nhiều về kiến thức sinh sản, nuôi con nên chị Mùi cảm thấy rất bổ ích và ngày càng yêu thương đứa con trong bụng của mình hơn. Thỉnh thoảng, chị còn chủ động gọi điện thoại nhờ cán bộ Hội phụ nữ tư vấn thêm.

Hàng tuần, cán bộ công an, hội phụ nữ lại vào bản để tâm sự, tuyên truyền cho chị em phụ nữ. Ảnh: Phạm Tâm

Chủ động ngăn chặn tội phạm

Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho rằng, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Khơ Mú. Nguyên nhân là do đồng bào có đời sống rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo, lối sống lạc hậu.

Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật rất kém nên ngay việc bán con của mình họ cũng không nghĩ là vi phạm pháp luật.

Để xóa bỏ tình trạng này, chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác đến tuyên truyền pháp luật cho bà con, quản lý những người phụ nữ đang có bầu hoặc có con nhỏ. Đồng thời, ngăn chặn sớm tình trạng kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ sang nước ngoài làm việc hoặc sinh con.

Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm mang lại hiệu quả cao. Đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người, bán bào thai.

Theo ông Hà, để nâng cao đời sống kinh tế người dân, địa phương đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con như hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, mở các lớp dạy nghề đan lát truyền thống, nâng cao tay nghề, đổi mẫu mã sản phẩm; cũng như liên kết, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân…

“Địa phương đang kêu gọi một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động, vừa tạo việc làm thu nhập ổn định cho người dân, vừa quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn buôn người”, ông Hà chia sẻ thêm.

Bà Vũ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn huyện đơn vị thành lập được 3 câu lạc bộ mô hình phòng chống buôn người tại 3 xã là điểm nóng, gồm xã Hữu Kiệm, Phà Đánh, Chiêu Lưu. Cứ 3 tháng, câu lạc bộ sẽ tổ chức họp và tuyên truyền.

“Hằng tháng, các câu lạc bộ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân. Các câu lạc bộ giúp người dân, nhất là phụ nữ ở các xã vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, luật hôn nhân, bình đẳng giới và nhất là phòng chống buôn bán người”, bà Huyền cho biết.

“Thời gian qua, nhiều mô hình phòng chống tội phạm buôn người tại Nghệ An đã được thành lập, hoạt động hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến mô hình Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người ở xã Tam Quang, Nga My, Yên Hòa (huyện Tương Dương) và Hạnh Dịch (huyện Quế Phong); Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người ở huyện Kỳ Sơn hay mô hình Lá chắn phòng chống mua bán người tại xã Đôn Phục (huyện Con Cuông)…”.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn: giaoducthoidai.vn