Cảnh giác với thủ đoạn lừa ‘chạy án’ để chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người nhà các bị can, phạm nhân đang bị giam giữ, muốn lo lót để người thân được giảm án, sớm trở về với gia đình, nhiều đối tượng đã tiếp cận, lừa đảo mình có nhiều mối quan hệ, có thể “chạy án” để chiếm đoạt tiền của bị hại.
Chiêu lừa… “chạy án”
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hằng năm trên địa bàn Nghệ An, lực lượng chức năng đã thụ lý, điều tra hàng chục vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi “chạy án”.
Điển hình ngày 23/1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Tiến Dũng (SN 1972), trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền 600 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Tiến Dũng là lao động tự do, lợi dụng quen biết với các bị hại, Dũng đã thông tin tới nạn nhân rằng, mình có mối quan hệ với các cơ quan tố tụng, có thể “chạy án”, từ đó chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng của một nạn nhân tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có người thân bị bắt vì phạm tội liên quan đến ma túy. Toàn bộ số tiền nhận từ nạn nhân, Dũng đã sử dụng để tiêu xài và đầu tư kinh doanh trên mạng xã hội.
Tương tự, ngày 17/12/2023, tại một căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Tổ công tác Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lưu Khắc Tùng (SN 1984), trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là đối tượng đã liên hệ với một số đối tượng ở trong và ngoài địa bàn tỉnh Nghệ An, đưa ra thông tin với gia đình N.N.H (đối tượng bị khởi tố, tạm giam về tội đánh bạc) sẽ chạy án, để chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng của gia đình H.
Qua đấu tranh, bước đầu, Lưu Khắc Tùng đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 13/10/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Thị Hạnh (SN 1987), trú thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 3 năm 6 tháng tù. Theo cáo trạng, Hạnh là nhân viên y tế học đường. Từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023, để có tiền tiêu xài, Hạnh dùng thủ đoạn đưa ra thông tin giả mạo có thể chạy “án trắng” cho Lô Thị Minh Nhàn – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Sơn và Lô Thị Soa – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn để 2 người này không bị xử lý hình sự liên quan đến việc tiếp nhận, điều phối tiền cứu trợ đồng bào Kỳ Sơn sau đợt thiên tai lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, Hạnh còn cho biết, sau khi chạy được “án trắng” thì có thể xin chuyển công tác cho 2 người này sang vị trí mới.
Tin tưởng, bà Nhàn đã đưa cho Hạnh 240 triệu đồng, 2 con lợn rừng; còn bà Soa đưa cho Hạnh 210 triệu đồng, 3kg thịt bò giàng, 3 yến nếp nương. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hạnh đã tiêu xài hết. Bà Nhàn và bà Soa sau đó đã bị khởi tố và xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nâng cao cảnh giác
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “chạy án” vẫn tồn tại, và có xu hướng ngày càng tăng, mặc dù lực lượng chức năng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều cảnh báo. Có thể thấy, lợi dụng tâm lý lo lắng của người thân các bị can, phạm nhân đang bị giam giữ, muốn lo lót để các đối tượng này được giảm án, sớm trở về với gia đình, nhiều đối tượng đã “nổ” có nhiều mối quan hệ quen biết để “chạy án”. Theo đó, không ít đối tượng, đặc biệt là người thân của họ sẵn sàng vay mượn, bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để nhờ người “chạy án”.
Tội phạm trong lĩnh vực này cũng vì thế mà hết sức đa dạng, từ những người không nghề nghiệp, có tiền án tiền sự đến cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, đa phần các đối tượng sau khi chiếm được lòng tin, nhận được tiền đều sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, trong trình tự tố tụng, khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ, chuyển viện kiểm sát phê chuẩn và tòa xét xử thì hồ sơ đã khép kín. Khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, cũng có trường hợp kháng cáo, phúc thẩm được giảm án, nhưng không phải là do “chạy án” mà quá trình xem xét lại hồ sơ, có thể bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ mà tại phiên sơ thẩm chưa xem xét kỹ lưỡng, hoặc bị cáo bổ sung thêm một số tình tiết có lợi cho bản thân, hội đồng xét xử phiên phúc thẩm sẽ hội thẩm để giảm hình phạt cho bị cáo.
Về việc bất chấp quy định của pháp luật để lừa đảo, nhận tiền với lý do “chạy án”. Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu người có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hình phạt cao nhất dành cho tội Nhận hối lộ có thể là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1- 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 20 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Trước thực tế tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “chạy án” vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, hơn bao giờ hết, người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Bởi thực tế, không chỉ người thực hiện việc “chạy án” phải chịu trách nhiệm hình sự mà ngay cả người đưa tiền nhờ “chạy án” cũng có thể lĩnh án tù.