Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền ‘có nhà mà không thể về’

Hà Tĩnh có 2 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão thì cả 6 vị trí đều bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến ngư dân bất an mỗi mùa mưa bão.

0

Thiết kế cho tàu 800CV nhưng chỉ tàu dưới 90CV neo đậu được

Câu chuyện cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại Hà Tĩnh bị bồi lắng đã diễn ra trong nhiều năm nay, tuy nhiên, việc khắc phục thực trạng này đang là bài toán chưa có lời giải.

Luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà bị bồi lắng nhiều năm nay. Ảnh: Thanh Nga.

Theo lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, đơn vị đang quản lý 2 cảng cá là cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) và Cửa Sót (Lộc Hà); 4 khu neo đậu tránh trú bão: Cửa Hội – Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) và Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh).

“Cả 6 khu vực neo đậu, tránh trú bão trên đều bị bồi lắng. Nghiêm trọng nhất là cảng cá Xuân Hội (đã bồi lắng 3/4 cầu cảng) và khu neo đậu tránh trú bão Xuân Hội.

Khu tránh trú bão này thiết kế cho tàu 800CV vào neo đậu nhưng hiện chỉ tàu dưới 90CV mới vào được và phải “canh” lúc thủy triều lên”, vị lãnh đạo nói.

Theo ông, thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán hải sản của ngư dân và thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão. Khi tàu thuyền gặp sự cố ngoài khơi, đúng lúc thủy triều xuống thì việc huy động tàu lớn của ngư dân đang neo đậu trong khu vực cảng tham gia cứu hộ, cứu nạn sẽ khó triển khai.

Ghi nhận những ngày trung tuần tháng 9/2023 tại cảng cá Cửa Sót cho thấy, dù đã được nạo vét nhiều lần nhưng hiện nay khoảng 2 km luồng lạch ra vào bến cảng và khu neo đậu đang dần bị thu hẹp, thủy triều vừa xuống nhiều đoạn trơ đáy, khiến tình trạng tàu thuyền mắc cạn diễn ra thường xuyên, gây hư hỏng phương tiện.

Nghiêm trọng nhất là cảng cá Xuân Hội, hiện đã bị cát, bùn bồi lắng 3/4 cầu cảng. Ảnh: Thanh Nga.

Ngư dân Nguyễn Văn Hồng, trú huyện Lộc Hà vừa thuê tàu nhỏ của ngư dân tăng bo hải sản vào cảng cá Cửa Sót bán cho đầu nậu vừa thở dài cho biết, tàu cá của anh dài hơn 15m, đánh cá vùng lộng. Thường mỗi chuyến đi tầm 5 ngày thì cập bến. Mấy năm nay do luồng vào cảng bị bồi lắng tàu không vào sát bờ được nên anh Hồng phải thuê tàu nhỏ trung chuyển cá vào cầu cảng để bán, chi phí đội lên hơn 10% nên hiệu quả kinh tế giảm đi nhiều.

Không chỉ khó khăn trong hoạt động sản xuất, thực trạng bồi lắng nghiêm trọng tại cảng cá Xuân Hội và lối vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân cũng khiến ngư dân hết sức bất an, nhất là trong những tháng mưa bão.

Hiện ngư dân muốn đưa tàu vào neo đậu phải chờ thủy triều lên và đưa tàu ra khơi trước khi thủy triều xuống. Qua quan sát, những lúc thủy triều xuống, ở khu vực luồng ra vào nổi lên những bãi cát lớn, dòng chảy bị bó hẹp chỉ còn vài chục mét, mực nước rất nông. Tại đây, khi có bão, khoảng 100 tàu thuyền công suất nhỏ với khoảng 300 ngư dân bản địa vào tránh trú.

Ngư dân Nguyễn Xuân Huấn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho hay, nhiều năm nay cộng đồng ngư dân trên địa bàn đã kiến nghị các cấp, các ngành sớm nạo vét cảng cá và khu neo đậu, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển nhưng hàng năm nếu có nạo vét cũng chỉ làm được một góc nhỏ như “muối bỏ biển”.

Hàng loạt tàu cá sau khi vào cảng Xuân Hội bị “mắc cạn”, không thể vươn khơi khai thác hải sản.

“Nếu không nạo vét triệt để, kêu gọi doanh nghiệp vào xã hội hóa thì nguồn lực để nạo vét các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão sẽ rất lớn và không thể triệt để được. Bây giờ chúng tôi giống như người có nhà mà không thể về, mỗi khi có bão phải đi trú nhờ các khu neo đậu tránh trú bão bên Nghệ An, rất bất tiện và bất an”, anh Huấn nói.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cũng không khả quan hơn. Hiện nay, khu neo đậu tàu thuyền này mới được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 (gồm nhà điều hành, sân bãi, hệ thống điện, nước…) nên chưa có kè chắn sóng, âu thuyền tạm bợ và luồng lạch từ lâu chưa được nạo vét nên bị bồi lắng nghiêm trọng.

Theo ngư dân Trần Văn Bình, xã Kỳ Hà, âu thuyền dang dở, luồng lạch cạn trơ nên khi gặp thời tiết xấu tàu công suất lớn không vào được, nếu mạo hiểm vào âu thì muốn ra phải đợi lúc thủy triều lên cao để tránh bị gãy chân vịt, hoặc mắc cạn. Nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ khi nghe thông tin mưa bão thì vào Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An tránh trú chứ không về khu neo đậu Kỳ Hà vì sợ không vào được bờ.

Cấp bách đầu dư dự án nạo vét cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão

Lãnh đạo Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, mỗi năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên việc bị bồi lắng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của đơn vị cũng như hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn của ngư dân.

Trong đó có những tàu công suất lớn bị hư hỏng chân vịt do “mắc cạn”.

“Hàng năm chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho mọi tình huống; trong đó, tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác cho cộng đồng, luôn trong trạng thái sẵn sàng “4 tại chỗ”, có phương án phối hợp di dời ngư dân tại thuyền đến nơi an toàn, tổ chức giằng néo tàu thuyền trong khu tránh trú, đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng và khu neo đậu.

Tuy nhiên về lâu dài cần đầu tư các dự án nạo vét cảng và khu neo đậu thường xuyên nhằm giải quyết triệt để vấn đề”, vị này nói.

Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2021, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có Tờ trình về việc xin chủ trương đầu tư dự án “Duy tu nạo vét luồng, vùng nước trước cảng tại cảng Cửa Sót” từ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông năm 2022 nhưng chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

Từ đó đến nay, không chỉ cảng Cửa Sót bị bồi lắng mà 6/6 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn toàn tỉnh đều lâm cảnh “mắc cạn” và đang bế tắc trước việc tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân an tâm bám biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trong mùa mưa bão.

Việc đầu tư các dự án nạo vét cảng và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn Hà Tĩnh là cực kỳ cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

“Chúng tôi biết ngân sách hạn chế, khối lượng thực hiện nhiều nên đã đề nghị cấp trên sớm có chủ trương nạo vét hằng năm theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, vì những vướng mắc trong Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa nên các doanh nghiệp có ý định tham gia đều không đáp ứng được yêu cầu”, lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh thông tin thêm.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn: nongnghiep.vn