Bộ Công an khẳng định kiểm soát được “người tỉnh này đấu giá biển xe tỉnh khác”

“Nếu chúng ta không đấu giá thì thất thoát tài sản của Nhà nước. Khi xây dựng Nghị quyết, các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải… đều đồng tình và cho rằng xây dựng càng sớm càng tốt” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói.

0

Ngày 7/10, tại phiên họp mở rộng của Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh (UBQPAN) nhằm thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết chặt chẽ, tính khả thi cao, phù hợp thưc tiễn, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn ngừa được đầu cơ, đáp ứng yêu cầu của người dân về sử dụng biển số đẹp, hạn chế tiêu cực, sử dụng hiệu quả tài sản công (kho số)…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long giải trình tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Tạ Thanh Tú cho rằng, cần đưa ra mức chung giá khởi điểm 40 triệu hoặc 50 triệu, không nhất thiết phải quy định vùng 1, vùng 2.

Nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về giá khởi điểm đấu giá của 1 biển số, Phó trưởng ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá sự khẩn trương của Bộ Công an và các cơ quan Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết trong thời gian rất ngắn. Đồng thời cho rằng phương án 1 giá khởi điểm chung cho tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước là phù hợp.

“Tôi cho rằng, không phải là đấu giá biển số mà đấu giá số đăng ký xe ô tô. Ví dụ, tôi trúng đấu giá 1 số nào đó, khi tôi mang quyết định trúng đấu giá đi đăng ký ô tô thì cơ quan Công an sẽ đăng ký, cấp biển số cho chiếc xe của tôi. Nếu không may tôi làm rơi cái biển số trên thì tôi vẫn được cấp lại. Chính vì vậy, phải quy định là đấu giá số đăng ký chứ không phải là đấu giá biển số” – đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng đặt vấn đề về việc nếu trường hợp chiếc xe bị mất thì biển số có được cấp lại hay không?

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết có tính khả thi cao, có thể đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, còn một số lấn cấn nên đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi, nếu người đấu giá được đăng ký mua tất cả các biển số họ muốn ở bất cứ tỉnh, thành nào, vậy quản lý tài sản (phương tiện) theo mã tỉnh, thành phố như thế nào? Có vướng mắc gì trong thực tế hay không? Quy định mã tỉnh, mã vùng còn ý nghĩa hay không?

“Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu dự thảo theo hướng đề xuất biển số đưa ra đấu giá là biển số chưa được đăng ký. Tôi thấy đề xuất này rất đúng, phù hợp với thực tế” – đại biểu Trần Văn Lâm cho biết.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, trong Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, kho số là tài sản công, khi đưa ra sử dụng phải thông qua đấu giá. “Như vậy, không phải chúng ta lựa chọn biển nào đẹp mới đưa ra đấu giá mà tất cả các biển số trước khi phát hành đều được công bố đấu giá. Biển số nào có người lựa chọn thì đưa ra đấu giá, hết thời hạn đấu giá mà không ai chọn thì đưa vào kho số để người dân bấm số ngẫu nhiên như hiện nay”

Các đại biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh rằng, xây dựng Nghị quyết này là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an là cơ quan giúp việc cho Chính phủ. “Nếu chúng ta không đấu giá thì thất thoát tài sản của Nhà nước. Khi xây dựng Nghị quyết, các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải… đều đồng tình và cho rằng xây dựng càng sớm càng tốt” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu.

Về vấn đề quản lý biển số theo tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, nhìn chung các nước trên thế giới đều quản lý biển số theo địa bàn, ký hiệu chỉ rõ xe theo địa bàn nào. “Đây là vấn đề đặc thù nên cần có chính sách đặc thù, điều kiện đặc thù và phải có cách thức quản lý riêng. Hiện nay, Bộ Công an đang có 2 dịch vụ trong lĩnh vực quản lý TTATGT đang thực hiện trực tuyến là đăng ký phương tiện trực tuyến, xử lý vi phạm hành chính trực tuyến. Với cơ sở dữ liệu về công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay, việc này chắc chắn thực hiện được. Một trong những nguyên tắc then chốt khi xây dựng nghị quyết này là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng kết luận phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo đồng tình với ý kiến có giá khởi điểm chung trên cả nước là 40 triệu đồng, tiền đặt cọc bằng mức giá khởi điểm. “1 năm có 500 đến 600 nghìn phương tiện được đăng ký mới, nếu 10% số phương tiện trên được lựa chọn biển số qua đấu giá thì nguồn thu vào ngân sách sẽ rất lớn. Các phiên đấu giá sẽ diễn ra liên tục, mỗi ngày có thể hàng nghìn phiên đấu giá. Chúng tôi dự kiến thông qua nhiều cổng khác nhau để tổ chức đấu giá” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.

Thừa ủy quyền của Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nội dung xem xét dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Mục tiêu là hướng tới tăng thu ngân sách, tái đầu tư; đề nghị trên các cơ sở ý kiến tại phiên họp hôm nay, Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, làm rõ thêm các nội dung mà các đại biểu đề nghị, phối hợp chặt chẽ với Thường trực UBQPAN để hoàn thiện các nội dung chuẩn bị cho phiên họp thẩm tra chính thức sắp tới về dự thảo Nghị quyết này.

Theo Phương Thủy

Link gốc: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-cong-an-khang-dinh-kiem-soat-duoc-nguoi-tinh-nay-dau-gia-bien-xe-tinh-khac-i670133/