Biến tướng của tín dụng đen: Ép chụp ảnh khoả thân cho vay nặng lãi

Trước hiện trạng nhiều người vay lãi nặng phải chấp nhận thế chấp ảnh, video khoả thân kèm theo giấy tờ tuỳ thân cho chủ nợ - thủ đoạn mới nhằm khống chế con nợ, các bộ ngành đã có cảnh báo.

0
Đường dây cho vay lãi nặng qua app, dùng mọi thủ đoạn để ép trả nợ bị Công an TP.Hà Nội triệt phá hồi tháng 5.2022. Ảnh: T.A

Thủ đoạn của tội phạm cho vay lãi nặng

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.Hà Nội) thông tin đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia. Đường dây này liên quan đến gần 300 nghi phạm, trong đó có các đối tượng người nước ngoài.

Nếu “con nợ” không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% – 2.190%/năm. Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ “con nợ” đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà “con nợ” cung cấp trước đó.

Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của “con nợ” rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép “con nợ”, hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 17.8, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam đối tượng Bùi Thanh Nguyên (21 tuổi, trú tại phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) để điều tra, làm rõ về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nguyên cho một cô bé 14 tuổi vay 45 triệu đồng và ép nạn nhân thế chấp bằng 3 đoạn clip và một ảnh nóng. Khi không trả được tiền do lãi cao, cô bé bị Nguyên gửi số clip, ảnh này cho gia đình. Hành vi của Nguyên bị phát hiện khi gia đình tố cáo công an.

Cảnh báo trước biến tướng của tín dụng đen

Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật Dân sự, thế chấp tài sản là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tài sản thế chấp thường là vật hoặc quyền tài sản, phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt.

Ảnh, video khoả thân là thông tin cá nhân thuộc về quyền nhân thân chứ không phải quan hệ tài sản. Bởi vậy, việc thế chấp cho các khoản vay lãi nặng bằng hình này không được xác định là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách hợp pháp. Đây chỉ là thủ đoạn uy hiếp tinh thần của người vay, buộc trả nợ.

Trung tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an – nhận định, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Các đối tượng này thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Trước những biến tướng của tín dụng đen đang len lỏi vào công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có cảnh báo về tình trạng cho vay lãi nặng với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn…

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảnh báo về tình trạng cho vay lãi nặng hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi và khẳng định, đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động.

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.

Trước tình hình đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội… đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.

Theo V.Dũng

Link gốc: https://laodong.vn/phap-luat/bien-tuong-cua-tin-dung-den-ep-chup-anh-khoa-than-cho-vay-nang-lai-1083379.ldo