Biến thủ phủ cây thuốc phiện thành nơi du lịch lý tưởng ở miền Tây xứ Nghệ

Trong thung lũng Mường Lống (thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) bốn mùa mây trắng phủ kín. Không ai ngờ rằng, nơi đây từng là thủ phủ cây thuốc phiện một thời, giờ không những trở thành xã du lịch bốn mùa lý tưởng mà còn được ví như một Đà Lạt, một Sa Pa hay một Tam Đảo… của miền Tây xứ Nghệ.

Xa rồi bóng cây anh túc

Mặc dù đường vào thủ phủ Mường Lống bây giờ đã được đầu tư xây dựng và rải nhựa vào tận trung tâm của xã nhưng ai nấy vẫn ù tai mỗi khi vượt qua đỉnh cổng trời cao chót vót. Đứng trên đỉnh cổng trời nhìn thốc xuống thung lũng đúng là Mường Lống chẳng nào khác một Sa Pa, hay một Đà Lạt hoặc một Tam Đảo… nơi núi rừng miền Tây Nghệ An.

Một góc thủ phủ Mường Lống hôm nay.

Khoảng vài thập niên gần đây, thay màu tím của hoa anh túc là bạt ngàn màu trắng mận tam hoa và đào không hạt, quả là một cuộc cách mạng của chính quyền địa phương đối với bà con đồng bào Mông nơi mảnh đất miền biên ải này.

Ông Hờ Bá Chù (80 tuổi) một cựu cán bộ địa phương kể lại: Tên gọi Mường Lống (hay còn gọi là Mường trăm tuổi) có từ thuở sơ khai lập bản. 100% người dân Mường Lống đều là dân tộc Mông. Cách đây hơn 100 năm, khi núi đồi còn hoang vu, đường đi lại chưa có, bà con phải dùng ngựa để gùi hàng.

Sau khi di cư sang nước bạn Lào trở về, ông nội của ông Hờ Bá Chù đã cùng người dân Mường Lống phát hiện mảnh đất này màu mỡ, khí hậu ôn hoà và địa hình biệt lập với bên ngoài bằng núi đồi bao quanh nên quyết định dừng chân khai hoang mở đất thủ phủ này.

Điều đặc biệt thời điểm đó ở thủ phủ Mường Lống người ta trồng bạt ngàn loài cây này nhưng không ai bị nghiện ma tuý. Ngày đó, nếu vào Mường Lống đúng mùa Xuân thì bốn phía nhuộm tím màu hoa anh túc. Thuốc phiện bà con làm ra đều được đóng vào bao tải xếp lên lưng ngựa đưa ra trung tâm thị trấn Mường Xén nhập cho các “nậu” đem đi đâu không ai rõ.

Trang phục thổ cẩm màu sắc rực rỡ của đồng bào Mông ở thủ phủ Mường Lống.

Ông Và Bá Tểnh, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Mường Lống kể, cả mấy đời nhà ông Tểnh trước đây sống chỉ biết dựa vào cây thuốc phiện. Khi trở thành lãnh đạo thủ phủ đồng bào Mông ở Mường Lống ông Tểnh vẫn còn trồng hàng chục héc ta thuốc phiện.

Một người dân bản Mường Lống 1 cho hay: Trước kia nằm trên mảnh đất này toàn là cây thuốc phiện. Bà con trồng nhiều đến mức hết triền núi này nối tiếp dãy núi kia. Cứ mỗi dịp Xuân về, Mường Lống lại tím trời hoa anh túc.

Một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn tâm sự: Xóa bỏ cây thuốc phiện, quả là một việc làm không dễ đối với người dân thủ phủ này. Vào khoảng cuối năm 1995, nhà nước ta bắt đầu có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cấp trên chỉ đạo về, nhưng cán bộ thủ phủ Mường Lống đi tuyên truyền hết sức vất vả. Vì loài cây thuốc phiện như đã ăn sâu vào tâm trí của bà con nơi đây.

Khu nghỉ dưỡng đẹp ở thủ phủ Mường Lống hôm nay.

Để làm gương cho bà con, ngày đó cán bộ địa phương phải đi đầu trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện. Thấy cán bộ làm, dân mới làm theo. Nhờ vậy, đến năm 1997, toàn bộ diện tích cây thuốc phiện ở thung lũng Mường Lống mới được triệt hạ và xóa sổ vĩnh viễn cho đến ngày hôm nay.

Xóa sổ xong cây thuốc phiện, bà con thủ phủ Mường Lống không biết lấy gì để sống, nhà nào chăn nuôi lợn, nuôi gà hoặc trâu bò thì cũng chỉ đủ cái ăn, cái mặc. Mãi đến năm 2.000, giống mận tam hoa và đào không hạt mới được đưa về thủ phủ Mường Lống. Hai năm sau đó, đồi núi Mường Lống bỗng ngợp trắng mận tam hoa xen lẫn với rừng đào màu hồng bạt ngàn. Nếu đi vào đây đúng dịp mùa hoa nở thì chẳng khác nào lạc vào bồng lai tiên cảnh.

Thác Rồng ở thủ phủ Mường Lống đang hút khách du lịch.

Tuy nhiên, chỉ vài năm đầu sản phẩm của bà con bán được, bước sang năm thứ ba giá vận chuyển leo thang, đường đi lại khó khăn nên không ai vào thủ phủ Mường Lống bao tiêu sản phẩm nữa. Không ít mùa thu hoạch, bà con chỉ biết đứng nhìn đào, mận rụng như sung.

Điều đáng nói, dẫu cho cuộc sống của đồng bào Mông ở thủ phủ Mường Lống lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bà con vẫn một lòng tuân thủ chủ trương của Đảng và Nhà nước, không một gia đình nào ở thủ phủ Mường Lống tái trồng cây thuốc phiện.

Nay bốn mùa đều hút khách du lịch

Nhờ địa hình có độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, thủ phủ Mường Lống lại nằm lọt thỏm trong một thung lũng được bao quanh bởi các dãy núi cao nên khí hậu quanh năm ôn hòa. Mùa hè mát mẻ, mùa đông rất ấm. Vì thế, nơi đây rất thuận lợi để xây dựng trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách trong nước và Quốc tế.

Dự án khu nghỉ dưỡng đã được mọc lên hoành tráng trong thủ phủ Mường Lống.

Anh Tình – một cán bộ của phòng Tuyên giáo huyện Kỳ Sơn cho biết, thời gian gần đây người dân thủ phủ Mường Lống bắt đầu biết làm du lịch. Quanh năm địa phương này đã bắt đầu đón rất nhiều đoàn du lịch trong nước và Quốc tế.

Điều rất đáng hoan nghênh, sau khi biết được tiềm năng của thủ phủ Mường Lống sẽ trở thành tâm điểm du lịch lý tưởng của vùng miền Tây xứ Nghệ, anh Nguyễn Duy Linh – một doanh nghiệp trẻ miền xuôi (có trụ sở ở Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã tiên phong lên đây mua đất đầu tư, xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng đẹp mê hồn.

Một góc khu nghỉ dưỡng ở thủ phủ Mường Lống.

Chia sẽ với phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn anh Nguyễn Duy Linh (chủ dự án Homestay Nguyễn Duy Linh) tiết lộ: Dẫu biết rằng, Mường Lống là địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nhưng vì muốn giúp bà con nơi đây có chút “thay da đổi thịt”, vợ chồng anh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua đất ở, đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, làm điểm nhấn và thu hút khách du lịch trong nước và Quốc tế về cho địa phương.

Sau một thời gian tiến hành đầu tư xây dựng, nơi đây đã nổi lên một khu nghỉ dưỡng vô cùng lý tưởng. Quang cảnh được các ông thợ có tay nghề cao tạo nên đẹp như một thiên đường. Không những thế, từ dự án này (Homestay Nguyễn Duy Linh) còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục, rồi đây có thể hàng trăm lao động là con em trong địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn.

Đặc biệt, nơi đây còn trở thành điểm du lịch quảng bá, bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa, văn nghệ địa phương của đồng bào các dân tộc anh em như: Mông, Thái, Khơ Mú…

Nhà nghỉ dưỡng đẹp được mọc lên trong thủ phủ Mường Lống.

Tại đây, một số cán bộ huyện Kỳ Sơn không dấu nỗi vui mừng khi địa phương của họ có được một doanh nghiệp trẻ nhiệt tình về đây đầu tư dự án du lịch hiện đại, đẹp bậc nhất ở vùng miền Tây xứ Nghệ. Lần đầu tiên và cũng là nơi duy nhất của các huyện miền núi Nghệ An có bể bơi hiện đại chẳng thua kém gì bể bơi của các khách sạn 5 sao ở các thành phố lớn của miền xuôi phục vụ du khách cũng như người dân trong thủ phủ Mường Lống.

Theo quan sát của phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn thì dự án này được tọa lạc trên một vùng đất khá rộng ở ngay trung tâm thủ phủ Mường Lống. Nhiều ngôi nhà (hình vuông, chữ nhật, tam giác) nghỉ dưỡng được mọc lên nhấp nhô bên sườn núi. Nhiều cung đường được làm theo bậc tam cấp, bậc thang lên xuống rất đẹp. Bên cạnh những dãy nhà nghỉ dưỡng là những triền hoa đủ sắc màu của dự án được trồng và nay đã mọc lên đua sắc. Tối đến, đứng ở trung tâm xã Mường Lống nhìn lên khu Homestay này đẹp như một cung điện giữa núi rừng.

Dãy nhà Homestay trong khu nghỉ dưỡng tại thủ phủ Mường Lống.

Anh Nguyễn Duy Linh cho biết thêm, ngoài hệ thống nhà nghỉ dưỡng, nơi đây còn có hệ thống nhà hàng, cà phê, bể bơi, ngâm tẩm thuốc dược liệu, buffet ăn sáng, sân khấu phục vụ sinh hoạt văn hóa-văn nghệ… Mặc dù dự án mới hoàn thành giai đoạn một, nhưng nơi đây cũng đủ trở thành điểm nhấn du lịch cho khu vực miền Tây xứ Nghệ. Chỉ tính riêng trong vài tháng hè gần đây lượng khách trong nước và Quốc tế đã đổ về đây lưu trú, nghỉ dưỡng rất đông.

Bể bơi ở khu nghỉ dưỡng thuộc thủ phủ Mường Lống.

Cũng theo anh Nguyễn Duy Linh, sở dĩ nơi đây trở thành điểm nhấn du lịch và là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách mỗi khi đặt chân đến miền Tây Nghệ An, một phần cũng là nhờ thiên nhiên ưu đãi. Đặc biệt gần bản Mường Lống 2 (nơi dự án nghỉ dưỡng của anh tọa lạc) có một con thác, gọi là thác Rồng đẹp mê ly. Mỗi lần du khách đã đến đây ngâm mình trong dòng nước của thác thì không ai muốn về.

Thác Rồng trở thành điểm du lịch sinh thái tự nhiên ở thủ phủ Mường Lống.

Được biết, thác Rồng thuộc địa bàn bản Mường Lống1 (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn). Thác nằm trong rừng sâu của dãy Trường Sơn, có độ cao 1.500 mét so với mực nước biển. Con thác này được hình thành từ dòng chảy trên cao các triền núi thuộc thủ phủ Mường Lống đổ về thành một con suối có độ cao gần 50 mét. Vào mùa mưa, thác thường chia làm 2 tầng, dòng nước đổ xuống xối xả. Đứng dưới nhìn lên trông giống y hệt miệng con rồng phun nước nên gọi là thác Rồng.

Một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho hay: Thác Rồng được xem là một trong những con thác đẹp, kỳ vĩ bậc nhất của khu vực núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Từ lâu đây trở thành một điểm du lịch trải nghiệm tự nhiên tuyệt vời. Hiện nay huyện này đã khảo sát và chuẩn bị xây dựng tuyến đường bê tông từ trung tâm thủ phủ Mường Lống vào thác Rồng để phục vụ khách du lịch sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, do thời gian vừa qua huyện Kỳ Sơn phải hứng chịu trận lũ quét kinh hàng, làm cho đời sống một số nơi bị kiệt quệ. Hơn lúc nào hết, giờ đây huyện rất cần có các doanh nghiệp đồng hành để đầu tư phát triển du lịch.

Lần đầu tiên trẻ em ở thủ phủ Mường Lống được tắm bể bơi hiện đại.

Điều rất đáng mừng là trong lúc khó khăn thì huyện Kỳ Sơn có doanh nghiệp trẻ Nguyễn Duy Linh ở miền xuôi không ngại gian khó bỏ vốn ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng ngay trên địa bàn xã Mường Lống, đẹp, hiện đại chưa từng có ở khu vực miền Tây xứ Nghệ nói chung, huyện biên giới Kỳ Sơn nói riêng.

Một bữa cơm đãi khách của người dân thủ phủ Mường Lống.

Cũng theo vị lãnh đạo huyện này cho biết, để phục vụ khách du lịch, người dân xã Mường Lống hôm nay đã biết nuôi lợn nít, gà đen mà nơi đây thường hay gọi là gà ác, thịt rất thơm ngon để phục vụ du khách. Ngoài ra, từ khi lượng khách du lịch đổ về Mường Lống ngày một đông, bà con trong vùng còn biết tập trung sản xuất mặt hàng thổ cẩm mang đậm nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Mông để bán lưu niệm cho du khách./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn: tamnhin.trithuccuocsong.vn