Bất động sản trầm lắng, thu ngân sách tỉnh Nghệ An gặp khó

Thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Nghệ An năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ.

0
Một góc dự án khu đô thị Minh Khang của Công ty TNHH Thương mại Minh Khang đang nợ thuế hơn 320 tỉ đồng . Ảnh: Quang Đại

Chi cục Thuế TP Vinh (Nghệ An) vừa công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Theo đó, tính đến ngày 30.9.2023, có 196 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền là 442,009 tỉ đồng.

Theo danh sách được Chi cục Thuế Vinh công khai, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty TNHH Thương mại Minh Khang ở địa chỉ số 9-11E đường Trần Phú, phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, với số tiền 332,086 tỉ đồng; tiếp theo là Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây lắp thương mại BMC tại số 455-457, đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nợ thuế với số tiền là 60,040 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại thành Vinh tại đường Nguyễn Quốc Trị, phường Hưng Phúc, TP Vinh, với số tiền 8,170 tỉ đồng…

Theo UBND TP Vinh, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách thành phố đạt 1.948,610 tỉ đồng, bằng 98% dự toán tỉnh giao, 49,8% kế hoạch thành phố (giảm 32,0% so với cùng kỳ).

Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.070 tỉ đồng, bằng 116% dự toán tỉnh giao, 38% kế hoạch thành phố (giảm 42,3% so với cùng kỳ); thu thường xuyên ước đạt 878,611 tỉ đồng bằng 82% dự toán tỉnh giao, 78% kế hoạch thành phố (giảm 13,3% so với cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách tỉnh Nghệ An giảm nhiều so với năm 2022. Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm đạt 11.671 tỉ đồng, đạt 73,6% dự toán và bằng 77,48% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 10.910 tỉ đồng, đạt 74,8% dự toán và bằng 77,97% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 755 tỉ đồng, đạt 60,4% dự toán và bằng 70,56% cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, nguyên nhân thu ngân sách giảm do kinh tế gặp nhiều khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, thị trường bị thu hẹp, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường bất động sản chưa được phục hồi, việc tổ chức và thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất triển khai chậm. Tiến độ một số dự án công nghiệp trọng điểm chậm đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng như Dự án Everwin Precision giai đoạn 1; Dự án sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu Huali; Dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ôtô Juteng;…

Trước tình hình nói trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2023 theo kế hoạch đã đề ra, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn