Bất cập trong quản lý hoạt động karaoke, vũ trường

Sau 5 năm triển khai Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động quản lý lĩnh vực này đang vướng nhiều bất cập cả về nhân lực cũng như một số quy định cụ thể.

0

Nhiều địa phương tạm dừng 100% cơ sở kinh doanh karaoke

Theo Cục Văn hóa Cơ sở, hiện tại, cả nước có 12.482 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (12.453 cơ sở karaoke, 29 cơ sở kinh doanh vũ trường). Sau đại dịch COVID-19, hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động trở lại, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động karaoke.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 319/TB-VPCP ngày 5/10/2022, hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Qua kiểm tra, rà soát, một số địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên có 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do không đảm an toàn về PCCC.

Trên phạm vi toàn quốc, 10.482 cơ sở kinh doanh karaoke đã bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động, do đó phát sinh những kiến nghị của các cơ sở kinh doanh những vấn đề về công tác PCCC. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuyển đơn kiến nghị tới Bộ Công an để giải quyết.

Trao đổi tại hội nghị đánh giá công tác triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, trong đó có Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, do Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 15/6 tại Hà Nội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở và đại diện lãnh đạo quản lý văn hóa tại nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, việc đảm bảo an toàn PCCC và an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường là cần thiết. Đây là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện để các cơ sở hoạt động chính đáng, vừa mang lại nguồn thu cho địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân. Một số địa phương còn cho rằng, có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động trong thời gian qua đều hình thành trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực.

Các cơ sở này đã được cấp đầy đủ Giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Khi thực hiện tổng rà soát, các cơ sở được cấp phép theo quy định cũ không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định mới nên bị dừng hoạt động.

Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành khó thực hiện đối với các công trình hiện hữu (đặc biệt là các công trình có thay đổi, cải tạo) liên quan đến bậc chịu lửa, khoảng cách an toàn PCCC, lối thoát nạn (buồng thang kín), giải pháp ngăn cháy…

Sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không đảm bảo quy định về an toàn PCCC, trong đó nhiều cơ sở karaoke đầu tư cả chục tỷ đồng đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, cần có giải pháo để tháo gỡ các “nút thắt” trong công tác quản lý kinh doanh lĩnh vực này, đặc biệt là đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết với những quy định quản lý phù hợp hơn.

Địa phương chưa hiểu, chưa áp dụng đúng quy định

Trao đổi về những vấn đề nói trên, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng, ngành văn hóa và nhiều địa phương đang có những cách hiểu và thực hiện chưa chính xác quy định quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường, đặc biệt là về PCCC và an ninh trật tự.

Cụ thể, yêu cầu về an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được điều chỉnh bằng Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành: Thông tư số 47/2015/TT-BCA về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke (áp dụng đối với các cơ sở được thẩm duyệt, hoạt động trước ngày 20/2/2021); Thông tư số 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư số 47/2015/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (áp dụng đối với các cơ sở được thẩm duyệt, hoạt động từ ngày 20/2/2021 đến trước ngày 16/1/2023).

Như vậy, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải thực hiện và duy trì đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở được thẩm duyệt. Trường hợp cơ sở có cải tạo trong quá trình hoạt động, khu vực này phải tuân thủ theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với thời điểm cải tạo.

Cơ quan quản lý nhà nước về PCCC thực hiện quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn PCCC không yêu cầu cơ sở phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Nếu địa phương nào yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, cán bộ quản lý cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương thực hiện theo đúng quy định như trên.

Cũng theo Trung tá Lê Minh Hải, thống kê của ngành Công an, hiện nay, toàn quốc có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, trong đó có 6.285 cơ sở do cơ quan Công an quản lý (2.148 cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; 505 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ); 8.876 cơ sở do UBND cấp xã quản lý).

Qua đợt tổng rà soát, 1.360 cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động, 1.310 cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động; 9.095 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm (cơ sở tự ngừng hoạt động: 4.969 trường hợp; ngừng hoạt động theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC: 4.126 trường hợp). Các cơ sở đã hoàn thành khắc phục tồn tại, vi phạm thì sẽ tiếp tục được hoạt động…

Về mặt giải pháp, Trung tá Lê Minh Hải cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng đang gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, UBND các địa phương đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.

Trung tá Lê Minh Hải cũng đề nghị, thời gian tới cần tập trung một số giải pháp khác như: Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; tổ chức rà soát, phân loại, lập danh sách các công trình, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường còn tồn tại khó có khả năng khắc phục, đánh giá rõ những tồn tại và hướng dẫn giải pháp khắc phục cụ thể; hướng dẫn cơ sở còn tồn tại (không thuộc trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định) có phương án, giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về PCCC khi vừa kinh doanh vừa khắc phục tồn tại…

Theo Hoa Nguyễn

Link gốc: https://cand.com.vn/Xa-hoi/bat-cap-trong-quan-ly-hoat-dong-karaoke-vu-truong–i697111/