Bất cập quanh việc chọn điểm tập kết rác tạm thời tại TP. Vinh
Sau khi xóa bỏ 193 điểm tập kết rác nhỏ lẻ, thành phố Vinh cần phải xây dựng các điểm tập kết tạm thời để trung chuyển rác từ xe gom lên xe tải lớn trước khi chuyển ra Khu Liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, vấn đề này phát sinh không ít bất cập.
Nhiều bất cập
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Vinh thải ra 280 – 300 tấn rác. Thời điểm lễ, Tết, lượng rác lại thải ra lớn hơn, lên đến 1.000 tấn. Mặc dù mạng lưới thu gom rác thải đã bao phủ đến hầu hết các khu dân cư của các xã, phường trong toàn thành phố, do đặc thù của đô thị, có những tuyến đường nhỏ hẹp, công nhân môi trường phải sử dụng xe gom rác để đi thu gom, sau đó mới đem đến điểm tập kết để bốc lên xe tải và vận chuyển ra khu xử lý tập trung.
Theo quy trình, hiện nay, thời gian thu gom rác thường diễn ra vào buổi chiều tối, rác thải sau khi được thu gom nhanh chóng được xe tải chuyên dụng vận chuyển ra khu xử lý. Việc thu gom và vận chuyển rác cũng được thực hiện trong đêm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Quy trình là vậy, nhưng vì khối lượng rác lớn, trong khi đó, các điểm tập kết xe đẩy đã bị dẹp bỏ nên bắt buộc thành phố phải xây dựng các địa điểm tập kết để trung chuyển rác từ xe nhỏ bốc lên xe tải lớn.
Theo tìm hiểu, sau khi 193 điểm tập kết xe rác nhỏ lẻ khắp thành phố bị dẹp bỏ, hiện thành phố đang tạm thời sử dụng 6 điểm trung chuyển rác; cụ thể: Tại cầu Tùng Binh (phường Vinh Tân), tại khu đất trung tâm hành chính công (nằm ngay góc đường Lê Hồng Phong và Đại lộ Lê Nin), điểm trên đường 35m (xã Hưng Lộc), điểm trên đường Lê Ninh (phường Quán Bàu), điểm Lô Cao (phường Trung Đô) và điểm trên đường 72m (nay đang được di dời vào đường D3 thuộc khu vực thực hiện Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông).
Ông Phạm Hữu Thắng – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cho biết: Trước đây, các điểm tập kết xe rác tạm thời thường được đặt ngay các góc ngã ba, ngã tư các tuyến đường chính. Nhưng sau này, do ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh nên đã phải dẹp bỏ. Điều đó buộc thành phố phải xây dựng các điểm trung chuyển rác. Đây chính là vấn đề làm phát sinh nhiều bất cập, nhất là việc người dân sống xung quanh các điểm tập kết này không đồng tình.
Cũng theo ông Thắng, việc xây dựng các điểm trung chuyển rác là trách nhiệm của thành phố, đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý. Nếu không có điểm trung chuyển thì chắc chắn việc thu gom sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trên thực tế, mỗi công nhân được giao làm nhiệm vụ thu gom, quét dọn vệ sinh trên từng trục đường. Mỗi trục đường như vậy có thể có nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh và đông dân cư… lượng rác thải ra hàng ngày rất lớn. Nếu đi thu gom xong lại đẩy xe ra chờ bốc lên xe tải rồi đưa xe đẩy quay về thu dọn tiếp thì sẽ không thể kịp tiến độ. Tuy vậy, do việc xây dựng các điểm trung chuyển rác chưa đồng bộ nên gần như đang ở trong tình trạng “nhảy cóc”. Cứ điểm trung chuyển này mở ra, sau khi bị người dân phản đối lại phải chọn một địa điểm khác.
Cách đây vài năm, 1 điểm trung chuyển rác được mở ngay trên đường Nguyễn Viết Xuân gần với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, do người dân phản đối, nên lại phải chuyển xuống đường 35m gần Trường Đại học Điện lực (thuộc xã Hưng Lộc). Hay như điểm tập kết tạm thời ngay trên đường 72m, nhưng do gần với Khu Công nghiệp VSIP nên điểm này cũng đã phải xoá bỏ để di chuyển đi nơi khác.
“Va chạm” lợi ích
Liên quan đến câu chuyện di dời điểm tập kết rác tạm thời trên đường 72m đến khu đất nằm cạnh đường D3 thuộc Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông. Sau khi UBND thành phố lựa chọn điểm này làm bãi tập kết rác, phía đơn vị thực hiện dự án đã lên tiếng phản đối.
Cụ thể, vào ngày 11/3/2024, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt (chủ đầu tư), đã có Công văn số 20/BQLDA về việc đình chỉ thi công điểm tập kết xe gom rác của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tại Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông (TP.Vinh). Theo đó, sau khi biết được UBND thành phố Vinh thống nhất với đề xuất của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An về phương án thay đổi điểm tập kết xe gom rác trên địa bàn xã Hưng Đông từ đường 72m vào khu đất nói trên, phía chủ đầu tư đã không đồng ý.
Theo ông Đậu Ngọc Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt, thì phía đơn vị chỉ biết sự việc thông qua một người khác, đến khi ra hiện trường thì điểm tập kết này đã được xây dựng xong.
“Theo Công văn số 990/UBND-QLĐT của UBND thành phố Vinh thì UBND thành phố yêu cầu Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An phối hợp với UBND xã Hưng Đông làm việc với chúng tôi để thống nhất bằng biên bản việc sử dụng tạm thời khu đất của dự án. Thế nhưng, dù chưa thống nhất, điểm tập kết rác đã xây dựng xong trên phần đất nói trên, làm thay đổi hiện trạng đất tại dự án”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, đã 13 năm trôi qua, đơn vị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng vì lý do khách quan mà bị giao đất chậm. Hiện nay đang xin giao hết đất đợt 1 và sẽ tiếp tục làm giai đoạn 2 của dự án, vì vậy, không có đất trống để cho mượn làm bãi tập kết rác tạm thời.
Lâu nay, Ban Quản lý dự án cũng đã phải tuyên truyền, vận động các hộ dân không đổ rác thải tại khu vực này, thậm chí còn yêu cầu một số đơn vị đến đổ trộm rác thải xây dựng phải múc lên để đi đổ đúng nơi quy định. Trong dự án xây dựng cụm công nghiệp không thể tồn tại bãi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan xung quanh.
Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông được UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3437/QĐ.UBND-CN, ngày 4/10/2005, phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu Công nghiệp nhỏ tại xã Hưng Đông (thành phố Vinh). Diện tích quy hoạch của dự án này là 39,5 ha, tại khu vực phía Tây đường sắt Bắc – Nam và phía Nam đường Đặng Thai Mai, thuộc xã Hưng Đông.
Ngày 18/5/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 1739/QĐ.UBND-CN phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Giai đoạn 1 của dự án này có diện tích 27,51 ha, với tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng. Ban đầu, dự án này do UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, tuy nhiên, sau đó dự án đã được chuyển giao cho Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama. Từ năm 2010 đến nay, dự án lại được chuyển cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt. Từ 69 tỷ đồng tổng mức đầu tư ban đầu, dự án này đã nâng tổng mức đầu tư lên 253,601 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, UBND tỉnh và UBND thành phố Vinh đã ban hành 2 quyết định thu hồi hơn 28,1 ha đất nông nghiệp của 184 hộ dân thuộc 3 xóm Yên Khang, Yên Xá, Yên Vinh (xã Hưng Đông), với tổng số tiền gần 69 tỷ đồng. Dù vậy, do việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa được giao hết đất để triển khai các bước tiếp theo.
Về vấn đề di dời điểm tập kết rác tạm thời vào đường D3 nói trên, ông Phạm Hữu Thắng cũng cho biết, phía Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cam kết khi nào chủ đầu tư triển khai xây dựng và yêu cầu xóa bỏ điểm tập kết này thì đơn vị sẽ giao trả mặt bằng và không yêu cầu bồi thường bất cứ tài sản gì. Đồng thời, cam kết hàng ngày sẽ vệ sinh điểm trung chuyển sạch sẽ và sử dụng đúng mục đích; chỉ đạo công nhân thu gom rác thải đúng giờ không để rác rơi vãi, nước rỉ rác ra dọc đường…
Trước tình trạng các điểm trung chuyển rác cứ vài ba năm lại phải di chuyển, làm ảnh hưởng đến việc thu gom, ông Thắng cũng bày tỏ đơn vị mong muốn thành phố Vinh sớm đưa ra được giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong đó, cần phải bố trí quỹ đất nằm ngoài khu dân cư để quy hoạch xây dựng các điểm tập kết một cách ổn định, vì thời gian tập kết rác trước khi bốc lên xe tải thường chỉ kéo dài từ 3-4 tiếng đồng hồ nên không cần có diện tích quá lớn (chỉ khoảng 500m2). Điều này không chỉ giúp hạn chế được tình trạng ùn ứ rác, mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng TP.Vinh ngày càng văn minh, sạch đẹp.