Bamboo Airways thuê máy bay của ai?

Trong giai đoạn từ năm 2018-2019, Tập đoàn FLC đã thực hiện bảo lãnh, cho phép Bamboo Airways thuê 15 tàu bay từ 5 đối tác nước ngoài.

Gy Aviation Lease, Wwtai Aerocop II và Celestial Aviation Trading 12 Limited đang là 3 đối tác cho thuê tàu bay của Bamboo Airways. Ảnh: FLC Group.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam năm 2021 cho thấy, thị phần hàng không Việt Nam đã được chia lại khi Vienam Airlines có thị phần giảm dần qua từng năm, từ 64,1% năm 2017 xuống 47% cuối năm vừa qua, trong khi Vietjet Air giữ vững thị phần khoảng 30% và Bamboo Airways đang dần lấn sân với tỷ trọng chiếm 19,7%.

Nhìn vào bức tranh thị phần, có thể thấy rõ Bamboo Airways đang ngày càng tiến gần hơn với các lớp “đàn anh” dù còn khá non trẻ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng trong những năm gần đây cũng đi kèm với kết quả kinh doanh thuận lợi. Năm 2019 và 2020, Bamboo Airways báo lãi lần lượt 300 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.

Trong giai đoạn trên, ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Bamboo Airways đã từng ví von hãng này như “một chiếc máy bay cất cánh ngược chiều gió lớn, một hãng hàng không có lẽ duy nhất trên thế giới vẫn tăng trưởng cả về số lượt khách, số đường bay, số máy bay, thị phần… bất chấp dịch COVID-19”.

Sự thành công mà vị cựu Chủ tịch này nhắc đến, một phần quan trọng nhờ vào đà gia tăng nhanh chóng của đội tàu bay Bamboo Airways. Tính đến hiện tại, hãng đang vận hành 29 tàu bay, bao gồm ba chiếc thân rộng Boeing 787-9, 21 chiếc thân hẹp trong họ A320, và 5 chiếc phản lực khu vực Embraer E190.

Đáng chú ý, tháng 2 vừa qua, Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT duyệt, trình phương án tăng quy mô đội tàu bay từ 29 chiếc lên 100 chiếc vào năm 2028.

Sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài

Nhớ lại thời điểm “chập chững vào nghề”, Bamboo Airways đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác. Vào giai đoạn 2018-2019, Tập đoàn FLC đã thực hiện bảo lãnh, cho Bamboo Airways thuê 15 tàu bay từ 5 đối tác nước ngoài.

Theo đó, tháng 9/2018, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc cho phép Bamboo Airways thuê 3 máy bay loại A320 NEO chưa qua sử dụng từ các công ty là Gy Aviation Lease 1813; Gy Aviation Lease 1814 và Gy Aviation Lease 1815.

Tháng 11/2018, Tập đoàn FLC tiếp tục thông qua quyết định bảo lãnh cho Bamboo Airways thuê 1 máy bay loại A321 – 200N từ Celestial Aviation Trading 12 Limited và 2 máy bay A319 – 100 và A320 – 200 từ đối tác Wwtai Airopco II DAC.

Năm 2019, hãng này tiếp tục được thuê thêm 9 tàu bay từ ACG Aircrafe Leasing Ireland, Allaviation Leasing, Celestial Aviation Trading và Wwtai Airopco.

Đáng chú ý, cuối năm đó, Bamboo Airways đã tiến hành thế chấp tài sản cho các khoản vay từ chính đối tác thuê tàu bay Gy Aviation Lease 1813, Gy Aviation Lease 1814 và Gy Aviation Lease 1815.

Bên cạnh những pháp nhân nước ngoài trên, Bamboo Airways cũng đã ký 6 hợp đồng thế chấp tài sản cho công ty Aero Power Leasing, một doanh nghiệp có trụ sở tại Ireland.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, đối tác Gy Aviation Lease 1813, Gy Aviation Lease 1814, Gy Aviation Lease 1815 của Bamboo Airways đều là công ty con của CDB Aviation Lease Finance DAC (CDB Aviation) – thành viên của CDB Financial Leasing Co. Ltd (CDB Leasing).

Đa số cổ phần (64%) của CDB Leasing lại do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Developing Bank – CDB) sở hữu.

CDB Leasing được thành lập vào năm 1984 và là công ty cho thuê duy nhất thuộc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Theo báo cáo thường niên 2017, có thể dễ dàng nhận thấy các công ty con của CBD Leasing phần nhiều đều có tên Gy Aviation Lease và có số hiệu từ 101 đến 1742 (không liên tục). Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên từ năm 2018 đến nay của CBD Leasing, tất cả các công ty này đều không còn được nhắc tới.

Trong khi đó, theo số liệu của Văn phòng Đăng ký Doanh nghiệp Ireland, tính đến năm 2022, nhóm pháp nhân Gy Aviation Lease tại đây có số lượng lên tới 150 công ty, được đánh số không liên tục từ 101 đến 2106 và có cùng địa chỉ tại George’s Quay, Dublin, Ireland.

Đặc biệt, các công ty Gy Aviation Lease đều có vốn điều lệ “khiêm tốn” chỉ từ 1 USD đến 2 Euro.

Về kết quả kinh doanh, đơn cử như Gy Aviation Lease 1813, công ty này có doanh thu 4,5 triệu USD trong năm 2020, chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê. Dù vậy, Gy Aviation Lease 1813 vẫn ghi nhận khoản lỗ 764 nghìn USD.

Về phần mình, Aero Power Leasing cũng hiện là công ty con của CDB Aviation Lease Finance DAC. Công ty này có cùng ban lãnh đạo và địa chỉ trụ sở giống như nhóm pháp nhân Gy Aviation Lease tại Ireland.

Trong năm 2020, Aero Power Leasing không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào và phải chịu khoản lỗ lên đến 291 nghìn USD.

Bên cạnh các đối tác từ Trung Quốc, Bamboo Airways cũng thuê máy bay của 2 doanh nghiệp Hoa Kỳ là Wwtai Airopco II và Celestial Aviation Trading.

Được biết, Wwtai là một trong số 89 công ty con của công ty TNHH Fortress Transportation and Infrastructure Investors LLC – một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải của Mỹ có tổng tài sản gần 2,5 tỷ USD.

Trong khi đó, Celestial Aviation Trading là công ty thành viên thuộc sở hữu của GE Capital Aviation Services Limited (GECAS). GECAS là công ty cho thuê / tài trợ hàng không thương mại lớn nhất trên thế giới tính theo số lượng máy bay.

Công ty cung cấp nhiều dịch vụ tài chính hàng không, bao gồm cho thuê máy bay, cho thuê động cơ, quản lý tài sản và tư vấn máy bay. Về cho thuê máy bay, GECAS mua máy bay từ các nhà sản xuất như Airbus và Boeing, sau đó cho các hãng hàng không thuê, thường trong khoảng 8 năm và thường là theo hợp đồng thuê khô. GECAS cũng cung cấp dịch vụ cho thuê mua lại.

GECAS có đội bay hơn 1.970 máy bay, được sử dụng bởi 270 khách hàng tại hơn 75 quốc gia.

(Theo Thanh Trần/Nhà đầu tư)

Link gốc: https://nhadautu.vn/bamboo-airways-thue-may-bay-cua-ai-d65009.html