Anh Sơn: Hiệu quả của việc đưa cây mía ra vùng đất bãi ven sông

Tận dụng vùng đất bãi rộng lớn ven sông Lam, nhiều địa phương trên địa bàn Anh Sơn đã đưa cây mía ra thay thế, đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các cây trồng ngắn ngày khác.

Năng suất cao

Anh Lê Thanh Hà, thôn Đỉnh Hùng, xã Đỉnh Sơn, đã đưa cây mía ra vùng đất bãi bồi ven sông Lam được hơn 1 năm. So với cây ngô và các loại cây trồng ngắn ngày khác thì theo anh Hà, cây mía cho năng suất và thu nhập cao hơn nhiều lần.

Anh Hà khoe, ngay năm đầu tiên gia đình anh đưa cây mía năng suất cao ra trồng trên đất bãi đã cho năng suất 120 tấn/ha, cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha. Do năm đầu tiên phải trừ chi phí giống, phân bón, công cày bừa nên chỉ cho lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo anh Hà, đến năm thứ 2 và thứ 3, khi chỉ phải bỏ ra công chăm sóc và phân bón trên diện tích mía lưu gốc, nếu giá mía giữ mức ổn định hơn 1 triệu đồng/tấn như hiện nay thì thu nhập của gia đình trên 1ha đất bãi bồi sẽ lên đến 80 đến 100 triệu đồng.

Anh Hà cho biết, so với trồng ngô thì trồng mía đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay đã có nhiều gia đình chuyển cây mía ra vùng đất bãi, vì thế việc đưa máy móc ra canh tác một cách đại trà, giảm công sức lao động đã thuận lợi hơn nhiều.

Với giá mía cao như năm nay, người dân trồng mía đã có lãi. Ảnh: Tiến Đông

Ông Phan Văn Hợi – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Toàn xã Đỉnh Sơn hiện trồng khoảng 100ha mía, trong đó có 48ha mía trên đất bãi. Hiện nay cây mía trồng trên đất bãi cho hiệu quả cao nên địa phương cũng đã tính đến việc chuyển một số diện tích đất bãi sang trồng mía trên cơ sở cơ cấu một cách hợp lý. Bên cạnh đó vẫn duy trì một số diện tích cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như ngô, bí xanh…

Ông Hợi cũng cho biết, hiện nay nhà máy đường cũng đã thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trồng mía như hỗ trợ diện tích trồng mới 2 triệu đồng/ha và chính sách cho vay phân bón trả chậm nên việc phát triển cây mía trên đất bãi gặp nhiều thuận lợi.

Theo thống kê, hiện nay diện tích mía trên đất bãi của huyện Anh Sơn là 450ha trên tổng số 950ha mía toàn huyện, một số địa phương có diện tích mía trên đất bãi lớn là Hoa Sơn 120ha, Hùng Sơn 80ha, Đức Sơn 80ha, Vĩnh Sơn 50ha, Lĩnh Sơn 42ha, Đỉnh Sơn 48ha, Tam Sơn 30ha…
Người dân xã Hoa Sơn thu hoạch mía. Ảnh: Thái Hiền

Ông Nguyễn Ngọc Giang – Phó Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết: vùng đất bãi bồi ven sông Lam được bồi đắp phù sa hàng năm nên rất tốt cho cây trồng, nhất là đối với cây mía. Với việc trồng trên đất màu mỡ, lại được bổ sung các giống chất lượng cao nên những năm gần đây năng suất và sản lượng mía trên địa bàn đã tăng hơn so với những năm trước. Tại vụ ép vừa qua, năng suất trung bình trên địa bàn huyện đạt 77tấn/ha, sản lượng đạt 73.150 tấn. Riêng vùng đất bãi năng suất đã đạt khoảng 100 tấn/ha, sản lượng đạt 45.000 tấn.

Việc đưa cây mía ra vùng đất bãi đã cho năng suất cao hơn so với cây mía ở vùng đất đồi núi. Ảnh: Tiến Đông

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ngoài việc dịch chuyển vùng đất canh tác, những năm gần đây nhiều giống mía mới có năng suất cao và khả năng chống chịu được sâu bệnh cũng đã được người nông dân trên địa bàn Anh Sơn sử dụng, như LK92-11, KK3, QĐ 93-159… Việc cơ giới hóa cũng đã được thực hiện một cách đại trà nên cho hiệu quả cao hơn so với canh tác bằng tay.

Ông Giang cũng cho biết, huyện cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng mới và đưa cây mía ra vùng đất bãi, như hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng mới; hỗ trợ 50% giống và 50% phân bón đối với những diện tích sử dụng giống mía mới năng suất cao… Với các chính sách hỗ trợ này cùng với giá mía tăng cao trong những năm gần đây, hy vọng diện tích mía sẽ được tăng lên.
Thu hoạch mía bằng máy tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Bởi trên thực tế, mấy năm gần đây, diện tích mía trên địa bàn huyện Anh Sơn đã liên tục giảm, nếu như năm 2018 tổng diện tích mía toàn huyện là 1.647 ha, đến năm 2019 giảm xuống còn 1.210 ha và năm 2020 giảm còn 850ha, đến năm 2022, nhích lên 950ha. Chưa kể một số khu vực, người dân còn canh tác theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ.

Việc giá mía lên xuống thất thường, kèm theo giá vật tư, phân bón tăng cao cũng khiến cho người dân có tâm lý chán nản, khiến cho diện tích canh tác mía bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra hiện nay là do diện tích cây mía rộng lớn, hầu như đang phải trông chờ vào việc tưới tiêu tự nhiên, chưa có hệ thống thủy lợi đủ lớn cũng như được đầu tư nên gặp thời tiết khô hạn dễ dẫn đến cây mía bị chết héo. Trên địa bàn huyện Anh Sơn vào năm 2015 và 2018 cũng từng ghi nhận nhiều diện tích mía bị hạn, bị chết dẫn đến năng suất thấp.

Mặc dù giá mía cao trong năm nay nhưng chi phí vật tư cũng tăng cao khiến thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Tiến Đông

Trước tình trạng này, vào ngày 25/3/2021, UBND huyện Anh Sơn đã có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển cây chè, mía, sắn trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó định hướng phát triển cây mía nguyên liệu để cung cấp cho 2 nhà máy chính là Công ty CP Mía đường Sông Lam (Anh Sơn) và Công ty CP Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) theo phân vùng nguyên liệu. Phạm vi bố trí toàn vùng, trong đó tập trung tại các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn và mở rộng các xã có đất bãi dọc sông Lam như: Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Hùng Sơn, Tường Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn và Thạch Sơn, gắn với đưa giống mới, cơ giới hóa vào sản xuất thay thế cho lao động thủ công.

“Mục tiêu mà huyện hướng đến là tăng diện tích đến năm 2025 lên đến 1.300-1.500ha, sản lượng mía 135.000 tấn, đến năm 2030 ổn định diện tích, tập trung phát triển năng suất và sản lượng dự kiến là 150.000 tấn” – ông Giang cho biết thêm.

Theo Tiến Đông/Báo Nghệ an

Link gốc: https://baonghean.vn/anh-son-hieu-qua-cua-viec-dua-cay-mia-ra-vung-dat-bai-ven-song-306469.html