Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính 21 nền kinh tế APEC và các đại diện của các Tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC là sự kiện tổng kết các hoạt động của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm 2023, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và khu vực, ghi nhận kết quả hợp tác trong ba ưu tiên chính của năm nay, bao gồm mô hình trọng cung hiện đại, tài chính bền vững và tài sản số.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối ngày 13/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Tôi rất vui khi chủ trì Hội nghị Bộ trưởng APEC 2023 tại San Francisco trong hai ngày qua. Chủ trì APEC là một trong những cách thức mà chính quyền Tổng thống Jo Biden đang thực hiện nhằm làm sâu rộng quan hệ kinh tế của Mỹ với các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong một năm qua, các thành viên APEC đã thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình thông qua các hoạt động tài chính. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính hôm nay đã giúp chúng ta củng cố tiến triển trong các ưu tiên chủ chốt từ giám sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực và toàn cầu tới thúc đẩy các cách tiếp cận đối với quản lý tài sản số, tài chính bền vững và các chính sách hướng tới tăng trưởng trên cơ sở kinh tế trọng cung hiện đại. Các thành viên APEC cũng khẳng định sự quan tâm chung trong việc theo đuổi các chính sách nhằm mở rộng năng lực sản xuất của các nền kinh tế trong khi đạt được các kết quả như giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường.”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ về các nỗ lực mà Việt Nam đang triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 tại COP26 và Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng trong việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước công bằng, khả thi, hiệu quả.
Đại diện cho các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển, Việt Nam hoan nghênh các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế cung cấp các khoản vay ưu đãi, đảm bảo nguồn vốn thực sự mang tính hỗ trợ, tăng thành tố ưu đãi để giảm chi phí huy động vốn, đảm bảo chi phí hợp lý người dân có thể đáp ứng, tăng khả năng thu hồi vốn; đồng thời tăng cường các khoản viện trợ không hoàn lại (bao gồm hỗ trợ kỹ thuật) cho các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một trong các công cụ chính sách mà APEC đang thực hiện và chia sẻ thông lệ tốt giữa các thành viên đó là thị trường các-bon tự nguyện. Việt Nam đã có một số tiền đề về chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế của APEC trong vấn đề này, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường các-bon mà Bộ Tài chính Việt Nam đang được giao triển khai.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 31 sẽ được tổ chức tại Peru – Chủ tịch Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2024.