Giáo viên không đơn thuần là người truyền đạt kiến thức!

Gần đây, một số sự việc không hay liên quan đến hình ảnh người giáo viên đã gây bức xúc trong dư luận, khiến nhiều người phải suy ngẫm về nghề giáo hiện nay.

0

Vụ việc được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua đó là cô giáo T.P.H – Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP Hồ Chí Minh) “xin” phụ huynh hỗ trợ mua laptop để phục vụ mục đích giảng dạy. Và những phát ngôn sau đó của cô đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận, gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Hiện tại, cô giáo H, không còn được đứng lớp. Việc này dù chỉ là một trường hợp cá biệt nhưng đã phần nào làm tổn hại hình ảnh, đạo đức của nghề dạy học.

nguon-bao-vietnamnet1-5602.jpg
Cô giáo T.P.H (Ảnh: Vietnamnet).

Trên mạng xã hội cũng vừa xôn xao về clip ghi lại hình ảnh một cô giáo có cử chỉ thân mật với nam sinh trên bục giảng. Sự việc xảy ra ở Hà Nội. Sau khi yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, xác minh thông tin, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Sự việc chỉ là cử chỉ “hoà đồng, gần gũi” với học sinh của một giáo viên trẻ (vừa mới ra trường, đang dạy hợp đồng), tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên gây hiểu nhầm trong dư luận. Nhà trường cũng đã tạm thời đình chỉ việc dạy học của nữ giáo viên nói trên để kiểm điểm, ổn định tâm lý. Phía các học sinh cũng cho biết: ban đầu chỉ nghĩ là hành vi trêu đùa cô giáo, không nghĩ có những ảnh hưởng không hay và đang bị xem xét xếp loại hạnh kiểm theo quy định.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa, qua sự việc cũng cho thấy một bài học đắt giá trong việc giữ khoảng cách nhất định giữa giáo viên và học sinh, giữ gìn văn hóa học đường. Việc cô giáo trẻ để một nam sinh có sự tiếp xúc gần trên bục giảng là không phù hợp.

123-1-5486.jpg
Ảnh cắt từ clip ghi lại hình ảnh một cô giáo có cử chỉ thân mật với nam sinh trên bục giảng.

Những sự việc gần đây đã phần nào phản ánh sự suy giảm đáng lo ngại trong ứng xử nói chung của một bộ phận giáo viên. Từ việc thiếu tôn trọng học sinh; cử chỉ, hành vi không phù hợp trong môi trường sư phạm đến lạm quyền trong công tác giáo dục đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ phía xã hội; ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của người thầy, gây ra những hệ lụy đối với học sinh, phụ huynh và hệ thống giáo dục.

Nhiều phụ huynh đã thể hiện sự bức xúc trước những sự việc xảy ra vừa qua bởi vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học mà còn tác động đến tâm lý và nhân cách của con cái họ.

Chị Phan Thị Mỹ Nữ (33 tuổi, trú tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Tôi cũng là phụ huynh có con nhỏ đi học nên tôi cảm thấy rất bất bình và lo ngại trước những sự việc vừa rồi. Con cái đến trường với tâm thế trông cậy hoàn toàn vào thầy cô. Tuy nhiên, khi thầy cô không giữ được chuẩn mực, tôi không thể không lo lắng về tương lai của các con”.

Những trăn trở này có lẽ không phải của riêng ai mà còn là nỗi lo chung của rất nhiều người. Cô Trương Thị Dung – giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thầy cô giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Hình ảnh của thầy, cô có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và định hướng hành vi của các em. Những vụ việc gần đây đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh nghề giáo…”.

z5896041318270-cca874db53952510a40e8f257e4bed06-1760.jpg
Cô Nguyễn Thị Hường cho rằng người giáo viên luôn phải thể hiện sự nghiêm túc, đạo đức và trách nhiệm trong mọi hành động.

Là một giáo viên đã về hưu, cô Nguyễn Thị Hường (65 tuổi, trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Đối với một người đã từng làm nghề giáo như tôi, bên cạnh truyền đạt kiến thức thì việc giữ gìn hình ảnh của bản thân trong mắt học sinh, phụ huynh là điều vô cùng quan trọng. Dù thời đại nào đi nữa thì hình ảnh người giáo viên luôn phải thể hiện sự nghiêm túc, đạo đức và trách nhiệm trong mọi hành động. Thầy cô giữ vững hình ảnh tích cực không chỉ giúp học sinh cảm thấy kính trọng mà còn tạo dựng niềm tin từ phía phụ huynh”.

Công bằng mà nói, bên cạnh rất nhiều những nhà giáo tận tụy, hết lòng cống hiến cho nghề, thì vẫn còn một bộ phận giáo viên đang có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức và hành vi ứng xử trong môi trường sư phạm. Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng, đạo đức của người thầy không chỉ nằm ở việc truyền đạt kiến thức mà còn ở cách mà họ ứng xử, giao tiếp và đối xử với học sinh. Chỉ khi người giáo viên thực sự có đủ phẩm chất đạo đức, họ mới có thể dẫn dắt thế hệ trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho xã hội trong tương lai.

Theo: Mỹ Tâm

Nguồn: baohatinh.vn