Ai đang hưởng lợi khi nhà trường “lạm thu”?

Mong rằng, có nhiều, thật nhiều những hiệu trưởng vì học sinh thân yêu, nói không với lạm thu, góp phần nâng cao vị thế ngành giáo dục.

Đầu năm học 2022-2023, trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, cùng với đó, nguồn tuyển giáo viên không đáp ứng nhu cầu, nên không ít nơi giáo viên phải “gồng gánh”, cán bộ quản lý phải thay nhau đứng lớp…

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế phụ huynh khó khăn, một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh mầm non, trung học cơ sở như thành phố Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu … đã giúp giảm gánh nặng tiền trường đầu năm cho phụ huynh học sinh.

Trong bộn bề lo lắng cho con em đi học đầu năm, nào sách vở, bút mực, … phụ huynh vẫn sợ nạn “lạm thu”, nạn “lạm thu” vẫn “chiếm sóng” của dư luận, dù “lạm thu” ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Nạn lạm thu tạo nên bức tranh xấu xí trong ngành giáo dục. Ảnh chụp màn hình.

Vấn nạn lạm thu thực sự đang ảnh hưởng đến giáo dục như thế nào, bạn đọc có thể thấy sự đồng cảm của cộng đồng trước chia sẻ trên mạng xã hội.

Ai đang hưởng lợi khi nhà trường “lạm thu”?

Thầy giáo Hoàng (đã đổi tên nhân vật) chia sẻ: “Phần lớn phụ huynh khi đi họp phụ huynh nghe ban đại diện đề nghị mức đóng trong năm học đều không phản đối, với tâm lý “người khác sao, mình vậy”.

Phụ huynh học sinh mấy người biết Thông tư 55 ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, nếu có biết cũng không phản đối, nên “nạn lạm thu” mới sống được.

Giáo viên có đồng tình với “nạn lạm thu” không? Tôi trả lời ngay, giáo viên không đồng tình, nhưng cũng không dám phản đối.

Giáo viên không phản đối với “nạn lạm thu”, không phải vì lợi ích của họ, họ có lợi ích gì đâu.

Nói thật, hưởng lợi khi nhà trường “lạm thu” chỉ có lãnh đạo nhà trường. Mọi khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh thu đều do lãnh đạo nhà trường lên kế hoạch.

Nếu thu tiền từ phụ huynh học sinh vì lợi ích của học sinh, chẳng ai nói là lạm thu. Phụ huynh thấy bất hợp lý giữa thu và chi, giữa mục đích và kết quả nên họ mới coi số tiền mình đóng góp là bất hợp lý, là lạm thu”.

Thực tế, sẽ rất hiếm ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất các khoản thu, đóng góp đầu năm cả, tất cả các khoản thu đầu năm của trường học đều do hiệu trưởng “tư vấn”.

Đã có những hiệu trưởng “lạm thu, ăn không từ thứ gì của học trò..” phải trả giá, nhưng cái giá mà xã phải trả đắt hơn nhiều so với hiệu trưởng lạm thu phải trả.

Làm sao để ngăn chặn triệt để nạn lạm thu?

Để ngăn chặn triệt để nạn lạm thu trong trường học, cần minh bạch hóa các khoản phụ huynh phải đóng góp đầu năm.

Các địa phương trên cả nước cần có quy định cụ thể, nhà trường được thu những khoản nào, mức thu bao nhiêu.

Xử lý kiên quyết, dứt điểm, nhanh và ngay hiệu trưởng để xảy ra lạm thu. Hiệu trưởng nào đặt ra khoản thu khác, ngoài quy định của địa phương, đuổi việc ngay.

Chúng ta không thể giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng những đại biểu được phụ huynh bầu làm ban đại diện cha mẹ học sinh có thể tự nhận diện các khoản thu hợp lý, nói không với đề xuất phi lý từ hiệu trưởng “lạm thu”.

Đầu năm học 2022-2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có những bài viết phản ánh tình trạng phụ huynh không đồng thuận với nhà trường về mức đóng góp đầu năm như:

“PH trường An Lạc 1 than phiền nhiều khoản thu tăng bất chấp, Hiệu phó lý giải”, “Lạm thu tiền trường do tặng quà giáo viên, tôi nghe mà xót xa”, “Inforgraphic: Chi tiết các khoản thu đầu năm học phụ huynh cần nắm rõ”

Mong rằng những bài viết của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giúp bạn đọc hiểu về các khoản thu được phép thu trong nhà trường, góp phần làm đẹp hơn bức tranh giáo dục.

Đầu năm học 2022-2023, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền thông tin trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục”.

Thông tin trên khiến nhiều người chú ý, không tin, dù đó là sự thật. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Diễm Trang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn – xác nhận thông tin trên là có thật.[1]

Những hiệu trưởng không lạm thu có thể không có bằng khen, giấy khen, nhưng trong lòng dư luận xã hội khen tặng, đó là thành tích vô cùng cùng cao quý.

Mong rằng, có nhiều, thật nhiều những hiệu trưởng vì học sinh thân yêu, nói không với lạm thu, góp phần nâng cao vị thế ngành giáo dục.

Theo Lê Mai

Link gốc: https://giaoduc.net.vn/ai-dang-huong-loi-khi-nha-truong-lam-thu-post229895.gd