Dùng sổ đỏ giả bán đất không bị khởi tố tội lừa đảo: cần nghiên cứu hướng dẫn của tòa án tối cao

Việc một số đối tượng sử dụng sổ đỏ giả để bán đất cho người khác chiếm đoạt tài sản nhưng không bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng với hướng dẫn của TAND tối cao.

Ông Phước bỏ 800 triệu đồng mua 2 mảnh đất ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nhưng được giao sổ đỏ giả. Ảnh: Quang Đại 

Dùng 2 sổ đỏ giả bán đất chiếm đoạt 800 triệu đồng

Như Lao Động thông tin, vào tháng 9.2023, ông Nguyễn Đình (52 tuổi) và vợ là bà Trịnh Thị Thuyết (41 tuổi), trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, đã chuyển nhượng cho ông Phan Xuân Phước (31 tuổi, người cùng quê), thửa đất có số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất DE031004 với giá 400 triệu đồng, đã thanh toán bằng chuyển khoản.

Công an huyện Yên Thành thông báo kết luận giám định cả 2 sổ đỏ ông Phước nhận được từ việc chuyển nhượng đều là giả. Ảnh: Quang Đại
Công an huyện Yên Thành thông báo kết luận giám định cả 2 sổ đỏ ông Phước nhận được từ việc chuyển nhượng đều là giả. Ảnh: Quang Đại

Vào ngày 27.3.2023, ông Trịnh Nhật Lễ (70 tuổi) và bà Lê Thị Hương (63 tuổi) trú xã Đô Thành đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông Phước thửa đất có số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất DD 566197.

Ông Phước đã thanh toán 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Lễ, bà Hương bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của bà Thuyết theo yêu cầu của ông Lễ, bà Hương (ông Lễ, bà Hương là bố mẹ đẻ của bà Trịnh Thị Thuyết).

Sau đó, ông Phước liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên thì phát hiện cả hai sổ đỏ trên đều giả.

Cụ thể, vào ngày 24.11.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Yên Thành thông báo kết luận giám định như sau: hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DD 566197 và DE 031004 là giả.

Ông Phước đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xác minh, làm rõ và khởi tố vụ án.

Ngày 7.6.2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành có văn bản trả lời, cho rằng đơn tố giác của ông Phước đã được cơ quan này làm rõ trong quá trình điều tra vụ án Trịnh Thị Thuyết phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã kết luận hành vi Trịnh Thị Thuyết vay tiền của ông Phước như đã nêu trên là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 15.5.2024, TAND huyện Yên Thành đã xử phạt Trịnh Thị Thuyết 30 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Văn bản của Công an huyện Yên Thành trả lời đơn kiến nghị khởi tố của công dân. Ảnh: Quang Đại
Văn bản của Công an huyện Yên Thành trả lời đơn kiến nghị khởi tố của công dân. Ảnh: Quang Đại

Cho rằng nội dung nói trên chưa đúng bản chất sự việc, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Phước đã làm đơn khiếu nại.

Không đúng với hướng dẫn nghiệp vụ của TAND tối cao

Về vụ việc nói trên, luật sư Phạm Văn Lượng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng, cơ quan chức năng đã thực hiện không đúng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của TAND tối cao.

Theo đó, tại mục 10 phần 1 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13.9.2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã giải đáp: “Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 2 khách thể khác nhau được Bộ luật hình sự bảo vệ, nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về cả tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)”.

Sau khi được hướng dẫn, vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến, nhận thức không thống nhất nên ngày 01.10.2019, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Công văn số 233 nhằm làm rõ nội dung:

“Trường hợp người thực hiện 1 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn…

Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”.

Trong văn bản, TAND tối cao nêu ví dụ: do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn A đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất có diện tích 100m2, sau đó A lừa bán mảnh đất này cho bà Trần Thị C để chiếm đoạt số tiền 5.000.000.000 đồng.

Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự, còn hành vi lừa bán mảnh đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A làm giả) để chiếm đoạt 5.000.000.000 đồng của bà Trần Thị C có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự.

Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội, gồm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 và tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo luật sư Phạm Văn Lượng, cơ quan chức năng huyện Yên Thành (Nghệ An) cần nghiên cứu kĩ văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của TAND tối cao để xử lý vụ việc đúng quy định, không bỏ lọt tội danh, tội phạm; đồng thời cần xem xét lại thẩm quyền điều tra vụ án.

Theo luật sư Lượng, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả từ hành vi của các đối tượng, thẩm quyền điều tra vụ án nói trên thuộc cơ quan cấp tỉnh.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn