“Hiện thực hoá” Nghị quyết 39 đưa Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước

Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 -NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với mong muốn đưa Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết số 39 đối với Nghệ An, cũng như việc “cụ thể hoá” Nghị quyết 39 của tỉnh Nghệ An trong tương lai như thế nào, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An – ông Hoàng Nghĩa Hiếu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Từ phải qua trái: TBT Nguyễn Phú Trọng, Chánh VP Trung ương Đảng Lê Minh Hưng và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý tại Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Thưa ông ! Lời căn dặn: “Sớm đưa Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”, trong bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An (ngày 21/7/1969) luôn là mục tiêu, là động lực, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân Nghệ An. Ông có thể cho biết những kết quả đạt được của Nghệ An sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 ?.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu: Có thể khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, từng bước hướng tới trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, nông nghiệp công nghệ cao…

ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An

Một số điểm rõ nét, như: Kinh tế phát triển khá toàn diện, tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022, đứng thứ 10 trong toàn quốc và gấp 2,5 lần năm 2013; Xuất khẩu tăng mạnh, từ 636 triệu USD năm 2013 lên 2,49 tỷ USD năm 2022. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 51,4 triệu đồng, gấp hơn 2 lần năm 2013. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục, đào tạo phát triển khá toàn diện; y tế phát triển khá đồng đều ở các tuyến. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. An sinh xã hội được bảo đảm. Bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác tài nguyên được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Đối ngoại đạt kết quả tốt, nhất là với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới.

Đến nay, Nghệ An có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 08 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được tăng cường; chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội được nâng cao. Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững.

Phấn đấu đưa Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước

Phóng viênVừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 – NQ/TW, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn, tầm nhìn nhất quán, xuyên suốt để phát triển tỉnh Nghệ An ?. Ông có thể cho biết ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết số 39-NQ/TW đối với Nghệ An ?.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu: Như chúng ta đã biết, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, để Nghệ An thực sự phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với quê hương Bác Hồ kính yêu, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Nghệ An đối với khu vực, vùng và cả nước; tạo sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành; từ đó mở đường cho việc đưa ra giải pháp mới, đột phá nhằm thu hút nguồn lực cả tinh thần và vật chất để xây dựng và phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Trung ương trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An bên lề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26.

Trên thực tế, Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, dân số đông, quy mô lớn, tiềm năng, lợi thế rất đặc biệt. Thế nhưng những tiềm năng, lợi thế này chưa được “hiện thực hóa”. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW đã định hướng, tạo điều kiện cho Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế đặc biệt của mình, đó cũng là mong muốn của Trung ương và Nhân dân cả nước. Có thể nói vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết 39-NQ/TW là rất lớn, thiết thực và phù hợp thực tiễn, bởi nó cung cấp tầm nhìn cho một khoảng thời gian phát triển. Ở đó, các định hướng, chính sách, mục tiêu đã phản ánh được nhận thức mới mà toàn bộ Đảng bộ, chính quyền và người dân Nghệ An phải phấn đấu ở mức cao nhất để xứng đáng với tiềm năng, lợi thế sẵn có hướng tới mục tiêu một tỉnh có kinh tế phát triển và đóng vai trò quan trọng trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Phóng viênNhư đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý “điều quan trọng là phải biến Nghị quyết thành của cải, vật chất, thành hiện thực, sinh động”. Vậy Ông có thể cho biết quan điểm phát triển, cách tiếp cận của Nghệ An trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị?

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu: Có 5 nhóm quan điểm chỉ đạo cho phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới đã được Nghị quyết 39-NQ/TW đề cập rõ. Trên tinh thần đó, Nghệ An đã xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết, đặc biệt nhận thức rõ khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết là một phương thức lãnh đạo đặc biệt quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh, thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra. Với phương châm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”, Tỉnh ủy Nghệ An đang rốt ráo trong khâu tổ chức thực hiện. Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đã được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đang được hoàn thiện để Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành.

Trong điều kiện có hạn về nguồn lực, giới hạn về thời gian, đòi hỏi tỉnh phải có cách tiếp cận sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Chương trình hành động là để xác định rõ mục tiêu, dự án, đề án cụ thể, song phải có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên để thực hiện. Trong đó, phân công giao trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu về thời gian, có lộ trình cụ thể. Nghệ An đã xác định rõ, ưu tiên số 1 sẽ dành cho nguồn vốn đầu tư công và cả nguồn huy động, kêu gọi đầu tư chủ yếu cho các hạ tầng trọng điểm.

Theo đó, có 10 nhiệm vụ đầu tư dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đang được đề xuất chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, đô thị thông minh và y tế. Ngoài ra, Nghệ An cũng kêu gọi đầu tư vào 20 danh mục lĩnh vực, dự án trọng điểm trên các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, hạ tầng đô thị, khu dân cư, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại, du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ cấp tỉnh mà đòi hỏi tinh thần chung sức, đồng lòng, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, trong quá trình hiện thực hóa “khát vọng Sông Lam” để xứng đáng với mong muốn của Trung ương và Nhân dân cả nước, như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Phải bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An…”.

Phóng viênXin chân thành cảm ơn ông !

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn: baophapluat.vn