Khu tái định cư khó xây, xây rồi lại bỏ hoang

Dù mang tính cấp bách, tiền sẵn có nhưng gần 1 năm qua, khu tái định cư dành cho hàng trăm hộ bị lũ cuốn trôi nhà ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể xây được do vướng thủ tục.

Tháng 10/2022, trận lũ quét đã cuốn trôi nhà của 55 hộ sống ven khe suối Huồi Giảng, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong khi chờ UBND huyện Kỳ Sơn bố trí đất tái định cư (TĐC), các hộ này phải dựng lều lán tạm bợ hoặc đến nhà người thân ở nhờ. Cuối năm 2022, UBND huyện Kỳ Sơn phê duyệt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC ở xã Tà Cạ để bố trí đất ở cho hơn 200 hộ bị lũ cuốn trôi nhà và có nguy cơ bị đất đá vùi lấp nhà cửa.

Chờ đợi quá lâu, chị Vi Thị Sen đành vay mượn tiền xây lại nhà ngay trên nền nhà cũ đã bị lũ quét cuốn trôi – Ảnh: Phan Ngọc

Theo phương án được phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ với kinh phí 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, muốn triển khai dự án, UBND huyện Kỳ Sơn phải nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước. Do vướng mắc quá nhiều thủ tục, đến nay, dự án mang tính cấp bách này vẫn đang nằm trên giấy.

Do không thể chờ lâu, nhiều người dân ở xã Tà Cạ đành liều quay trở lại vùng bị lũ quét dựng nhà tạm bằng tôn, thậm chí xây nhà kiên cố để ở. Chị Vi Thị Sen – 37 tuổi, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ – nói, gia đình phải mượn 200 triệu đồng để xây nhà mới do không thể ở nhờ nhà người khác quá lâu.

Ông Thò Bá Rê – Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn – cho biết: “Kinh phí đã có và cũng đã được đồng ý sử dụng nhưng sau đó, khu đất rộng 8,9ha dự kiến làm nơi TĐC lại được xác định là rừng tự nhiên nên phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trước đây, khu vực này là đất nương rẫy của người dân, nhưng người dân bỏ hoang lâu nay. Sau khi kiểm tra, kiểm lâm thấy có cây rừng phục hồi nên đất này được xem là đất rừng.

Trong khi đó, nhiều khu TĐC dành cho người dân vùng lũ, vùng sạt lở đất ở huyện Hưng Nguyên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lại bị bỏ hoang nhiều năm qua do bị người dân chê.

Năm 2010, UBND huyện Quỳnh Lưu đầu tư xây dựng 2 khu TĐC ở xã Quỳnh Thắng và xã Quỳnh Trang để di dời gần 100 hộ sống trong vùng bị ngập lụt ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, người dân không muốn chuyển đến ở và 2 khu TĐC này trở thành nơi chăn thả trâu bò.

Năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC dành cho 165 hộ ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê – nơi thấp trũng, thường xuyên bị nước lũ cô lập. Khu TĐC này có diện tích 21ha, kinh phí xây dựng hơn 41 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2019 hoàn thành. Nhưng do thiếu vốn, mãi đến tháng 1/2023, dự án này mới hoàn thành và bàn giao cho địa phương để đưa dân vào ở.

Trước khi triển khai dự án, 165 hộ dân nằm trong diện di dời được chính quyền địa phương lấy ý kiến và tất cả đều đăng ký nguyện vọng được cấp đất. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, phần lớn người dân không còn nhu cầu di dời nữa. Ông Nguyễn Đình Nghị – ở thôn Trung Tiến – cho biết, do khu TĐC làm quá chậm nên người dân không thể chờ được. Hầu hết bà con đã cố gắng vay mượn tiền để xây nhà mới hoặc nâng cấp nhà thành nhà vượt lũ. Hơn nữa, điều kiện để được cấp đất TĐC là người dân phải xây nhà ở kiên cố, trả lại đất đang sử dụng nên dân không muốn “đổi”.

Ông Trần Tiến Chương – Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ – cho biết, đến nay, mới chỉ có 32/165 hộ nộp hồ sơ cho UBND xã để xin cấp đất trong khu TĐC. Những hộ dân còn lại đều đã chủ động xây nhà tránh lũ nên không còn nhu cầu di dời tới khu TĐC. “Trước mắt, có được hộ nào đăng ký thì chúng tôi cho bốc thăm để họ lên ở ổn định đã. Sau này, nếu vẫn còn tình trạng cha mẹ đăng ký cho con đến ở thì chúng tôi sẽ xin chủ trương cho mở rộng đối tượng, nhằm tránh lãng phí đất dự án” – ông Trần Tiến Chương nói.

Cũng do triển khai chậm, khu TĐC dành cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía ngoài đê sông Lam thuộc xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên bị bỏ hoang suốt 2 năm qua. Dự án khu TĐC này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2011, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng nhưng do thiếu vốn, phải mất 10 năm mới hoàn thành. Lúc này, những hộ nằm trong diện di dời đã tự xây cao nhà cửa để thích ứng với tình trạng ngập lụt nên khu TĐC bị bỏ hoang.

Tác giả: Phan Ngọc

Nguồn: phunuonline.com.vn