Dự án chưa đền bù giải phóng mặt bằng đã thi công gần xong
Dự án mở rộng trường tiểu học được bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2022, nhưng người dân không hề hay biết, dù khu vực này là đất nông nghiệp của họ. Sau gần 1 năm, đến nay, dự án sắp hoàn thành, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
“Tiền trảm, hậu tấu”
Nhiều ngày nay, phóng viên Báo Nghệ An liên tục nhận được phản ánh của 12 hộ dân ở xóm 5, xã Nghi Kim (TP. Vinh), bức xúc liên quan đến dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim. Đây là những hộ có đất nông nghiệp tại cánh đồng Đông Trường, được quy hoạch để xây dựng các dự án như mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim, mở rộng Trường Mầm non Nghi Kim và làm trụ sở Công an xã Nghi Kim. Trong đó, dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim đã được khởi công từ gần 1 năm trước, sắp đưa vào hoạt động, nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tiến hành xong. Chủ đầu tư của các dự án này đều là UBND xã Nghi Kim.
Theo quan sát của phóng viên, khu đất nông nghiệp này có vị trí khá đắc địa, nằm ngay trung tâm xã Nghi Kim. Một mặt giáp với 3 trường học, một mặt giáp với khu nhà ở cao tầng vừa mới xây dựng, 2 mặt còn lại đều giáp với những tuyến đường chính của xã. Các thửa đất này hầu hết đều đã được UBND huyện Nghi Lộc và UBND TP. Vinh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân từ lâu.
Bà Vũ Thị Minh (72 tuổi), cho biết, gia đình bà có hơn 1 sào ở khu vực này, canh tác từ những năm 60 của thế kỷ trước. “Trước đây, mùa tháng 10 thì trồng lúa, còn tháng 5 thì trồng lạc. Đây là vựa lạc năng suất nhất ở xã Nghi Kim trước đây”, bà Minh kể. Tuy nhiên, những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, cánh đồng này dần trở nên bạc màu, kể từ năm 2018 thì không thể tiếp tục canh tác.
“Do điều kiện khách quan là quá trình đô thị hóa, như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, cùng các dự án nhà ở, trường học bên cạnh khiến hệ thống tưới tiêu bị phá vỡ, biến khu đất thành vùng trũng. Đất đai cũng bị ô nhiễm do ảnh hưởng nguồn nước thải từ trường học, các hộ dân lân cận. Dẫn đến năng suất lúa thấp, bà con nhân dân dần bỏ việc đầu tư sản xuất”, báo cáo của UBND xã cũng nêu.
Tháng 9/2022, dự án mở rộng Trường Tiểu học Nghi Kim bắt đầu được triển khai, khi đơn vị thi công đưa máy móc tới để đào đất làm trường thì người dân mới biết khu đất nông nghiệp bị thu hồi để xây trường. “Hôm đó, chúng tôi vô tình đi ngang qua thì mới thấy máy móc về thi công. Việc thu hồi đất để làm trường học thì tất cả người dân chúng tôi tuyệt đối ủng hộ, nhưng cũng phải thông báo cho chúng tôi biết về kế hoạch, về phương án bồi thường như thế nào. Đằng này lại âm thầm thi công như thế là không tôn trọng người dân, vì chúng tôi đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đó”, bà Nguyễn Thị Quế (62 tuổi), bức xúc.
Đại diện các hộ dân sau đó thường xuyên có mặt ở dự án này yêu cầu chủ đầu tư là UBND xã Nghi Kim giải thích. Theo video mà người dân quay lại, đến ngày 20/11/2022, một lãnh đạo xã Nghi Kim đứng trước các hộ dân mong bà con thông cảm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để kịp tiến độ. Đồng thời, hứa với các hộ dân sẽ đền bù trước Tết Nguyên đán với mức giá 170 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, chờ đến những ngày cuối cùng của năm, người dân vẫn chưa thấy tiền đền bù nên kéo lên trụ sở UBND xã để hỏi. Sau đó, đơn vị thi công đã phát cho mỗi hộ dân có đất bị ảnh hưởng 500.000 đồng. Cho đến nay, gần 1 năm đã trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Khúc mắc mức giá hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Nghi Kim thừa nhận, xã đã chủ quan trong quá trình triển khai dự án này. “Chúng tôi cứ nghĩ sớm muộn gì người dân cũng sẽ được đền bù, một số dự án khác trên địa bàn trước đây cũng tiến hành như thế và không xảy ra vấn đề gì. Sau đó, chúng tôi cũng đã đối thoại với các hộ dân, mong bà con thông cảm và xin thi công trước, đền bù sau để kịp tiến độ”, ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, do Trường Tiểu học Nghi Kim có học sinh đông, thiếu phòng học, nên từ năm 2021 xã đã xin chủ trương lập dự án mở rộng trường học. “Theo quy trình thì phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong mới thi công. Nhưng thời điểm đó, xã Nghi Kim đang phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có tiêu chí giáo dục, chỉ cần 1 trong 3 trường không đạt chuẩn thì xã cũng không được. Không xây dựng xong trường thì tiêu chí giáo dục không đạt, nên phải thi công gấp”, ông Khiêm phân trần.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, tòa nhà 3 tầng với 18 phòng học đã xây dựng xong phần thô. Diện tích của tòa nhà này là hơn 600 m2, gần như toàn bộ đều xây dựng trên đất nông nghiệp của người dân. Ngoài ra, phần sân trường phía trước tòa nhà cũng chiếm đến hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp. Theo đại diện đơn vị thi công, do người dân bức xúc kéo ra ngăn cản nên dự án có thời điểm bị đình trệ suốt 2 tháng. Dự kiến tòa nhà này sẽ đưa vào hoạt động khi bước vào năm học mới. Tổng mức đầu tư của tòa nhà là hơn 14 tỷ đồng, chưa kể phần đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng sân trường phía trước.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, sau các cuộc đối thoại, người dân cũng đã thông cảm với xã và đồng tình để nhà thầu thi công cho kịp tiến độ. Tuy nhiên, vấn đề khiến người dân sau đó bức xúc là mức giá đền bù thấp quá. Theo đó, ngày 27/6, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý với công văn của Sở Tài chính về đề xuất mức hỗ trợ cho các hộ dân bằng 2 lần giá đất nông nghiệp theo quy định tại bảng giá đất. “Như vậy, mỗi sào chỉ được hỗ trợ 85 triệu đồng. Lý do chỉ hỗ trợ ít như vậy được Sở Tài chính đưa ra là do đất đã không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục”, ông Khiêm nói.
Liên quan đến dự án này, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có ý kiến, trong đó cho rằng “để đảm bảo công bằng và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị Nhà nước thu hồi đất làm dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất chủ trương hỗ trợ khác. Mức hỗ trợ đề nghị Sở Tài chính xem xét cụ thể, đảm bảo như các dự án tương tự bị thu hồi đất trên địa bàn xã Nghi Kim đã thực hiện”.
Theo ông Nguyễn Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục có tờ trình để kiến nghị Sở Tài chính xem xét, tăng mức hỗ trợ cho các dân có đất bị ảnh hưởng. “Xung quanh đó, có rất nhiều dự án cũng có nguồn gốc đất tương tự, đều được hỗ trợ 170 triệu đồng/sào. Bây giờ chỉ hỗ trợ 85 triệu đồng thì cũng thiệt thòi cho bà con. Trên thực tế, khu đất này không phải bỏ hoang mà không thể canh tác được do nguyên nhân khách quan. Nên theo tôi phải hỗ trợ mức 4 lần giá đất nông nghiệp, còn không ít ra thì cũng phải 3 lần, tức là gần 130 triệu đồng/sào”, ông Khiêm nói.
Theo Tiến Hùng
Link gốc: https://baonghean.vn/du-an-chua-den-bu-giai-phong-mat-bang-da-thi-cong-gan-xong-post274591.html