Đi tìm sự yên bình cho người dân Yên Thành
Vào một buổi trưa tháng Bảy, trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài đường không dưới 40 độ C, một đoàn khoảng 5-6 người tìm đến Văn phòng đại diện báo Lao Động tại TP Vinh (Nghệ An). Họ cầm trên tay những lá đơn, ánh mắt cầu cứu không giấu nổi mệt mỏi, thâm quầng vì có lẽ nhiều đêm mất ngủ. “Chúng tôi mất hết rồi, không còn biết cầu cứu ai, nhờ báo lên tiếng, giúp đỡ...”, họ là những người dân ở Yên Thành - nơi cách thành Vinh hơn 60 km, là nạn nhân của hụi, họ.
Bất ngờ với những khoản tiền khổng lồ
Bà Chu Thị Tình, 44 tuổi, trú xóm Tân Đức, xã Tân Thành gần như nói trong nước mắt: “Trong thời gian từ ngày 15.1.2022, bằng việc bốc phường, vay phường và vay cá nhân, bà Lê Thị H. (trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành) đã của tôi khoản tiền 980 triệu đồng. Bà H. hẹn ngày trả tiền nhưng sau đó đã bất ngờ rời khỏi nơi cư trú cùng cả gia đình, tôi điện thoại nhưng không thể liên lạc được.
Cũng theo lời bà Tình, ở khu vực Yên Thành, có đến hàng chục người cho bà H. vay thông qua chơi phường và vay cá nhân (bà H. có viết giấy vay tiền hoặc kí hợp đồng vay tiền), với số tiền lên tới vài chục tỉ đồng. Trong đó, ông Trần Văn Hòa (44 tuổi, trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành) cho bà Hoa vay số tiền lên tới 7 tỉ đồng.
Ngồi trong văn phòng Báo Lao Động, ông Hoà gạt mồ hôi nói với giọng mệt mỏi: “Sau khi ôm được số tiền rất lớn của nhiều hộ dân, vợ chồng bà H. đã bỏ trốn, chúng tôi không thể liên lạc được. Ra tận quê bà H. ở Thanh Hóa cũng không tìm được, giờ ai nấy đều khánh kiệt, như ngồi trên đống lửa”
Theo ông Hòa, bà H. nói cần huy động số tiền lớn để làm ăn buôn bán, khi có lãi sẽ chia lại cho bà con. Do tin tưởng nên ai cũng sẵn lòng cho bà Hoa vay, nhiều người đi vay mượn, huy động về đưa cho bà H.
Theo tìm hiểu, bà Lê Thị H. có hộ khẩu thường trú tại thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Hai vợ chồng bà H. vào xã Tân Thành sinh sống đã 25 năm, làm ăn buôn bán năng động nên tạo được sự tin tưởng của bà con. Sau khi bà H. trốn về quê, ông Hoà đành sử dụng căn nhà 3 tầng ở xóm Thị Tứ, xã Tân Thành- vốn là nơi ở cũ của vợ chồng bà Hoa để tìm cách lấy lại số tiền đã cho bà H. vay. Còn những hộ dân khác không biết bấu víu vào đâu.
Thậm chí, có những những người cho bà H. vay 300 triệu, đã năm lần bảy lượt tìm về quê bà Hoa ở, xã Tiến Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Người thì có gặp nhưng tiền thì không theo về.
Không chỉ đường dây chơi phường của bà H. đổ vỡ mà ở Yên Thành cũng có trường hợp về hơn 100 hộ dân điêu đứng vì vỡ phường hụi hơn chục tỉ đồng. Đó là câu chuyện liên quan đến bà Hoàng Thị L. (44 tuổi), ở xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành (Yên Thành). Là L. là chủ phường nhưng gần đây không trả nổi tiền các phường viên.
Theo các người dân ở đây, bà L. bắt đầu huy động người dân chơi phường do bà làm chủ từ năm 2013. “Có nhiều dây phường khác nhau, nhưng chủ yếu là dây với suất phường 2 triệu đồng/tháng. Ai có tiền thì có thể đóng nhiều suất. Những năm trước đây, phường hoạt động rất công khai, minh bạch. Cứ đến tháng, chủ phường sẽ gọi toàn bộ đến, phường viên nào đấu cao nhất sẽ được nhận. Số tiền lãi thì các phường viên còn lại chia nhau”, một người dân cho hay.
Đến tháng 10.2022, là hạn bốc của 7 dây phường do bà L. làm chủ. 7 dây phường này đều có mỗi dây 22 suất, mỗi suất 2 triệu đồng. Lúc này, vợ chồng bà L. gọi toàn bộ phường viên đến, thu đầy đủ số tiền của 7 dây phường được hơn 300 triệu đồng. “Sau khi thu tiền xong thì vợ chồng bà L. thông báo là tháng này đến lượt chủ phường bốc, nên cầm luôn toàn bộ số tiền đó. Đồng thời cũng thông báo dừng hoạt động tất cả các phường do bà ta làm chủ”, một phường viên là thương binh nói.
Theo ước tính thì có hơn 100 người tham gia chơi phường do bà L. làm chủ, người nhiều nhất đang bị chủ phường nợ hơn 1,4 tỉ đồng.
Khác với bà H., bà L. không trốn đi đâu cả, nhưng thái độ bất hợp tác. Thỉnh thoảng bà này cũng trả, gọi cả chục người đến, trả lắt nhắt 500 ngàn, 1 triệu mỗi người… Xót tiền, nhiều phường viên đứng trước cổng nhà bà L. để đòi nhưng tiền vẫn không thấy đâu, chỉ nhận lại sự thách thức.
Nhằm gây áp lực với chủ phường, họ mang băng rôn, biểu ngữ rồi dùng loa mở nhạc đám ma ngay trước cổng nhà bà L. để đòi tiền, thế nhưng tiền không lấy về mà chỉ xảy ra xô xát khiến lực lượng chức năng xã phải can thiệp.
Để Yên Thành thật sự yên bình
Trường hợp liên quan đến đường dây phường họ của bà H. ở Tân Thành, hàng chục hộ dân đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Yên Thành về việc bị bà H. lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, lãnh đạo xã Tân Thành lại cho rằng, gia đình bà Lê Thị H. đã đi khỏi địa phương nhiều tháng nay. Trước sự việc có dấu hiệu lừa đảo, đối tượng trốn khỏi địa bàn, lãnh đạo xã và trưởng công an xã đã lên làm việc với trưởng công an huyện, đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, đến tháng 6.2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành có thông báo số 571 do thượng tá Hồ Xuân Thành ký, cho rằng vụ việc nói trên là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu tội phạm, đề nghị người dân gửi đơn đến Toà án nhân dân huyện Yên Thành để giải quyết.
Đây cũng là câu trả lời liên quan đến dây phường do là L. làm chủ. Đầu tháng 6, Công an huyện Yên Thành có thông báo trả lời đơn của các phường viên với nội dung “không thụ lý đơn”, đồng thời hướng dẫn họ chuyển đơn sang Tòa án để giải quyết dựa trên Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về họ, hụi, biêu, phường”. Tất nhiên, những người mất tiền không đồng tình với thông báo này và tiếp tục làm đơn gửi lên Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.
Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Thành, và huyện lại có ý kiến: “Tại thông báo ngày 9.6 của Công an huyện Yên Thành đã đề nghị công dân làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Nếu công dân không thống nhất với đề nghị của Công an huyện Yên Thành thì hướng dẫn công dân viết đơn gửi lên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An để được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP, trách nhiệm pháp lý của chủ họ và thành viên được quy định như sau về “Trách nhiệm của chủ họ do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ” và “Trách nhiệm của thành viên không góp phần họ” theo điều 23, 24 Nghị định.
Riêng về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm, Nghị định 19 có ghi: Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật; Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
Vấn đề ở đây là muốn hình sự hoá, phải chứng minh được “hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nói với Lao Động trường hợp con nợ ôm số tiền lớn của nhiều người rồi bỏ trốn là có dấu hiệu hình sự, cần được xác minh, làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.
Bản chất của họ, hụi, biêu, phường là tốt nhằm tạo cơ hội để những người trong cộng đồng có thể hỗ trợ về vốn đề làm ăn.
Tranh chấp chỉ xảy ra khi có một bên làm sai, hoặc cố hình vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt. Trong lúc chờ các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, làm rõ thì người dân vẫn đang như ngồi trên đống lửa. Đây cũng sẽ là những bài học cho những ai tham gia vào các phường, họ.
Để Yên Thành thật sự yên bình.
Theo Mỹ Linh
Link gốc: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/di-tim-su-yen-binh-cho-nguoi-dan-yen-thanh-1221939.ldo