Triển khai Đề án 06: Nghệ An hướng tới trường học không dùng tiền mặt

Thay vì nạp tiền trực tiếp tại các trường học, việc thanh toán qua tài khoản đang được nhiều trường học ở Nghệ An áp dụng và đem lại thuận tiện cho nhiều phụ huynh, học sinh và các nhà trường.

Đây cũng là một trong những nội dung nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025”.

Lợi ích “kép”

Từ đầu năm học đến nay, chị Trần Huệ Bích (phường Lê Mao, thành phố Vinh) đã không còn phải cảnh chen chúc, chờ đợi mỗi lần phải lên Trường Tiểu học Lê Mao để nạp tiền ăn và tiền học cho con nữa. Thay vào đó, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, chị đã có thể hoàn thành tất cả các khoản thu của nhà trường, vừa dễ dàng, vừa nhanh chóng, thuận tiện.

Nói thêm về điều này, chị cho biết: Ở lớp con tôi, mỗi cháu có một tài khoản theo mã số riêng và tôi chỉ cần đánh mã số của con là có thể chuyển tiền vào bất cứ tài khoản ngân hàng nào. Việc sai sót tôi nghĩ cũng rất hy hữu vì khi đánh mã số, tên của con mình sẽ hiện lên và mình có thể căn cứ vào đó để chuyển tiền cho chính xác.

Chỉ một vài thao tác đơn giản, phụ huynh dễ dàng nạp học phí cho con. Ảnh: Mỹ Hà

Hầu hết phụ huynh ở thành phố Vinh đều có tài khoản ngân hàng. Điều đó tưởng dễ dàng để có thể nạp tiền cho con ở nhà trường, tuy nhiên, với một trường học có trên 1.600 học sinh như ở Trường Tiểu học Lê Mao, để chuyển tiền theo cách thông thường sẽ rất khó quản lý. Để giúp phụ huynh thuận tiện trong quá trình nạp các khoản thu, từ năm học 2021 – 2022 đến nay, nhà trường đã thử một số phần mềm ứng dụng nạp tiền ở trường học.

Tại phần mềm đầu tiên, phụ huynh gặp khó khăn nếu như không cùng hệ thống thẻ ngân hàng. Do đó, dù đã triển khai nhưng số phụ huynh sử dụng không nhiều và chưa thực sự phát huy hiệu quả. Sang năm học 2022 – 2023, nhà trường sử dụng phần mềm với tên gọi “giải pháp thu học phí qua tài khoản định danh”. Ưu điểm của phần mềm này là có thể sử dụng liên ngân hàng, mỗi học sinh có một tài khoản định danh riêng. Do đó, đến tháng bộ phận kế toán chỉ cần lập danh sách các khoản thu của từng học sinh đến cô giáo chủ nhiệm và chuyển lên nhóm chung của lớp qua zalo, facebook là phụ huynh dễ dàng nắm được thông tin và chuyển khoản dễ dàng.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đây, thường vào ngày mồng 10 đầu tháng, chúng tôi sẽ tổ chức thu tiền ăn, tiền bán trú… cho các học sinh.

Tuy nhiên, vì phải thu trực tiếp nên có khi kéo dài gần hết tháng và bộ phận kế toán, thủ quỹ cũng như phụ huynh phải đến rất sớm để nạp tiền, có khi còn phải xếp hàng. Với hình thức hiện tại, việc nạp tiền đơn giản, dễ quản lý và bớt được ngày công lao động cho giáo viên và phụ huynh nên tỷ lệ nạp tiền qua tài khoản đạt trên 90%.

Về phía nhà trường, việc quản lý trên tài khoản cũng dễ dàng hơn so với quản lý bằng tiền mặt.

CÔ GIÁO PHẠM THỊ TRƯỜNG GIANG – HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC LÊ MAO, TP VINH

Không chỉ các trường trung tâm, việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhiều trường học ở Nghệ An sử dụng. Nhiều năm công tác tại Trường Tiểu học Nam Cát (Nam Đàn), bà Bạch Thị Hoa – kế toán nhà trường thấy được những lợi ích rõ rệt với phương thức thanh toán trong nhà trường. Vì thế, dù hiện tại số phụ huynh thực hiện phương thức này chỉ mới đạt hơn 50% nhưng bà vẫn muốn trong thời gian tới hình thức này sẽ được “phủ sóng” toàn trường.

Nói về điều này, bà Bạch Thị Hoa cho biết: Hiệu quả của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khá rõ nét. Đó là hạn chế việc đi lại của phụ huynh, có sự giám sát từ ngân hàng, có chứng từ, lưu vết; khi sai sót có thể dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh. Từ đó, đảm bảo minh bạch công tác tài chính, hạn chế tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro tài chính… Ở địa bàn chúng tôi, hiện rất nhiều phụ huynh đang làm việc tại các khu công nghiệp hoặc đi làm ăn xa nhà, đa phần đều được trả lương qua tài khoản. Vì thế, khi chúng tôi áp dụng hình thức này, phụ huynh rất đồng tình và ủng hộ.

Hướng tới trường học không dùng tiền mặt

Thu, nộp học phí không dùng tiền mặt và thực hiện các khoản thu của nhà trường theo phương thức thanh toán qua tài khoản là một trong những nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh giao theo Kế hoạch số 771/KH – UBND ngày 7/11/2022 về Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với các cơ quan liên quan về việc thực hiện Đề án 06 trong ngành Giáo dục. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030″ (Đề án 06), Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể với 3 nội dung, gồm: Thống kê số lượng giáo viên, các giải pháp thu nộp học phí mà các cơ sở giáo dục đang sử dụng trên địa bàn; Phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an và Công an tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng phương pháp thu nộp không dùng tiền mặt thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh; Triển khai thí điểm giải pháp chống gian lận thi cử trên địa bàn thành phố Vinh để đánh giá mở rộng; Sử dụng thiết bị xác minh di động xác thực người tham gia thi đảm bảo đúng người, tránh trường hợp thi hộ, gian lận phòng thi.

Liên quan đến nội dung này, trong thời gian thực hiện theo yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp số liệu về các trường đã sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản và số liệu sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán dịch vụ giáo dục của học sinh (hoặc phụ huynh) trên địa bàn toàn tỉnh.

Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng sử dụng nhiều phương thức để thuận lợi cho phụ huynh nạp các loại phí không dùng tiền mặt. Ảnh: Mỹ Hà

Qua thống kê, số trường thực hiện các khoản thu bằng hình thức không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt là tại các trường trung tâm.

Như tại thành phố Vinh, toàn thành phố có 81 trường, đã có 60 trường thu qua phần mềm của các ngân hàng và phần mềm Misa, các trường còn lại thu qua thẻ ATM. Ở thị xã Cửa Lò, tất cả các trường đều thu qua thẻ ngân hàng. Huyện Nghi Lộc có 29 trường mầm non thu qua phần mềm quản lý khoản thu SISAP; 100/110 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đã thu các khoản thu theo phần mềm SISAP.

Ở bậc THPT, khoảng 50% các trường đã thực hiện các khoản thu theo phần mềm của các ngân hàng, qua phần mềm của VNEDU hoặc qua ví điện tử.

Đánh giá về việc thực hiện, nhiều hiệu trưởng cho biết, việc thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt đem lại những thuận lợi, tiện dụng, minh bạch và giúp giáo viên chủ nhiệm bớt áp lực trong việc thực hiện các khoản thu ở nhà trường.

Tuy nhiên, với đặc thù như ở địa bàn Nghệ An, để việc thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt một cách đại trà thì vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là ở những huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn khi phụ huynh vẫn quen với hình thức sử dụng tiền mặt, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.

Để khắc phục hạn chế này, cần nhiều yếu tố như phải tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh thấy được lợi ích của việc không dùng tiền mặt, sớm công khai các khoản thu giúp phụ huynh chủ động trong việc chuẩn bị kinh phí trong tài khoản. Ngoài ra, cũng cần những yếu tố khách quan khác như phụ huynh phải biết sử dụng giao dịch điện tử, thường xuyên sử dụng tài khoản ngân hàng và có những phần mềm hỗ trợ giúp cho việc nạp tiền thuận lợi và dễ quản lý. Việc triển khai cũng cần linh hoạt theo tinh thần tự nguyện, phù hợp với từng bối cảnh cụ thể.

Nghệ An đang hướng tới mục tiêu trường học không dùng tiền mặt. Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho rằng: Đề án 06 có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay và thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Về phía ngành Giáo dục, để thực hiện Đề án 06 có hiệu quả, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ. Ngành cũng đặt ra yêu cầu trong quá trình thực hiện, sử dụng các điều kiện hạ tầng có sẵn của ngành để triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật bí mật thông tin công dân. Đồng thời, tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nhưng đảm bảo người dân được hưởng tối đa những tiện ích từ Đề án 06.

Hiện, trong quá trình triển khai Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Phòng PC 06 – Công an tỉnh Nghệ An, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an để triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả đúng lộ trình đã đề ra.
Theo Mỹ Hà

 

Link gốc: https://baonghean.vn/trien-khai-de-an-06-nghe-an-huong-toi-truong-hoc-khong-dung-tien-mat-post262611.html