Xuất khẩu lao động “tan băng”, thủ đoạn lừa đảo tái diễn

Sau một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã trở lại đầy mạnh mẽ. Theo con số từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng hợp từ các doanh nghiệp phái cử, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, số lao động ra nước ngoài làm việc đã đạt gần 110 nghìn người.

Con số này đã vượt xa mục tiêu đưa được 90 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2022. Tuy vậy, cùng với việc hoạt động xuất khẩu lao động sôi động trở lại, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã liên tục phải đưa ra những cảnh báo về tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này.

Phục hồi mạnh mẽ

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất thời gian qua vẫn là các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất là Nhật Bản với hơn 50 nghìn lao động, tiếp đến là Đài Loan với hơn 45 nghìn lao động, sau đó là Hàn Quốc, Singapore và các thị trường khác.

Hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã sôi động trở lại thời gian vừa qua.

Đối với các thị trường lớn, Nhật Bản luôn được đánh giá là thị trường lao động trọng điểm. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.

Theo ông Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Hoàng Hải, một trong những lý do khiến lĩnh vực xuất khẩu lao động trở lại đầy mạnh mẽ thời gian qua là, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường lớn truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động để đáp ứng cho phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. “Các chính sách hỗ trợ được triển khai đã giúp doanh nghiệp phái cử như chúng tôi nhanh chóng hoạt động tích cực trở lại. Đây là cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu lao động bứt tốc thời gian tới”, ông Hoàng đánh giá.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; triển khai các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Cùng với đó, Bộ thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với một số thị trường châu Âu, Israel, Australia, Thailand, Algeria, Kuwait…

“Bộ sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc nhằm học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước. Dự kiến, năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 110 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Cảnh giác đối với các thông tin lừa đảo    

Đi cùng với việc hoạt động xuất khẩu lao động sôi động trở lại là vấn nạn lừa đảo trong lĩnh vực này cũng “nóng” trở lại. Giữa tháng 10 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phải phát đi thông báo về việc lừa đảo lao động đi Hàn Quốc theo thị thực E7.

Theo đó, Cục này đã nhận được nhiều phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7. Đơn vị này cho biết, dù phía Hàn Quốc có mở rộng chính sách tiếp nhận, giảm bớt điều kiện kinh nghiệm cho người lao động nhưng không phải dễ dàng để đi.

Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Trong khi đó, những thông tin quảng cáo dụ người lao động mắc bẫy lại tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nhiều người dân mong muốn đi làm việc ở nước ngoài không nắm rõ thông tin dễ bị rơi vào “bẫy” lừa đảo với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Ngay sau đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục phải cảnh báo khi người lao động bị lôi kéo đưa đi lao động tại nước ngoài, trong đó có một số quốc gia ở châu Phi. Hay như trước đó, đối với chương trình visa nông nghiệp sang Australia, giữa hai nước mới chỉ ký biên bản ghi nhớ, nhưng cũng đã có những thông tin lừa đảo lao động sang Australia làm việc với mức lương rất cao và Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng phải phát đi cảnh báo. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, tình trạng lừa đảo thường diễn ra ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu…

Phương thức chủ yếu là đưa ra các thông tin gian dối, không đúng sự thật như sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, xuất khẩu lao động ở Việt Nam; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin, cũng như tâm lý chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động. Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…

“Thời gian qua các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý nhiều đối tượng lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an các tỉnh, thành tuyên truyền cảnh báo đến người dân về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Người lao động nếu muốn ra nước ngoài làm việc thì nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp.

Đồng thời, tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về thân nhân, lai lịch của người giới thiệu việc làm. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý”, ông Liêm khuyến cáo.

Theo Phan Hoạt

Link gốc: https://cand.com.vn/Xa-hoi/xuat-khau-lao-dong-tan-bang-thu-doan-lua-dao-tai-dien-i675698/