Vinhomes đề xuất tài trợ lập quy hoạch tại Vũng Áng
Thời gian qua, ngoài nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc lập quy hoạch các vùng, khu vực. Song, dư luận cho rằng việc tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ là phù hợp, nhưng phải minh bạch, tránh tình trạng DN tài trợ kinh phí để được “ưu ái”.
Vingroup đề xuất tài trợ lập quy hoạch khu đô thị trung tâm KKT Vũng Áng
Mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) đề xuất tài trợ lập quy hoạch chi tiết tại khu vực phía tây khu 2 – khu đô thị trung tâm khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh.
Quy hoạch chi tiết sẽ được xây dựng tỷ lệ 1/500 với diện tích 81,92ha gồm 2 khu có ranh giới phía bắc giáp đường Trần Phú, phía tây giáp khu quy hoạch hành chính, phía đông và nam giáp khu dân cư hiện trạng;
Mục tiêu là phát triển khu đô thị có tiêu chuẩn sống cao với đầy đủ các dịch vụ cho hệ sinh thái, đảm bảo sự phát triển môi trường sống cho các khu kinh tế trong khu vực và khu đô thị trung tâm khu kinh tế Vũng Áng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết sẽ sớm có văn bản trình UBND tỉnh Hà Tĩnh cho chủ trương để triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết đồng thời, đề nghị Vinhomes tiếp tục xem xét mở rộng quy hoạch để phù hợp với phát triển chung của địa phương.
Tại khu kinh tế Vũng Áng, mới đây Vinhomes cũng đã có văn bản đề xuất dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại lô CN4, CN5 – khu công nghiệp trung tâm thuộc khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư dự kiến 9.311 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trên diện tích 1.007ha. Thời gian hoạt động của dự án là 70 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Dự kiến, trong quý I/2022, các bên sẽ triển khai các thủ tục pháp lý về quy hoạch và chủ trương đầu tư, thành lập quy hoạch khu công nghiệp; trong quý II/2022 triển khai giải phóng mặt bằng, giao đất phê duyệt dự án; trong năm 2023 sẽ thi công hạ tầng và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh.
Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi quy định tài trợ kinh phí lập quy hoạch
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 289 cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Đề nghị ban hành hướng dẫn việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn hiện nay”.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết việc khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho công tác lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được quy định tại Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Việc hướng dẫn quy trình, trình tự tài trợ kinh phí được thực hiện căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của ngành tài chính.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 119 ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó có nội dung đồng ý cho các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương được huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư và pháp luật có liên quan khác.
Đối với việc đề xuất tài trợ theo hình thức “tài trợ sản phẩm là đồ án quy hoạch”, Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về xây dựng chỉ quy định về việc tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng, không quy định về việc tài trợ sản phẩm là đồ án quy hoạch. Đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt là một trong các công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để quản lý dự án đầu tư xây dựng trên từng địa bàn.
“Vì vậy, việc hình thành đồ án quy hoạch phải được thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 32, Điều 33, Điều 34 Luật Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan; đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch”, công văn của Bộ Xây dựng lưu ý.
Trước đó, chí sẻ trên báo chí, TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị; nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng) từng có ý kiến: Khi tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương để lập quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của địa phương đó, thì có thể hiểu theo một cách tích cực đó là sự đóng góp để giúp giảm bớt chi ngân sách cho cơ quan nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, nếu bên cạnh mặt tích cực đó thì liệu có mặt tiêu cực gì không? Và sự tài trợ ở đây có thực sự là vô tư, không vụ lợi không? Và nếu không vô tư, có vụ lợi thì điều đó có gây ra tổn hại cho cộng đồng dân cư và cộng đồng xã hội không và ảnh hưởng, tổn hại như thế nào?
“Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị”. Tuy nhiên, tôi cho rằng các quy định của Luật cần phải được quy định chi tiết tại văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư của Bộ quản lý ngành, để đảm bảo việc thực thi luật có hiệu quả trong thực tế áp dụng.
Cụ thể ở đây cần có quy định rõ hơn kinh phí tài trợ sẽ được phép tài trợ cho loại đồ án quy hoạch cấp nào, không được phép tài trợ cho loại đồ án quy hoạch cấp nào. Hoặc quy định việc tài trợ đó cần đảm bảo tính không vụ lợi của cá nhân, tổ chức tài trợ thì có lẽ sẽ không tốn nhiều công sức, giấy mực như đồ án quy hoạch Khu Hòa Bình của Đà Lạt…
Đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho người ta và nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật”.
PV (t/h)
Link gốc: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vinhomes-de-xuat-tai-tro-lap-quy-hoach-tai-vung-ang-d28655.html