Nghệ An: Dùng đất dự án để đầu tư kinh doanh trái quy định
Phản ánh tới báo chí, bạn đọc thông tin, hiện nay Công ty phát triển Đông Hồi đang thực hiện sai Dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và gỗ xuất khẩu trên địa bàn xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã được cấp phép trước đó.
Xin dự án để… cho thuê đất
Phản ánh tới báo chí, bạn đọc thông tin, hiện nay Công ty phát triển Đông Hồi đang thực hiện sai Dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và gỗ xuất khẩu trên địa bàn xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã được cấp phép trước đó.
Theo phản ánh, phóng viên (PV) có mặt tại khu vực được cấp phép đầu tư và ghi nhận thực tế một nhà máy băm dăm gỗ đang hoạt động với công suất hàng trăm tấn gỗ mỗi ngày.
Được biết, đây là dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và gỗ xuất khẩu của Công ty Đông Hồi, được Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 02/3/2016. Mục tiêu và quy mô của dự án được thể hiện cụ thể là: Sản xuất gỗ ván dân dụng và xuất khẩu 80.000m3/năm; sản xuất viên nén Good pellets xuất khẩu 40.000tấn/năm; sơ chế gỗ và các sản phẩm từ gỗ 40.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư của dự án là 50 tỷ đồng. Theo đó, ngày 25/4/2019, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã cho Công ty Đông Hồi thuê 19.995m2 đất theo Quyết định số 107/QĐ-KKT.
Tuy nhên trên thực tế thì không có một dự án quy mô nào được đầu tư xây dựng theo giấy phép đã được cấp tại đây, thay vào đó là một nhà máy băm dăm hoạt động nhếch nhác, vi phạm nhiều quy định trên nhiều lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường… mọc lên ngay trên phần đất của dự án nói trên.
Tìm hiểu được biết, sau khi được giao đất, Công ty Đông Hồi đã ký hợp đồng hợp tác kinh tế số 02/2019/HĐHTKT/ML – ĐH hợp tác kinh doanh với Công ty Minh Long dưới hình thức góp vốn bằng mặt bằng đất và tính pháp nhân của dự án được cấp phép đầu tư, thời hạn hợp đồng đến năm 2030. Theo đó, Công ty Minh Long sẽ trả cho Công ty Đông Hồi lợi tức từ 150.000.000 đến 200.000.000/năm theo từng giai đoạn cụ thể trong hợp đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, Công ty Đông Hồi không được quyền can thiệp, không được giám sát, không được bàn bạc, trao đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Minh Long đang thực hiện trên dự án.
Trong khi đó, tại Khoản 1, điều 4 HĐ thuê đất số 09/HĐTĐ- KKT ngày 27/5/2019 giữa Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và công ty Đông Hồi đã quy định cụ thể: “Bên cho thuê đất đảm bảo việc sử dụng đất của bên thuê đất trong thời gian thực hiện hợp đồng, không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất trên cho bên thứ ba”. Vì thế, Công ty Đông Hồi không có quyền sử dụng đất được giao để góp vốn đầu tư kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào.
Cũng theo mục tiêu của dự án, Công ty Đông Hồi chỉ được sản xuất gỗ dăm khô để phục vụ cho hoạt động sản xuất viên nén gỗ và cung cấp cho các đơn vị thu mua sản xuất giấy trên địa bàn trong nước chứ không được được sản xuất gỗ dăm khô để nhằm mục đích trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài. Thế nhưng theo hợp đồng kinh tế số 02/2019/HĐHTKT/ML – ĐH thì công ty Đông Hồi đã đứng ra để đảm bảo tính pháp nhân cho Công ty Minh Long thực hiện kinh doanh sản xuất và tiêu thụ gỗ dăm không đúng quy định đầu tư tại dự án.
Cụ thể, tại công văn số 1037/CV – CAHM của Công an thị xã Hoàng Mai gửi Ủy ban thị xã Hoàng Mai về báo cáo kết quả đều tra xác minh tại Dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu của công ty Phát triển Đông Hồi ghi rõ: Ngày 19/06/2022, Công ty Minh Long vẫn lấy gỗ dăm khô sản xuất được từ xưởng chế biến gỗ tại dự án ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai để vận chuyển xuống tàu thủy tại cảng Quốc tế Nghi Sơn nhằm mục đích xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng thời, cũng tại công văn trên của Công an thị xã Hoàng Mai cho biết, hiện nay các hạng mục đã xây dựng và lắp ráp tại dự án của Công ty Đông Hồi chưa được khu kinh tế Đông Nam nghiệm thu và vẫn trong giai đoạn vận hành thử máy móc thiết bị nhưng tại đây, công ty Minh Long đã vận hành sản xuất hàng chục nghìn tấn gỗ dăm để đưa đi tiêu thụ.
Làm việc với Phòng TN&MT thị xã Hoàng mai về vấn đề này, PV được cung cấp cac tài liệu liên quan. Trên cơ sở những tài liệu có được cho thấy, Hợp đồng kinh tế giữa Công ty Minh Long với Công ty Phát triển Đông Hồi thực chất là dùng đất dự án để cho thuê, thu lợi bất hợp pháp.
Hoạt động trái phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính
Như đã nói ở trên, theo hợp đồng thuê đất số 09/HĐTĐ- KKT ngày 27/5/2019 giữa Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và công ty Đông Hồi thì Công ty Minh Long không được phép xây dựng nhà xưởng và tổ chức sản xuất kinh doanh trên khu đất hiện tại ở xã Quỳnh Lập. Thế nhưng dưới hình thức hợp tác đầu tư trái quy định với Công ty Đông Hồi, Công ty Minh Long đã ngang nhiên xây dựng nhà xưởng băm dăm trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất.
Theo quan sát của PV, xưởng băm dăm có diện tích khoảng 1.500m2, các máy băm dăm đang hoạt động, hàng chục tấn dăm gỗ đã và đang được băm sẵn, chất đống, sẵn sàng chờ xe đễn vận chuyển đi tiêu thụ. Nhà xưởng nhếch nhác, không đảm bảo an toàn lao động, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không có biện pháp xử lý chất thải.
Đồng thời, theo biên bản làm việc ngày 22/6/2022 giữa Công an thị xã Hoàng Mai và Công ty Đông Hồi thì dù hoạt động trên tư cách pháp nhân của Công ty Đông Hồi nhưng Công ty Minh Long cũng không thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua Công ty Đông Hồi. Như vậy, tính từ thời gian thực hiện hợp đồng thuê đất đến thời điểm hiện tại, Công ty Minh Long đã núp dưới vỏ bọc Dự án của Công ty Đông Hồi để thực hiện băm dăm trái phép suốt 3 năm với công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Vấn đề này khiến dư luận đặt ra là tại sao một dự án thực hiện trái quy định, hoạt động trái phép, vi phạm trên nhiều lĩnh vực lại có thể tồn tại nhiều năm liền như vậy?
Theo đánh giá và kỳ vọng của ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, Dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu của công ty Phát triển Đông Hồi là một dự án mang nhiều kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho con em địa trên địa bàn xã. Tuy nhiên do nhà đầu tư không thực hiện đúng chủ trương đầu tư nên đã gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính về đất đai, tài nguyên, môi trường tại địa phương. Khu vực đất mà công ty được giao có địa thế đẹp, thuận lợi về mọi mặt, vì thế chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý những vấn đề còn tồn tại và đầu tư xây dựng dự án một cách bài bản, đúng với quy hoạch ban đầu.
“Mới đây đã có cuộc kiểm tra, lập biên bản đối với các hành vi phạm và thị xã đã yêu cầu Công ty Đông Hồi dừng các họat động vi phạm tại dự án, đề nghị Điện lực Quỳnh Lưu ngừng cấp điện cho xưởng chế biến gỗ của Công ty Minh Long” – ông Nho cho biết thêm.
Thế nhưng, tại thời điểm PV có mặt (ngày 04/8/2022), xưởng băm dăm gỗ của Công ty Minh Long vẫn hoạt động bình thường, các máy băm vẫn chạy rầm rầm mà không gặp bất kỳ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Lâm Ngọc
Link gốc: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phapluat/nghe-an-dung-dat-du-an-de-dau-tu-kinh-doanh-trai-quy-dinh-a548099.html