52 dự án tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn ở Nghệ An buộc phải thu hồi
Cùng với việc liên tiếp phát văn bản đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hiện trên địa bàn Nghệ An đang có 52 dự án tạm ứng vốn quá hạn.
Trước tình trạng này, vào ngày 14/7/2023, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, phát đi văn bản yêu cầu các Sở, ngành có liên quan khẩn trương thống kê chi tiết, ấn định thời gian thực hiện thu hồi nguồn vốn tạm ứng đầu tư đối với các dự án thực hiện trươc đó đã quá hạn để thu hồi nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.
Nhan nhản cơ quan chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn còn có 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân kịp thời gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn vẫn còn 16 đơn vị được giao làm chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công gồm: Công ty TNHH thủy lợi Tân Kỳ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Chi cục phát triển nông thôn, Trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Đô Lương 3, Trường THPT Thanh Chương 3, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương.
Cũng theo thống kê, tính đến ngày 10/5/2023, hiện Nghệ An có 16 đơn vị thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công ở mức 16,22% (dưới mức trung bình so với kế hoạch đặt ra), gồm: Quế Phong (12,43%), Nam Đàn (11,62%), Anh Sơn (10,59%), Con Cuông (10,32%), Hoàng Mai (9,03%), Thái Hòa (0,35%), Quỳnh Lưu (1,11%)…
Đáng quan tâm, nhiều đơn vị thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở từ 1,17% đến 15,92% như: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Nhiều đơn vị, chủ đầu tư thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt chỉ tiêu so với cam kết theo kế hoạch đặt ra.
Để chấn chỉnh tình trạng này, vào ngày 17/5/2023, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ký văn bản số 3763/UBND-KT chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trực tiếp “điểm danh” các đơn vị chưa thực hiện, chậm triển khai vấn đề này và có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu cần phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án để hạn chế việc điều chỉnh dự án, làm chậm tiến độ thực hiện; lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp đủ năng lực, điều kiện và trách nhiệm để thực hiện dự án; phấn đấu đến hết tháng 5/2023 không còn tình trạng dự án chưa giải ngân…
“Trường hợp dự kiến không giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao, có văn bản đề xuất cắt giảm để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển; các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư phải quán triệt yêu cầu này, tuyệt đối không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được cũng được UBND tỉnh Nghệ An đốc thúc, yêu cầu thực hiện”, ông Lê Hồng Vinh chỉ đạo.
Xử lý 52 dự án tạm ứng nguồn vốn đầu tư công quá hạn
Tiếp tục các vấn đề liên quan đến thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, vào ngày 14/7/2023, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, phát đi văn bản yêu cầu các Sở, ngành có liên quan khẩn trương thống kê chi tiết, ấn định thời gian thực hiện thu hồi nguồn vốn tạm ứng đầu tư đối với các dự án thực hiện trươc đó.
Ông Bùi Thanh An chỉ đạo phải Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải thực hiện rà soát các dự án, công trình có số dư tạm ứng quá hạn kéo dài khi hợp đồng xây dựng không còn hiệu lực, thời gian thực hiện hợp đồng đã chấm dứt mà nguyên nhân là do nhà thầu đã sử dụng vốn tạm ứng nhưng việc sử dụng không đúng mục đích, chưa có khối lượng để thanh toán hoàn trả tạm ứng, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền chuyển sang cơ quan pháp luật để xử lý.
Đặc biệt, các dự án đền bù giải phóng mặt bằng có số dư tạm ứng quá hạn kéo dài do vướng mắc về cơ chế, thủ tục hồ sơ chưa thanh toán thu hồi được thì thực hiện nộp trả về tài khoản tiền gửi chủ đầu tư hoặc nộp hoàn trả cho ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Cùng với đó, đối với các chủ đầu tư có dự án nợ tạm ứng quá hạn, dư nợ tạm ứng quá hạn khó có khả năng thu hồi do nhà thầu phá sản, dư nợ tạm ứng quá hạn đối với dự án do đình hoãn không thực hiện được; dư nợ tạm ứng quá hạn đối với dự án do ban quản lý dự án giải thể, ông Bùi Thanh An yêu cầu các Chủ đầu tư có giải pháp quyết liệt để thu hồi tạm ứng, tạm ứng quá hạn theo quy định của pháp luật bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật về dân sự để bảo vệ quyền lợi của nhà nước.
UBND tỉnh Nghệ An cũng thống kê hiện nay còn có 52 dự án tạm ứng chi phí quản lý dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2017 với số tiền phải hoàn tạm ứng 8.031.902.850 đồng. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp với cơ quan Kho bạc nhà nước thực hiện hoàn tạm ứng số tiền nói trên trước ngày 31/12/2023.
Để chấn chỉnh những tồn tại này, ông Bùi Thanh An yêu cầu Sở Nội vụ rà soát, tổng hợp, không tham mưu UBND tỉnh xem xét, khen thưởng hàng năm đối với tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến nguyên nhân chậm thu hồi tạm ứng quá hạn nêu trên.
Theo Ngọc Thái
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/52-du-an-tam-ung-von-dau-tu-cong-qua-han-o-nghe-an-bi-buoc-phai-thu-hoi-247612.html