10 sự kiện, vấn đề nổi bật năm 2023
Nhìn lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật năm 2023 do báo Tiền Phong bình chọn
1. Những dấu ấn ngoại giao lịch sử
Chưa năm nào hoạt động đối ngoại được tiến hành ở cấp cao dày đặc như năm 2023. Các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã thực hiện 45 chuyến công du nước ngoài, đón gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trải rộng trên tất cả đối tác, các nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống, những khu vực mà Việt Nam có quan hệ lâu nay, đồng thời đạt được bước đột phá sang cả khu vực mới như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin.
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 9, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam vào tháng 12, hai bên nhất trí ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” và ký 36 văn kiện hợp tác. Khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản cuối tháng 11, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại có ý nghĩa lịch sử trong năm 2023 cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Các đối tác, các nước lớn đều coi trọng Việt Nam, coi trọng tiếng nói, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.
Đó là minh chứng rõ rệt nhất cho việc đối ngoại đã và đang triển khai rất hiệu quả các định hướng đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, nhằm đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định, thu hút các nguồn lực cần thiết cho phát triển đất nước.
2. Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng khu vực và toàn cầu khi tăng trưởng ổn định; khánh thành nhiều dự án – công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Năm 2023 tăng trưởng kinh tế Việt Nam cập bến thành công đạt con số ấn tượng trên 5% – đưa GDP Việt Nam vào vị trí đứng cao thứ hai khu vực châu Á và top 5 thế giới. Kì tích này có được phải kể đến sự nỗ lực, quyết liệt trong điều hành của Chính phủ và quyết tâm thực hiện cho bằng được chỉ tiêu của các bộ ngành, địa phương. Với thế “chân kiềng” tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã ghi thành tích vượt trội khi vốn FDI đăng kí lên tới hơn 36 tỷ USD, giải ngân dòng vốn này cũng ở mức cao chưa từng có hơn 23 tỷ USD trong đó những đầu tàu dẫn đầu phải kể đến là TP Hồ Chí Minh. Xuất khẩu nông thủy sản lần thứ hai cán đích 54 tỷ USD.
Năm 2023, đầu tư công thực sự ghi điểm trong nỗ lực kéo đoàn tàu tăng trưởng. Theo đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) ghi dấu ấn với 9 cao tốc và 2 sân bay mở rộng đưa vào khai thác, khởi công nhiều dự án khác, với tổng vốn đầu tư công bố trí trong năm nhiều nhất từ trước tới nay lên tới 95.000 tỷ đồng. Trong năm, nhiều dự án giao thông lớn cũng được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2025-2026, như: Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TPHCM; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; nhà ga và đường băng sân bay Long Thành (Đồng Nai); nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
3. Kiện toàn nhân sự, những kỳ họp bất thường đã trở nên bình thường
Ngày 2/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, Quốc hội cũng đã tổ chức các kỳ họp bất thường để miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối ông Nguyễn Xuân Phúc; miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng và ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2023, Quốc hội cũng ban hành một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực, như: Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; thảo luận lần đầu đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá cho Hà Nội.
4. Tiếp tục siết kỷ luật, kỷ cương trong Đảng
Năm 2023, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận được các cơ quan chức năng làm rõ, qua đó đã xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí khởi tố, bắt tạm giam đối với một số cán bộ diện Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương. Đồng thời nhiều cán bộ cấp cao cũng chịu trách nhiệm chính trị và thôi các chức vụ.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Trong năm, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc này giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng cán bộ.
5. Nhiều dấu ấn trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới xếp Việt Nam hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, tăng 2 bậc so với năm 2022, đồng thời là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Năm qua, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới. Trong đó Amkor Technology (có trụ sở tại Hoa Kỳ) khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc quyết định lựa chọn Bắc Ninh là nơi xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD. Nhiều ký kết, hợp tác liên quan đến đầu tư, đào tạo nhân lực về bán dẫn cũng được thực hiện.
Cuối năm 2023, giới khoa học trong nước đón tin vui khi GS Võ Tòng Xuân trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại VinFuture – giải thưởng khoa học và công nghệ giá trị nhất hành tinh. Ông cùng đồng nghiệp của mình, GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) được vinh danh nhờ những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới.
6. Năm bùng nổ các hoạt động của tuổi trẻ cả nước
Năm 2023 là năm đầy sôi động của tuổi trẻ cả nước, ghi dấu ấn với việc tổ chức Đoàn, Hội, Đội triển khai nhiều chương trình, hoạt động quy mô, có độ lan toả sâu rộng như: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên cả nước; Ban Bí thư T.Ư Đoàn và tập thể lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Đoàn, Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội SVVN, Hội đồng Đội T.Ư cùng đăng đàn trao đổi, chia sẻ và giải đáp các vấn đề của đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước tại diễn đàn “Tiếng nói của trẻ – Hành động của Đoàn”; cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”; Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII; Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I; Kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”…
Trong chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi đó, nổi bật là ĐH Sinh viên các cấp, đặc biệt là ĐH đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đại hội diễn ra từ ngày 18 – 20/12, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 695 đại biểu tiêu biểu đại diện cho tinh hoa, trí tuệ của hơn 2,1 triệu SVVN trong và ngoài nước. ĐH ứng dụng triệt để công nghệ số phù hợp với chủ đề công tác năm “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Với khẩu hiệu hành động: “Sinh viên Việt Nam Vững bản sắc – Giàu khát vọng – Kiến tạo tương lai – Dựng xây đất nước”. Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN khoá X tiếp tục được tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch T.Ư Hội SVVN khoá XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên trọng thể ĐH, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm nhiều tin yêu, kỳ vọng và khẳng định, sinh viên là nhân tố quyết định thịnh suy của quốc gia trong tương lai.
7. Thủ tướng chủ trì Hội nghị đầu tiên về Phát triển các Ngành công nghiệp Văn hóa Việt Nam
Sau 7 năm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì “hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết liệt chỉ đạo bộ, ngành nghiên cứu gói tín dụng 20-30 nghìn tỷ đồng cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Năm 2023 cũng được xem là dấu mốc, bước tiến cho phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, với hàng chục sự kiện biểu diễn có ngôi sao quốc tế đình đám đổ bộ mà nổi bật là nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink. Trong hai đêm diễn của BlackPink vào ngày 29 và 30/7 tại sân vận động Mỹ Đình hút gần 68 nghìn khán giả, lập kỷ lục là đêm nhạc có doanh thu và số người tham dự cao nhất lịch sử Việt Nam.
Công nghiệp biểu diễn Việt Nam – một trong số lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp văn hóa Việt Nam- cũng có cú hích đáng lưu tâm, trong đó phải kể đến sự thành công vang dội của bài hát và điệu nhảy See tình (DTAP sáng tác), nối dài danh sách những ca khúc Việt vươn tầm thế giới vài năm trước đó. Những sản phẩm này vừa lan tỏa sâu rộng văn hóa Việt ở tầm quốc tế, vừa mở ra cơ hội xuất khẩu công nghiệp văn hóa trong tương lai gần.
8. Phanh phui, xét xử nhiều đại án
Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả to lớn. Với phương châm “không có vùng cấm”, không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, nổi bật, thu hút sự chú ý và nhận được sự ủng hộ đồng tình của dư luận.
Điển hình như: Điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm; phanh phui vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và việc nữ đại gia Trương Mỹ Lan dùng hơn 5 triệu USD để hối lộ 18 thành viên đoàn thanh tra, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay; kết thúc điều tra vụ án Chủ tịch Tân Hoàng Minh, cựu Chủ tịch FLC; Truy tố các bị cáo trong vụ Công ty Việt Á “thổi giá” kit test; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đại án “Chuyến bay giải cứu”…
Trong năm 2023, tòa án các cấp đã đưa các vụ án liên quan Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan ra xét xử. Việc xét xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) về các tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thể hiện quyết tâm trong phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
9. Trấn áp phần tử khủng bố, đảm bảo bình yên cho nhân dân
Ngày 11/6, một nhóm khủng bố có vũ trang đồng loạt tấn công 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Vụ khủng bố làm 9 người thiệt mạng, nhiều tài sản khác bị đốt phá. Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo truy quét. Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 91 bị can về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm”, “Che giấu tội phạm” và “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Hiện cơ quan điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt thêm 6 nghi can.
Đến nay, công an cũng đã thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo vụ tấn công khủng bố.
10. Thể thao Việt Nam chật vật tìm hướng đi
Năm 2023 được xem là khá thành công với thể thao Việt Nam khi đội tuyển bóng đá nữ lần đầu tiên hiện diện ở đấu trường thế giới khi ra trận ở World Cup nữ 2023, sánh vai cùng nhà vô địch Mỹ và á quân Hà Lan. Bên cạnh đó là thành công của Đoàn TTVN tại SEA Games 32, lần đầu tiên giành vị trí nhất toàn đoàn tại một kỳ Đại hội tổ chức bên ngoài lãnh thổ.
Tuy nhiên, muốn hướng ra đấu trường châu lục và thế giới nhưng thể thao Việt Nam vẫn chật vật tìm hướng đi do thiếu nguồn lực cả về vật chất, con người. Tại Asiad 19 (Hàng Châu, Trung Quốc), kết quả của đoàn thể thao Việt Nam không được như mong đợi. Các môn trọng điểm đầu tư hướng tới Asiad và Olympic đều sa sút, điển hình là điền kinh và bơi lội.
Ngành thể thao vừa qua đã tiến hành 2 cuộc hội nghị nhằm xác định chiến lược phát triển, giải pháp và hướng đi cho thể thao thành tích cao giai đoạn phía trước. Nhiều vấn đề đã được chỉ ra, tuy nhiên các giải pháp còn chung chung, bị đánh giá có thể đi vào lối mòn.