Yên Thành cần phải kết hợp cả hai nguồn lực trong và ngoài để làm giàu

Có nguồn lực lớn từ lao động nước ngoài nhưng Yên Thành vẫn không quên xu thế phải làm giàu trên chính đất quê hương, ông Nguyễn Quý Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Thành nhấn mạnh.

Nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu

Ông có thể phác thảo đôi nét về kinh tế – xã hội của huyện Yên Thành?

Yên Thành là huyện trọng điểm nông nghiệp của Nghệ An, từ xưa đến nay vẫn được coi là huyện lúa với người dân hiền lành, cần cù và sáng tạo. Chúng tôi đang khai thác các thế mạnh về nông nghiệp, xem nông nghiệp là mũi nhọn bên cạnh việc thu hút các nguồn lực khác, các doanh nghiệp vào đầu tư.

Tỉnh Nghệ An đã đồng ý với Yên Thành hai đề án là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông thôn mới nâng cao đến năm 2025, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030. Đây là hai đề án có tính xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế xã hội của Yên Thành thời gian tới, được lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo. Liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Yên Thành là một huyện đi đầu của tỉnh.

Nông nghiệp đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đó là giúp làm cho nông thôn cũng có thu nhập cao bằng việc thúc đẩy các sản phẩm hàng hóa, có thế mạnh của địa phương, gắn với OCOP. Đến thời điểm hiện nay huyện Yên Thành đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó 2 OCOP 4 sao, 26 OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Quý Linh – Bí thư Huyện ủy Yên Thành: “Nông nghiệp có thể làm giàu”. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi tăng cường nâng cao chất lượng của các HTX. Một số HTX như Thọ Thành, Minh Thành có những nét nổi bật, phát huy rất tốt vai trò kinh tế tập thể. Đối với từng nhóm sản phẩm, Yên Thành đang tập trung trước tiên cho cây lúa, nâng cao giá trị thông qua đổi mới cơ cấu giống có năng suất, chất lượng cao, gắn với doanh nghiệp tham gia liên kết để thu mua và chế biến. Hiện nhà máy gạo của TH trên địa bàn đã bắt đầu vận hành, xây dựng vùng nguyên liệu.

Với các cây trồng khác, có thể nói cây ăn quả có múi vẫn đang là một lợi thế, được huyện đẩy mạnh như vùng cam Đông Thành, Minh Thành, vùng bưởi Xuân Thành. Nếu như trước đây nhắc đến Nghệ An người ta nói đến cam Quỳ Hợp thì bây giờ cứ phải nói đến cam Đông Thành. Trong lĩnh vực chăn nuôi có các vùng sản xuất gà thịt ở Quang Thành, Tây Thành, vùng nuôi ốc bươu đen ở Đức Thành, vùng nuôi lươn và chế biến lươn ở Long Thành.

Nhiều người vẫn quan niệm nông nghiệp là nghèo nên khi họ làm lãnh đạo địa phương đều muốn kéo công nghiệp, dịch vụ về, muốn giảm tỷ lệ nông nghiệp xuống, quan điểm của huyện Yên Thành thế nào thưa ông?

Rõ ràng trong phát triển kinh tế phải thể hiện tính đồng bộ, đối với Yên Thành có đông nông dân thì nông nghiệp vẫn phải củng cố để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập. Tuy nhiên bên cạnh đó có một thực tế diễn ra là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải tổ chức cho nông dân tham gia các khu công nghiệp, nhà máy. Trong thực tế vừa qua bà con trong huyện đi các vùng trong cả nước rất nhiều. Sau Covid-19 chúng tôi thống kê vào khoảng 30.000 lao động đang ở các tỉnh, bằng 1/10 dân số.

Việc thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn là điều cần thiết để bà con ly nông mà không ly hương. Vừa rồi huyện đã tập trung kêu gọi đầu tư, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, đồng thời kêu gọi những doanh nghiệp công nghệ cao vào các cụm công nghiệp. Xu thế bây giờ phải như vậy.

Ốc bươu đen giúp nhiều người ở xã Đức Thành xây được nhà, giữ được đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ai cũng nhắc đến khía cạnh an sinh xã hội của nông nghiệp nhưng liệu có khả năng nào làm giàu từ nông nghiệp không thưa ông?

Có chứ, hiện Yên Thành có nhiều sản phẩm nông nghiệp đem lại thu nhập cao. Nhiều phóng viên cũng như các đoàn cán bộ nông nghiệp về đây cũng ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng thu nhập nông nghiệp lại cao như thế. Đó là những vùng nuôi ốc bươu đen ở xã Đức Thành, những vùng chăn nuôi lươn, chế biến lươn ở xã Long Thành hay những sản phẩm đạt OCOP thông qua chế biến sâu tại Tân Thành.

Ngoài sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo đề án của tỉnh, Yên Thành đã đưa nhanh công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và nhất là giới thiệu quảng bá sản phẩm, chứ không còn là sản xuất thô nữa. Bây giờ sản xuất nông nghiệp phải hướng tới yếu tố giá trị, không còn cách nào khác bởi việc tăng năng suất cũng phải đến lúc dừng.

Mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Long Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông về huyện nhận nhiệm vụ được bao lâu rồi và với con mắt của một cán bộ chỉ đạo nông nghiệp có bị ngỡ ngàng trước những mô hình nông nghiệp này không bởi ở khía cạnh nào đó họ còn giỏi hơn cả cán bộ?

Tôi về huyện Yên Thành được hơn 3 năm rồi và thấy kiến thức, khả năng sáng tạo của nông dân là vô hạn. Có những sáng tạo của người dân đi trước, đón đầu. Cũng không thể phủ nhận được vai trò của nhà khoa học, của các cơ quan trong ngành nông nghiệp đối với việc nâng cao nhận thức cho bà con. Tuy nhiên thực tế thì bản thân trong dân có rất nhiều các điểm sáng chủ động tìm tòi, lựa chọn giải pháp để tổ chức sản xuất.

Ví dụ tại xã Đức Thành có những nông dân mày mò tìm ra công nghệ nuôi ốc bươu đen, tạo được ốc đẻ và bán được. Tôi về đó, nói với họ các anh có mô hình tốt rồi, hiệu quả cao rồi, góp phần nâng cao thu nhập cho dân trong xóm rồi, còn những việc còn lại, đề nghị các anh thành lập tổ hợp tác hay HTX để giúp nhau. Bà con cần phải có thêm nguồn lực và có thêm những người hợp tác để chế biến sâu. Hay doanh nghiệp như Công ty Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa ở xã Vĩnh Thành chọn tạo giống lúa rất sáng tạo.

Vai trò chính quyền trong liên kết

Tôi hình dung hiện nay những nông hộ giống như những củ khoai tây trong một bao tải, nghĩa là giữ bí quyết làm giàu không chia sẻ với người khác, thiếu tính hợp tác với nhau, nếu có liên kết cũng rất lỏng lẻo. Vậy vai trò của chính quyền thế nào trong việc phá đi thế cục bộ đó?

Có những điển hình cho sự lỏng lẻo, thiếu liên kết của nông dân nhưng ngược lại cũng có những điển hình nông dân chủ động, liên kết với nhau. Điển hình cho sự thiếu liên kết, có cái mà tôi cũng như các lãnh đạo huyện đang băn khoăn nhất đó là đối với địa bàn giàu truyền thống sản xuất lúa gạo như Yên Thành làm thế nào xây dựng được một thương hiệu chung. Trước đây rõ ràng rất khó cho việc liên kết nông dân lại để tổ chức sản xuất cùng một giống, xây dựng thương hiệu.

Nhu cầu đó là chính đáng với một huyện lớn về lúa gạo như Yên Thành. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, các HTX, các tổ chức chưa thực hiện việc đó được, dẫn đến hiện vẫn chưa thực sự có những sản phẩm có thương hiệu. Sắp tới, chúng tôi hình dung ra việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo như TH và một số doanh nghiệp khác cùng với các HTX.

Anh Nguyễn Minh Thao – chủ một cơ sở chế biến lươn nổi tiếng ở xã Long Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điển hình cho sự liên kết mạnh có tổ hợp tác nuôi ốc bươu đen ở xã Đức Thành. Chỉ từ một nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trong quá trình thuê ruộng mở rộng, anh sẵn sàng chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm nuôi cũng như bán giống cho các hộ khác, hình thành nên cả vùng hàng chục ha cùng nuôi. Mô hình đó có lợi ích kép, vừa cho cá nhân vừa cho cả cộng đồng. Hay liên kết tạo ra các sản phẩm cam ở xã Đông Thành, trước chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, vài doanh nghiệp, cá nhân thuê đất trồng cam nay đã thành lập HTX, xây dựng được thương hiệu cam Vinh.

Chính vì vậy có những thời điểm cam Quỳ Hợp chỉ 15.000 đồng/kg nhưng cam Đông Thành bán tại vườn vẫn 40.000 đồng/kg. Không gì hơn việc nông dân tự đến với nhau, tự liên kết với nhau, tất nhiên cũng có sự tác động của cơ quan Nhà nước nhưng phải khẳng định rằng họ đến với nhau bằng sự tự nguyện, sự tin tưởng, sự đồng lòng đóng góp xây dựng thương hiệu.

Ở đâu có vai trò rõ nét nhất của chính quyền trong những mô hình ông vừa kể bởi tôi nghe như vậy, phải chăng chủ yếu là do nông dân họ tự nâng cao trình độ, quy mô sản xuất, liên kết?

Quay trở lại mô hình nuôi lươn không bùn không chỉ bắt nguồn từ vai trò của nông dân mà mô hình đó chính là của Nhà nước thông qua hoạt động khuyến nông, thông qua hoạt động chuyển giao.  Trên cơ sở đó bà con nhận thấy nó thực sự có hiệu quả, qua các hội thảo mà nhân rộng ra thành các vùng nuôi lươn không bùn. Tôi nêu những điển hình để thể hiện nỗ lực, quyết tâm của các cá nhân còn vẫn nói từ đầu rằng không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vai trò đó là chủ lực.

Kể cả như mô hình nuôi ốc bươu đen ở xã Đức Thành khi nông dân chủ động chia sẻ kiến thức với nhau nhưng vai trò của Nhà nước cũng có chứ. Nhà nước tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi các vùng đất để tổ chức sản xuất hiệu quả hay góp phần quảng bá sản phẩm, hoặc đưa các doanh nghiệp, cá nhân ngoài huyện về tham quan và mua giống. Từ đó họ mới có thể mở rộng sản xuất.

Chế biến lươn đã thành ngành nông nghiệp có khói ở xã Long Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi cũng là một người gốc Nghệ, nhận thấy rằng xưa người Nghệ có khát vọng bươn ra ngoài tỉnh để thoát nghèo. Vậy suy ra từ huyện Yên Thành hôm nay mà nhìn rộng ra, khát vọng làm giàu ở trong huyện hay ngoài huyện là chính thưa ông?

Tôi cho rằng trong quá trình phát triển Yên Thành cũng không nằm ngoài hai xu thế. Người dân Yên Thành rất cần cù, nỗ lực và biết làm kinh tế nên có những vùng đang đi xuất khẩu lao động rất nhiều, thông qua đó cũng tạo nguồn lực cho huyện.

Yên Thành hiện là địa phương có nguồn lực rất lớn từ lao động nước ngoài nhưng tất nhiên kéo theo cũng có những hệ lụy như việc chăm sóc con cái, việc tan vỡ gia đình…

Nhưng xu thế thứ hai là làm giàu trên đất quê hương, hiện đang phát triển mạnh. Như vậy phải kết hợp tất cả các yếu tố để nâng cao nguồn lực cho quê hương chứ không chỉ riêng một yếu tố nào.

Xin cảm ơn ông!

Đối với sản xuất nông nghiệp, vụ xuân vừa qua Yên Thành đạt kỷ lục về năng suất, trên 7 tấn/ha, về giá trị khi liên kết đạt cao hơn là sản xuất nhỏ lẻ. Có những vùng khi vụ xuân thắng lợi thì nông dân bỏ vụ mùa nhưng nông dân Yên Thành thì không.

Theo Dương Đình Tường

Link gốc: https://nongnghiep.vn/yen-thanh-can-phai-ket-hop-ca-hai-nguon-luc-trong-va-ngoai-de-lam-giau-d356386.html