Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu – Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?
Trước hàng loạt các lùm xùm tiêu cực xảy ra trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần bỏ Quỹ bình ổn khi xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…
Theo đó, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, đáng nói, việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục là vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là trong thời gian ngắn vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố và đang điều tra hàng loạt các sai phạm trong hoạt động về trích lập, quản lý, sử dụng và có dấu hiệu chiếm đoạt những số tiền rất lớn liên quan đến Quỹ này.
Chưa kể, tại Kết luận thanh tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc gồm: 38 thương nhân đầu mối; 2 thương nhân đầu mối sản xuất; 341 thương nhân phân phối; 18 tổng đại lý; 312 đại lý và 17.449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu… Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những bất cập trong trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ này.
Nhìn nhận về thực tế đã nêu và góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia thương mại – Vũ Vinh Phú cho rằng, không chờ đến kết luận thanh tra, chúng ta mới thấy sự bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trước đó, dư luận có rất nhiều ý kiến về sự bất cập này nhưng, dường như các cơ quan quản lý không quan tâm, hay nói đúng hơn là “phớt lờ” để cho sai phạm xảy ra.
Theo ông Phú, Quỹ bình ổn giá chứa nhiều rủi ro và quan trọng hơn đã “hết phép” nhất là khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống hằng tuần, sát với giá thế giới hơn.
“Thời gian qua, nhiều ý kiến đánh giá Quỹ này hoạt động không hiệu quả, phải có giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu, thay vì để tiền trong Quỹ rồi điều hành như hiện nay. Lý thuyết thương mại hiện đại cho rằng, lưu thông mà không có dự trữ thì coi như không lưu thông. Cả nước 20 triệu tấn xăng dầu một năm mà dự trữ có 7 ngày là không đủ, phải dự trữ ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Ở một số quốc gia, dự trữ xăng dầu thậm chí còn có lãi khi thấp mua vào, cao bán ra. Dự trữ không phải khóa kho xăng dầu mà giao cho đơn vị hạch toán kinh tế, mua vào, bán ra luân chuyển, đảm bảo chất lượng”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú bày tỏ.
Cũng theo vị chuyên gia này, phải thiết lập thị trường xăng dầu lại, doanh nghiệp tự chủ hạch toán, lời ăn lỗ chịu, tự do lựa chọn đối tác mua – bán, thậm chí phải cho đơn vị bán lẻ quyết định giá. Đặc biệt, phải sớm có “cuộc cách mạng về hệ thống phân phối xăng dầu”, trong đó, cắt bớt đầu mối trung gian, đi thẳng từ cung cấp hàng hóa đến bán lẻ, chứ không phải tầng lớp như hiện nay và định đoạt chi phí.
Bên cạnh đó, nên chuyển dự trữ sang bằng hiện vật và Nhà nước chỉ quản lý chất lượng hàng hóa, cạnh tranh bình đẳng, còn lại thì giao cho một bộ quản lý để tránh tình trạng “lắm cha, con khó lấy chồng”.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, những bất cập, bất hợp lý liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã thấy rất rõ, nên bãi bỏ hoặc chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu thành nguồn xăng dầu phân phối vào thị trường. Việc dùng xăng dầu để bình ổn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ và ổn định giá cho thị trường, thay vì giao tiền cho một thành phần trong chuỗi cung ứng xăng dầu quản lý.
Nhìn nhận về những bất ổn của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, PGS.TS Phạm Thế Anh – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từng nhận xét, Quỹ này là “sáng tạo riêng của Việt Nam” và đã không đạt được mục đích bình ổn giá. Trong khi các nước chuyển sang dự trữ bằng nguồn xăng dầu, Việt Nam lại dự trữ bằng Quỹ bình ổn giá và những gì xảy ra đến hôm nay là minh chứng cho cảnh báo trước đó rất sớm, nên bỏ quỹ đi và để giá cả vận hành theo thị trường, giải phóng nguồn lực cho xã hội.
“Về cơ bản, Quỹ bình ổn giá không giúp người tiêu dùng giảm chi phí, vẫn hoạt động theo cách thức tiền của người dân ứng trước vào Quỹ và có thể được trả lại vào kỳ điều hành sau, nhằm giảm biến động khi giá tăng. Tuy nhiên, trong thực tế, khi giá dầu thế giới biến động quá cao, việc có Quỹ hay không cũng không có nhiều tác dụng”, PGS.TS Phạm Thế Anh bày tỏ.
Được biết, Quỹ bình ổn giá được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào, nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội. Quỹ bình ổn được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Nhưng thực tế thời gian qua, Quỹ này đã có lúc hoạt động thiếu minh bạch, trích – xả quỹ không theo công thức nào, dẫn đến tạo cơ hội để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính; trong khi tác dụng không rõ ràng.