Vụ doanh nghiệp bị áp thu khoản tiền chậm tiến độ tại Nghệ An: Xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường
Loay hoay tìm hướng giải quyết vấn đề doanh nghiệp bất động sản “kêu cứu” vì bị áp thu khoản tiền chậm tiến độ chưa có kết quả, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm phương án gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp.
Dự án Khu nhà ở tổng hợp Vinhland của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh là một trong những dự án bị Cục Thuế Nghệ An áp thu khoản tiền chậm tiến độ. |
Bị cưỡng chế thuế, doanh nghiệp bất động sản gặp khó
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin: Liên quan đến kiến nghị của một số chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong việc xác định phần diện tích chậm tiến độ, phương án tính toán khoản tiền nộp bổ sung và đối tượng phải đóng tiền chậm tiến độ xây dựng, đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương cùng các Sở, ngành có liên quan giải quyết triệt để.
Cụ thể, nhiều dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Dự án của Công ty Cổ phần Danatol tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh; dự án của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh; dự án của Công ty TNHH Thành Thái Thịnh tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh… sau khi xây dựng xong công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chủ đầu tư hoàn thiện phần thô một số hạng mục nhà ở thấp tầng.
Đối với phần đất nhà ở thấp tầng, đã được cấp thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo hình thức phân lô bán nền theo quy định của pháp luật hiện hành để hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, thì các trường hợp trên đã hoàn thành thủ tục, nghĩa vụ tài chính và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thống kê đã cho thấy rõ điều đó, điển hình như: Dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh do Công ty Cổ phần Danatol làm chủ đầu tư, đã xây dựng xong 371/576 căn nhà ở thấp tầng và các hạng mục khác, hiện còn 1 nhà văn hóa với diện tích 1.223,23m2 và 236 nhà ở thấp tầng với diện tích 27.946,91m2 chưa xây dựng; Dự án Khu nhà ở tổng hợp Vinhland của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh đã chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 229 hộ gia đình cá nhân với diện tích 34.811,4m2…
Cụ thể, việc xác định phần diện tích đất chậm đưa vào sử dụng và chủ thể nào phải nộp… khiến các doanh nghiệp phải đối mặt trước nguy cơ bị thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định hiện hành mà ngành Thuế đưa ra.
Do đó việc thiệt đơn, thiệt kép về mặt kinh tế là điều khó tránh khỏi vì chủ đầu tư vừa mất doanh thu, uy tín, hình ảnh bị xấu đi, vừa phải nộp thêm một số khoản thuế mà các doanh nghiệp cho rằng đáng nhẽ không phải chi trả. Không những thế, khi UBND tỉnh Nghệ An đang tiếp nhận, tìm hướng giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp thì Cục Thuế lại liên tục phát văn bản, yêu cầu các doanh nghiệp nộp thu khoản tiền chậm tiến độ. Khi các doanh nghiệp không thực hiện nộp đúng thời hạn yêu cầu, sẽ bị nhận “tráp” cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản ngay, dù UBND tỉnh Nghệ An đang gỡ vướng cho doanh nghiệp về vấn đề này.
Ông Trần Xuân Dương – Trưởng Phòng Kỹ thuật dự án, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Công ty Sài Gòn Land và các doanh nghiệp đang thực hiện kiến nghị UBND tỉnh và các Sở, ngành xem xét vướng mắc về việc phải nộp số tiền bổ sung trong thời gian gia hạn dự án. Các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang lúng túng, chưa có cơ sở để giải quyết, chưa có văn bản thống nhất, hay phương án xử lý nào về vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, trong thời gian qua các cơ quan thuế vẫn liên tục ra các thông báo và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như: Cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn. Điều đó đã gây những ảnh hưởng rất trầm trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, việc cưỡng chế tài khoản gây khó khăn trong việc thanh toán, cũng như thu hồi công nợ khách hàng; công văn cưỡng chế tài khoản gửi đến các ngân hàng khiến đánh giá tín dụng của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sài Gòn Land bị giảm sút. Đồng thời, hạn mức tín dụng cũng bị giảm khiến cho doanh nghiệp khó mở rộng các mối quan hệ tín dụng khác, để làm đòn bẩy cho tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
Việc cưỡng chế hóa đơn khiến cho doanh nghiệp xuất hóa đơn không đúng kỳ, nếu xuất thì phải nộp thuế giá trị gia tăng trên giá trị xuất từ 18-30%, điều này gây ra không ít khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng. Ảnh hưởng đến uy tín của công ty trong các hoạt động.
Ngoài các công văn cưỡng chế gửi đến ngân hàng và cưỡng chế hóa đơn về đơn vị, việc các phương tiện truyền thông đưa tin gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong việc quan hệ đối tác, cũng như sự tin tưởng của khách hàng mua sản phẩm của công ty. Thiệt hại này vô cùng to lớn không thể tính toán được con số cụ thể.
Vì vậy, công ty kính đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sớm làm rõ giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi, đóng góp vào ngân sách thuế của tỉnh nhà”.
Cùng với đó, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản là chủ đầu tư dự án, nằm trong diện bị áp khoản thu chậm tiến độ (xin được dấu tên) cho biết: “Vì vấn đề Cục Thuế áp khoản tiền chậm tiến độ kéo dài, chưa đưa ra được giải pháp cuối cùng đã ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp chúng tôi đã họp bàn và đã có sự đồng thuận với nhau, cùng thống nhất quan điểm là nếu không sớm được giải quyết các vướng mắc, sẽ đồng loạt khởi kiện. Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với các công ty luật sư để củng cố hồ sơ khi cần thiết”.
Tỉnh xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để gỡ vướng
Trước những văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn về việc áp thu khoản tiền chậm tiến độ của Cục Thuế Nghệ An, ngày 22/02/2024, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Công văn số 1269/UBND-CN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, để xin ý kiến về xác định dự án chậm tiến độ và giải quyết vướng mắc trong việc xử lý, đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm về chậm tiến độ.
Dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh do Công ty Cổ phần Danatol làm chủ đầu tư, vừa nhận được văn bản của Cục Thuế Nghệ An yêu cầu nộp bổ sung khoản tiền chậm tiến độ hơn 8 tỷ đồng. |
Theo nội dung văn bản, chính quyền tỉnh bày tỏ quan điểm của địa phương về phương án giải quyết vướng mắc, trong việc xác định diện tích đất chậm đưa vào sử dụng và chủ thể nộp khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian dự án được gia hạn sử dụng đất.
Cụ thể là không tính diện tích các lô đất của dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành việc chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân tự xây dựng nhà ở, khi xác định nghĩa vụ tiền chậm tiến độ và trách nhiệm liên quan khác cho chủ đầu tư dự án.
Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại Điều 170 Luật Đất đai 2013 và quy định pháp luật có liên quan, thì các hộ gia đình cá nhân, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối với việc sử dụng diện tích đất của mình, bao gồm cả việc xây dựng nhà và công trình theo tiến độ của dự án, thực hiện việc nộp phạt nếu vi phạm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, không tính phần diện tích đất của dự án đã hoàn thành việc xây dựng công trình đúng quy hoạch chi tiết, khi xác định số tiền phải nộp do chậm tiến độ cho chủ đầu tư dự án.
Theo đó, qua kiểm tra cho thấy, hiện nay có nhiều dự án chỉ còn một hoặc một vài hạng mục công trình chưa hoàn thành; các phần diện tích đất đã hoàn thành xây dựng công trình đã được đưa vào sử dụng.
Chính vì vậy, nếu xem toàn bộ diện tích đất của dự án chậm tiến độ là “không đưa đất vào sử dụng” để áp dụng xử lý theo điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai, trong đó gồm việc thu tiền chậm tiến độ trên toàn bộ diện tích của dự án, khi được gia hạn là chưa thực sự phù hợp và thiệt thòi cho doanh nghiệp, không đảm bảo công bằng giữa các dự án chậm tiến độ, nhưng có tỷ lệ diện tích hoàn thành xây dựng các công trình theo quy hoạch khác nhau.
Dựa trên quan điểm đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương án giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Trong đó nêu rõ, đối với các dự án đã xây dựng được một số hạng mục, công trình theo bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn lại các hạng mục công trình khác chưa xây dựng, thì đề nghị chỉ xác định phần diện tích chưa xây dựng các hạng mục công trình, theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt là diện tích dự án chưa đưa đất vào sử dụng, để thu khoản tiền chậm tiến độ khi được gia hạn tiến độ sử dụng đất.
Còn đối với các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở khi đã xây dựng xong công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở với thời hạn lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân (kể cả các trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép phân lô bán nền, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở) thì không tính phần diện tích đã chuyển nhượng và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng để tính khoản tiền phải nộp bổ sung, khi gia hạn tiến độ sử dụng đất của dự án cho chủ đầu tư dự án.
Phần diện tích các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này, nếu chưa được xây dựng thì tính cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án.
Hy vọng rằng, với văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng, giúp cho chính quyền Nghệ An nhanh chóng đưa ra giải pháp dứt điểm tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kéo dài suốt mấy năm qua.
Tác giả: Quang Hợp
Nguồn: baoxaydung.com.vn