Việt Nam sẽ thử nghiệm thuốc điều trị ung thư mới trên người

Hiện Việt Nam mới xin thử nghiệm thuốc điều trị ung thư mới ở pha 2, pha 3 (tiến hành được 40 thử nghiệm). Sắp tới, Bệnh viện K xin thử nghiệm ở pha 1 (thử nghiệm trên người) để tăng cơ hội cho những bệnh nhân ung thư đã điều trị hết các phác đồ nhưng không đáp ứng.

Tại Hội thảo ung thư Việt – Pháp “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư” tổ chức vào chiều 2/11 với sự tham dự của 1.000 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, theo thống kê của Globocan (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế), năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư ở Việt Nam là 180.000 trường hợp/năm, làm tử vong 122.000 người. Sau đại dịch COVID-19, người dân đi thăm khám nhiều hơn, số lượng bệnh nhân ung thư cũng tăng lên.

Hiện nay, trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên máy móc vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người bệnh. Trình độ chuyên môn giữa tuyến cơ sở và tuyến trung ương chưa tương đồng, tâm lý người bệnh muốn lên tuyến trên điều trị, đã gây ra tình trạng quá tải.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Bệnh viện K hiện đang trong tình trạng quá tải. Mỗi năm, bệnh viện phẫu thuật cho 26.000 ca, xạ trị cho 17.000 trường hợp, điều trị hoá chất 17.000- 18.000 trường hợp. “Hiện chúng tôi có 6 máy xạ trị, các máy hoạt động 23-24h/ngày, bệnh nhân phải xạ trị cả buổi tối mới hết số lượng. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng lắp thêm máy xạ trị để giãn bệnh nhân, nhằm đảm bảo điều trị tốt hơn”, PGS Bình nói.

PGS.TS Phạm Văn Bình trao đổi với báo chí bên lề hội thảo.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hoá chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.

“Hầu hết các kỹ thuật mới trên thế giới Việt Nam có thể đáp ứng được, như phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi robot… Thế giới có hóa chất và thuốc mới nào, Việt Nam cũng có thuốc đó. Tuy nhiên, một số thuốc mới đắt tiền không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội sử dụng”, PGS Bình nói.

Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện Việt Nam mới xin thử nghiệm thuốc điều trị ung thư mới ở pha 2, pha 3 (tiến hành được 40 thử nghiệm). Sắp tới, bệnh viện xin thử nghiệm ở pha 1 (thử nghiệm trên người) để tăng cơ hội cho những bệnh nhân ung thư đã điều trị hết các phác đồ nhưng không đáp ứng.

“Khi chúng ta được chấp nhận thử nghiệm ở pha 1, chứng tỏ các Viện, Trung tâm Ung thư thế giới đã tin tưởng Việt Nam và cho tham gia vào nghiên cứu pha 1 vì họ tuyển chọn rất khắt khe và quá trình nghiên cứu tuyển chặt chẽ để ra thuốc mới. Đối với bệnh nhân ung thư không còn cơ hội nào khác, việc thử nghiệm trên người giúp họ còn tia hy vọng, tuy tác dụng không quá nhiều”, PGS Bình nhận định.

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho biết, Bộ Y tế đã đồng ý cho bệnh viện tiến hành thử nghiệm pha 1 trên bệnh nhân. Để thực hiện được điều này, bệnh viện phải chuẩn bị nhiều bước, trong đó có bước lựa chọn bệnh nhân để thử nghiệm và tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu y sinh…bởi rủi ro có thể xảy ra.

Tác giả: Trần Hằng

Nguồn: cand.com.vn