Vì sao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính “đẩy qua đẩy lại” việc quản lý xăng dầu cho nhau?

Không lâu sau đề xuất của Bộ Tài chính để Bộ Công Thương quản lý toàn diện thị trường xăng dầu và Chính phủ có ý kiến giao một Bộ quản lý thị trường này, Bộ Công Thương lại đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý thị trường này thay mình.

Bộ Công Thương lại đề xuất Bộ Tài chính quản lý thị trường xăng dầu

Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương khẳng định xăng dầu là mặt hàng do nhiều Bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao.

Thị trường xăng dầu năm 2023 được dự đoán tiếp tục căng thẳng, Bộ Công Thương lại vừa có đề xuất Bộ Tài chính quản lý toàn diện thị trường xăng dầu (Ảnh An Linh).

Bộ Công Thương nêu: Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách…

Bộ Công Thương lập luận, nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các Bộ từ nhiều năm qua. Trong đó, điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở.

Bộ Công Thương khẳng định: Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.

Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Công Thương chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức… Ngay sau đó, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Công Thương xem xét đề xuất này để đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý thị trường xăng dầu.

Ngoài các vấn đề nóng liên quan đến quản lý xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đưa ra hàng loạt vấn đề về quản lý tổng giao xăng dầu, duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quy định đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy xăng dầu từ 1-3 nguồn (tổng đại lý, thương nhân phân phối).

Cụ thể, về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm cho các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương đề nghị nên giữ như hiện hành (tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao cho từng doanh nghiệp đầu mối).

Theo Bộ Công Thương, điều này khẳng định, doanh nghiệp tự chủ động nguồn mua trong nước hoặc nhập khẩu theo khả năng đàm phán với các đơn vị cung cấp, lợi thế kinh doanh của mình.

Về việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, quỹ này vừa qua đã phát huy hiệu quả khi tạo “bước đệm” để bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Vì thế công cụ quỹ “vẫn cần duy trì”, nhưng cần sửa quy định về nguyên tắc sử dụng quỹ. Theo đó, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu giảm 7% trở lên hoặc tăng từ 10% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.

Về việc đại lý bán lẻ được đề xuất lấy xăng dầu từ 2-3 đầu mối xăng dầu, Bộ Công Thương lựa chọn phương án vẫn duy trì việc lấy xăng dầu từ một nguồn cung ứng duy nhất như hiện nay. Bộ này cho rằng, điều này phù hợp với Luật Thương mại, quyền và nghĩa vụ của đại lý. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định gái bán, và không biết bán theo giá của đơn vị nào.

Theo An Linh

Link gốc: https://danviet.vn/vi-sao-bo-cong-thuong-va-bo-tai-chinh-day-qua-day-lai-viec-quan-ly-xang-dau-cho-nhau-20230109072508355.htm