V- League và chuyện trọng tài… mượn

Báo chí và dư luận hiện lại đang chĩa mũi dùi về phía các ông vua áo đen, những tiếng còi méo, tình huống thổi penalty... khiến đội bóng này giành được 1 điểm quý giá thì đội kia mất cơ hội tranh ngôi đầu

0

V-League càng về cuối càng nóng rẫy chuyện… trọng tài! Đúng ra, một giải đấu mạnh, chất lượng nhất nhì khu vực, tâm điểm nghẹt thở phải là cuộc đua vô địch hoặc đua trụ hạng. Thế nhưng, đến hẹn lại lên, chuyện trọng tài vẫn cứ luôn nóng ở V.League.

Các cầu thủ SLNA bao vây, phản ứng quyết định của các trọng tài trong trận đấu với Quảng Nam tại V-League 2020. Ảnh: vnexpress.net

Đó là 2, chứ không phải 1 lần trọng tài “toét” phạt đền cho đội chủ nhà, điều mà huấn luyện viên đội khách một mực cho là cố tình, quá nặng tay nên phản ứng kịch liệt, biết sẽ nhận kỷ luật nhưng không thể dừng được. Không những thế, các cầu thủ đội khách cũng đồng loạt phản ứng, để rồi đồng loạt nhận thẻ vàng, đồng loạt nhận án treo giò nghỉ trận kế tiếp.

Đó là tình cảnh trớ trêu của Bình Định, của huấn luyện viên trưởng Đức Thắng, của các trụ cột Tấn Tài, Văn Thuận trong trận quyết đấu với Viettel ở vòng 23. Câu chuyện của trọng tài Ngọc Nhớ nói trên là sự tiếp nối vô vàn sai sót trước đó liên quan đến 3 trọng tài cấp FIFA như Mạnh Hà, Ngọc Hải hay Duy Lân. Đành là “trọng tài cũng là con người” nghĩa là không tránh khỏi sai sót, khi chưa có công nghệ hỗ trợ… nhưng sai sót lặp đi lặp lại hoặc liên quan đến những đội bóng giàu có, ông bầu chịu chơi… thì làm sao tránh khỏi điều tiếng, dị nghị nọ kia.

Tất nhiên, chả có huấn luyện viên trưởng nào lại không bảo vệ cầu thủ đội mình, dù họ biết thừa là sai? Cũng chẳng có cổ động viên nào bảo vệ trọng tài khi cầu thủ đội mình bị phạt thẻ đỏ, cho dù chính đáng thì cũng bị cho là oan uổng, nặng tay. Vậy công bằng ở đâu khi VAR hy vọng mùa 2023 mới vào cuộc (đi sau bóng chuyền với công nghệ Chalenger), khi cả trọng tài giỏi nhất cũng phạm sai lầm phải kỷ luật kín. Hiện tại cũng như lâu nay, VPF phải tính cách thuê trọng tài ngoại (tốn nhiều tiền) để bắt các trận quan trọng, quyết định đến cục diện giải đấu, như trận top đầu Bình Định-Viettel hay trận top cuối Sài Gòn FC-Nam Định.

Nói đến đây, người ta lại phải nhắc đến một “kỷ lục” buồn của các ông vua áo đen bóng đá Việt. Đó là năm 2022, Việt Nam chỉ có 3 trọng tài được cấp bằng FIFA, ngang với Philippine, Lào và Campuchia, trong khi đó Thái Lan, Malaysia có 6 người, Indonesia và Singapore mỗi nước có 5 người.

Sẽ không ai nói về một nền bóng đá mạnh mà nơi đó lại có quá ít trọng tài giỏi. Một nền bóng đá mạnh mà phải đi thuê trọng tài ngoại, không đủ niềm tin đối với trọng tài nội thì trước hết phải xem lại chính mình, trước hết ở đội ngũ quản lý, lãnh đạo, những người được giao trách nhiệm cầm cân nảy mực cho các giải đấu. Nhưng chê hay trách trọng tài thì nói cho cùng là số đông chê trách số ít, là chuyện người chưa nắm vững luật lệ đi phản đối người vận hành luật trong từng bước chạy, người có thừa thời gian để phán xét so với người vừa chạy vừa thở vừa phải đưa ra một quyết định trong tích tắc và không nên/không thể thay đổi. Hay như chuyện phản đối trọng tài là “cơm bữa” ở bất cứ giải đấu lớn bé nào.

Khác chăng là nơi có kinh nghiệm để đời, người ta cho trợ lý phản ứng dữ dội, sẵn sàng nhận thẻ, còn huấn luyện viên trưởng tỉnh queo, không nói gì kể cả họp báo khi đủ thời gian cho suy tính, đắn đo. Đó là hành xử vừa có kinh nghiệm có lợi lâu dài, vừa chuyên nghiệp, tránh được những sơ sót, bốc đồng dễ mắc đối với bất kỳ ai… Hiện người ta nói về “công nghiệp bóng đá” với hàm ý phát triển đồng bộ, chất lượng cả hệ thống từ cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ đến con người, từ tổ chức quản lý đến chuyên môn, chuyên nghiệp… Câu chuyện trọng tài giỏi, trọng tài sai, trọng tài mượn… nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong nền công nghiệp bóng đá mà chắc chắn Việt Nam còn thấp thua nhiều nơi trong khu vực, còn toát mồ hôi để bắt kịp thiên hạ trong nhiều chặng tới.

Theo Châu Phú

LInk gốc: https://baonghean.vn/v-league-va-chuyen-trong-tai-muon-post261010.html