V. League và cánh cửa khép – mở dành cho cầu thủ trẻ

Hành trình trong mơ của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 khép lại cũng là lúc chúng ta tiếp tục hướng tới “đường đi, nước bước” của ông thầy mới Gong Oh-kyun, đặc biệt là các nhân tố trẻ được ông tin tưởng và người hâm mộ hy vọng qua các trận đấu cấp châu lục mới đây.

0

Với những gì đã thể hiện trong kỹ thuật của U23 Việt Nam, việc gia hạn hợp đồng với ông thầy mới Gong Oh-kyun là chuyện tất yếu, bởi điều này liên quan mật thiết đến quá trình làm mới để nâng tầm Đội tuyển Việt Nam do ông Park Hang-seo dẫn dắt.

Nhưng “số phận” các tuyển thủ U23 Việt Nam khi V. League 1, 2 năm nay trở lại vào tháng 7 tới, lại là điều không thể nói trước dễ dàng? Tại sao vậy?

Thực tế cho thấy, trong đội hình U23 Việt Nam hiện tại, chỉ có 3 cầu thủ từng “có suất” chơi V. League gồm Văn Toản, Việt Anh và Thanh Bình, còn lại được cho mượn để rèn luyện như Minh Bình, Tuấn Tài ở V. League 2, thậm chí “sao mai” Văn Trường, Văn Khang chỉ chơi phong trào với lứa U19…

Không ai dám đảm bảo rằng, sau khi chơi tốt ở U23 Việt Nam, tất cả họ đều sẽ có suất chơi V. League khi về lại đội bóng chủ quản. Một suất dự bị xem ra vẫn còn quá khó với Danh Trung hay Mạnh Dũng ở Viettel, Minh Bình khi về lại Hoàng Anh Gia Lai, Văn Chuẩn tại Hà Nội FC…

U23 Việt Nam trong trận gặp U23 Thái Lan. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, có một thực tế khác đang diễn ra là nhiều nhân tố trẻ tuy bị loại vòng chót tại U23 Việt Nam nhưng lại đang khá chắc suất tại V. League như các cầu thủ Văn Lắm, Văn Việt, Sỹ Hoàng… ở Sông Lam Nghệ An.

Thật khó để nói các cầu thủ tiềm năng này vẫn còn cơ hội khi ông Gong Oh-kyun tiếp tục dẫn dắt U23 Việt Nam nhưng nếu họ chơi thực sự tốt ở V. League thì cơ hội hoàn toàn rộng mở để được gọi lên Đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần.

Để thấy rằng, khi các giải đấu trong nước diễn ra, cơ hội tiếp tục chia đều cho tất cả mọi cầu thủ và ai ai cũng phải chấp nhận quy luật đào thải nghiệt ngã của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng trong quá trình vận động, đi lên.

Một lần nữa, thực tế cho thấy ông thầy mới Gong Oh-kyun của U23 Việt Nam luôn có cái nhìn đúng đắn và cần thiết để mở lối cho học trò rằng, “hãy quên đi những gì đã diễn ra ở vòng chung kết U23 châu Á 2022 vừa qua mà cần tập trung cho công việc ở CLB”.

Bởi hơn ai hết, ông thừa hiểu rằng, triết lý chơi bóng ở câu lạc bộ và đội tuyển hoàn toàn không giống nhau, mục tiêu khác nhau nên cách làm, phương pháp khác nhau. Và để phát huy cao nhất khả năng của mình ở các môi trường, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau đó, các cầu thủ phải tuân theo những giáo án, những cách thức vận hành khác nhau từ những ông thầy khác nhau, tuy cùng hướng đến mục tiêu chung cho câu lạc bộ cũng như đội tuyển.

Nhìn chung, ở các câu lạc bộ, trước hết người ta hướng đến sự an toàn, tránh mạo hiểm, thử nghiệm, chỉ mưu cầu mục tiêu trước mắt, cần kíp. Huấn luyện viên lão làng Phan Thanh Hùng hồi “cầm” Quảng Ninh sẽ rất khó được chấp nhận khi đưa cầu thủ trẻ Hai Long vào sân đá chính, nếu không xảy ra trường hợp chấn thương của tiền vệ già dặn Hải Huy.

Không chỉ Viettel mà cả làng V.League đều mua sắm tiền đạo ngoại cho mục đích ghi bàn thì chắc chắn Mạnh Dũng hay Danh Trung, rồi Văn Tùng, Minh Bình… sẽ chỉ là “kép phụ” ở đội bóng đào tạo ra mình và nhiệm vụ thường xuyên là kiên nhẫn chờ thời mà thôi.

U23 Việt Nam trong 1 buổi tập. Ảnh tư liệu

Ở Sông Lam Nghệ An, câu chuyện này có khác bởi đội bóng vốn nghèo, không dễ mua sắm nhiều cầu thủ ngoại hàng đầu nên việc cầu thủ nội được tin dùng là điều đã trở thành truyền thống. Cũng từ đó, các nhân tố trẻ tiềm năng nhất luôn được đưa lên đội 1 rất sớm, từ thời Văn Quyến, Công Vinh ngày nào cho đến Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách hiện nay…

Vấn đề là hiện tại, các tài năng trẻ Sông Lam Nghệ An không lọt vào tầm ngắm của các ông thầy Hàn Quốc, dù ở câu lạc bộ họ luôn được tin dùng, là sự “kênh” nhau rất đáng chú ý?

Xuân Tiến của Sông Lam Nghệ An và Văn Trường của Hà Nội cùng có điểm xuất phát chung nhưng Xuân Tiến bộc lộ tài năng sớm hơn, từ thời U15, U17, trong khi đó phải đến U19 Văn Trường mới lộ diện nhưng lập tức lọt vào mắt xanh của ông thầy mới Gong Oh-kyun.

Văn Trường rất được tin dùng ở một vị trí khó thuộc hàng tiền vệ U23 Việt Nam và cầu thủ này đã chơi ổn, đầy tiềm năng ở phía trước. Trong khi đó, Xuân Tiến không cho thấy vai trò nổi bật ở U19 Sông Lam Nghệ An như kỳ vọng, lên đội 1 Sông Lam Nghệ An cũng chưa thể là trụ cột không thể thay thế…

Để thấy rằng, ông Park Hang-seo cũng như ông Gong Oh-kyun có lý lẽ thuyết phục của mình khi lựa chọn nhân tài và thực tế cho thấy tầm nhìn xa của những người nắm giữ trọng trách nâng tầm bóng đá Việt.

“Đường đi, nước bước” của các đội tuyển cũng như các tuyển thủ nhìn chung rõ ràng, phân minh và luôn có sự cạnh tranh cao độ. Cái chính là cơ hội một lần nữa lại mở ra với những người có chí tiến thủ, kiên nhẫn với chí hướng phấn đấu. Và V. League 1, 2 chính là sân chơi để họ mặc sức thể hiện, là cơ sở dữ liệu quan trọng bậc nhất để “tiến cử” những nhân tố xuất sắc lên một tầm mức mới.

Theo Phú Châu/Báo Nghệ an

Link gốc: https://baonghean.vn/v-league-va-canh-cua-khep-mo-danh-cho-cau-thu-tre-post255153.html