Triệt xoá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả

Công an tỉnh Nam Định khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả này vì nếu sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

0

Trong những vụ án mà Phòng An ninh điều tra (ANĐT), Công an tỉnh Nam Định đã điều tra, khám phá, nổi bật nhất phải kể đến chuyên án triệt phá thành công đường dây “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cuối năm 2022.

Đầu tháng 5/2023, kết thúc quá trình điều tra giai đoạn 1 của vụ án này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 12 bị can, thu giữ 600 kg phương tiện, hồ sơ, tài liệu gồm: 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 9.000 tài liệu giả…

Đại tá Bùi Quyết Toán, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định (áo đen) kiểm tra tang vật vụ án.

Giữa tháng 6/2022, sau một thời gian các trinh sát có mặt tại một số địa phương để nắm bắt thông tin từ cơ sở phản ánh, Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định xác định một đường dây tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức liên tỉnh, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, liên quan đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định cho biết: Đây là đường dây tội phạm hoạt động rất tinh vi. Mỗi đối tượng trong đó được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, các đối tượng cùng trong đường dây nhưng không biết mặt nhau, không biết tên chính xác của đối phương… Các đối tượng trong đường dây không thường trú tại tỉnh Nam Định mà ở tại các tỉnh, thành phố phía nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai…

Mọi giao dịch làm, sản xuất tài liệu, con dấu giả thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Các đối tượng nhận làm tất cả mọi loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ khác… theo đúng nhu cầu của khách hàng với thời gian “thần tốc”. Từ hồ sơ, bằng cấp về học hàm, học vị; giấy phép lái xe đến giấy đăng ký kết hôn, giấy ly hôn, sổ hồng, sổ tiết kiệm… Hình thức giao nhận giấy tờ giả thông qua dịch vụ chuyển hàng và thu tiền hộ với giá tiền từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng một bộ hồ sơ giả…

Đối tượng Trịnh Văn Văn tại Cơ quan ANĐT.
Các văn bằng, giấy phép giả bị thu giữ.
Các văn bằng, giấy phép giả bị thu giữ.

Chỉ một thời gian ngắn, các đối tượng trong đường dây đã móc nối với nhau làm giả rất nhiều con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và bán cho người có nhu cầu trong toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền lớn.

Để nhanh chóng điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Bùi Quyết Toán, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo 2 đội nghiệp vụ phân công nhiều tổ công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện trong toàn quốc. Lãnh đạo đơn vị còn liên lạc, trao đổi với lực lượng ANĐT Công an một số tỉnh phía nam, trong đó có sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm cao của Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đắk Nông… để Phòng ANĐT Công an tỉnh Nam Định thu thập tài liệu chứng cứ, xác định thông tin, làm rõ vai trò của các đối tượng trong đường dây…

Với sự tập trung cao độ của các trinh sát, điều tra viên Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định, chỉ sau một thời gian ngắn điều tra, đơn vị đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ về các đối tượng trong đường dây làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức; truy tìm được các ổ nhóm tập kết, địa điểm sản xuất con dấu, tài liệu giả.

Cuối tháng 9/2022, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố phía nam đồng loạt tiến hành truy bắt, khám xét chỗ ở của 10 đối tượng về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trong đó, truy bắt thành công đối tượng cầm đầu Trịnh Văn Văn, SN 1983, trú tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có 3 tiền án và đang trốn truy nã về tội “Đánh bạc”; thu giữ được khoảng 600 kg tang vật, phương tiện, hồ sơ, tài liệu gồm: 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân;  9.000 tài liệu giả gồm bằng cấp, chứng chỉ, học bạ kèm bản phô tô công chứng; CCCD, CMND, giấy phép lái xe, đăng ký xe; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ hộ khẩu… và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ việc làm giả tài liệu của các đối tượng.

Tang vật vụ án bị thu giữ.
Chỉ một thời gian ngắn, các đối tượng trong đường dây đã móc nối với nhau làm giả rất nhiều con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và bán cho người có nhu cầu trong toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Tang vật vụ án bị thu giữ.

Tại Cơ quan ANĐT, Trịnh Văn Văn khai nhận, nắm bắt nhu cầu cần làm giấy tờ, bằng cấp giả để xin việc của nhiều người nên anh ta đã cấu kết với nhiều đối tượng ở các tỉnh phía nam để tổ chức đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Để che giấu, qua mặt các cơ quan chức năng, Văn sử dụng các giấy tờ giả như CMND với các tên gọi khác nhau, sử dụng nhiều số điện thoại để tiếp cận, móc nối, chỉ đạo, điều hành các đối tượng trong đường dây tội phạm.

Nhằm dễ dàng cắt đứt các “mắt xích” nếu bị tóm mà không sợ bị truy vết, Văn cũng phân chia đường dây làm giả thành nhiều nhóm có vị trí, vai trò, nhiệm vụ khác nhau, như: “Nhóm cộng tác viên”, “Nhóm thiết kế”, “Nhóm sản xuất”, “Nhóm vận chuyển”. Thành viên ở các nhóm, các phần việc khác nhau đều không quen biết nhau, không biết tên của nhau.

Quá trình đấu tranh, các đối tượng trong đường dây khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã móc nối, sản xuất, tiêu thụ khoảng hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cho những người có nhu cầu trong cả nước, trong đó có nhiều người đang cư trú và làm việc tại tỉnh Nam Định.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ, kết thúc quá trình điều tra giai đoạn 1, Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Nam Đình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 12 bị can về các tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Được biết, Văn đã câu kết với nhiều đối tượng liên quan khác để sản xuất, tiêu thụ giấy tờ giả trên toàn quốc từ cuối năm 2018. Công an tỉnh Nam Định khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả này vì nếu sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo Xuân Trường

Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/triet-xoa-duong-day-san-xuat-tieu-thu-hon-60-000-con-dau-tai-lieu-gia-i695115/