Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An ‘xét một đằng, xử một nẻo’

Một vụ tranh chấp đất đai đơn giản, nhưng tại Phiên toà sơ thẩm ngày 14/9/2023, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An đã nhận định một đằng, tuyên xử một nẻo. Việc Toà án căn cứ vào đơn xin hiến đất ngày 08/3/2023 của ông Trần Quang Tiến để tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp với quá trình giải quyết vụ án, vi phạm các quy định về quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013.

Thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Thửa đất số 40, tờ bản đồ số 9 ở xóm 8, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An do bà Thái Thị Sáng và ông Trần Quang Tiến góp vốn mua lại của ông Thái Văn Trang và bà Nguyễn Thị Liễu từ năm 2008, đã được UBND huyện Yên Thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CN 420998, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH 00943, ngày 27/7/2018 đã ghi rõ: Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản trên đất là ông Trần Quang Tiến và bà Thái Thị Sáng. Diện tích thửa đất là 210m2 có tứ cận đầy đủ... Vào năm 2017-2018, hộ ông Trần Khắc Trường (hộ liền kề, phía Tây mảnh đất của bà Sáng, ông Tiến) đã lấn chiếm đổ đất làm đường đi và trồng cây trên thửa đất số 40 của ông Tiến, bà Sáng với diện tích khoảng 150m2 (gồm cả phần đất quy hoạch). Việc ông Trường lấn chiếm đất của bà Sáng, ông Tiến đã qua nhiều lần giải quyết t UBND xã Viên Thành đến UBND huyện Yên Thành.

Tại các thông báo, kết luận của các ban, ngành ở xã Viên Thành và huyện Yên Thành đều khẳng định ông Trần Khắc Trường đã đổ đất làm đường lấn sang đất của bà Sáng, yêu cầu ông Trường phải trả lại đất cho bà Sáng

Tại phần nhận định của mình (trang 7 Bản án), Tòa án cũng cho rằng: “… Có căn cứ để xác định tại thời điểm khởi kiện và Tòa án thẩm định thì ông Trường đang chiếm giữ để làm đường đi với diện tích khoảng 72m2”, đoạn cuối của trang 7 này Tòa nhận định: “Nguyên đơn là bà Thái Thị Sáng khởi kiện yêu cầu ông Trần Khắc Trường di dời các tài sản trên phần đất bồi đắp sử dụng làm đường đi là có căn cứ…”. Nhận định, đánh giá ông Trường đã lấn chiếm đất thuộc quyền sở hữu chung của bà Thái Thị Sáng và ông Trần Quang Tiến với diện tích khoảng 72m2, nhưng lại căn cứ vào Đơn xin hiến đất của cá nhân ông Trần Quang Tiến viết ngày 08/3/2023 rồi tuyên xử: “Không chấp nhận yêu cầu của bà Sáng về việc ông Trần Khắc Trường trả lại diện tích 150m2 mà ông đã lấn chiếm của thửa đất 40 đ làm đường…”. Lưu ý rằng, đơn hiến đất này được lập sau khi thời điểm khởi kiện gần 2 năm, trước ngày xét xử sơ thẩm 1 tháng, dù trước đó ông Trần Quang Tiến đã đã khẳng định ông Trường lấn đất và đồng quan điểm với nguyên đơn, yêu cầu ông Trường phải trả lại cho bà Sáng, ông Tiến.

Bên cạnh đó, Tòa án lấy đơn xin hiến đất do một mình ông Trần Quang Tiến lập vào ngày 08/3/2023 làm căn cứ bác đơn khởi kiện của bà Sáng là chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm hợp thức hóa hành vi lấn chiếm đất của ông TrườngTòa án lấy đơn hiến 72m2 đất do một mình ông Trần Quang Tiến lập vào ngày 08/3/2023 gửi Tòa án và cho rằng, việc ông Tiến hiến 72m2 đất trong thửa đất chung 210m2 tại thửa 40 tờ bản đồ số 9 là chưa vượt quá phần quyền được hưởng của ông Trần Quang Tiến. Từ đó, áp khoản 1 Điều 218 về định đoạt tài sản chung trong Bộ luật Dân sự: “… Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình…”, để chấp nhận sự hiến tặng này là hợp pháp. 

Quy định mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình khi đã xác định rõ được phần quyền cụ thể của mình đối với thì sản đó thì không cần có sự đồng ý của đồng sở hữu khác (phần quyền này có thể được xác định bằng văn bản thỏa thuận khi góp vốn mua chung tài sản, hoặc trong giấy chứng nhận ghi rõ phần của từng người, hoặc bằng biên bản thỏa thuận phân chia của các đồng sở hữu, hoặc bằng quyết định của đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Bởi, tại Điều 209 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung theo phần như sau: Sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Ở đây, bà Thái Thị Sáng và ông Trần Quang Tiến cùng sở hữu chung 210m2, chưa có văn bản hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào xác định phần của ông Trần Quang Tiến là bao nhiêu m2, phần của Thái Thị Sáng là bao nhiêu. Vậy mà Tòa án lại khẳng định ông Tiến hiến đất là quyền của ông ấy và chưa vượt phần quyền được hưởng. Tờ giấy xin hiến đất của ông Tiến lập ngày 08/3/2023 không có giá trị bởi đất mà ông Tiến xin hiến đang là tài sản chung mà chưa có sự đồng ý của đồng sở hữu khác (bà Sáng).

Có thể thấy, Tòa án đã viện dẫn khoản 1 Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015 nhưng lại không đề cập các điều khác của Luật này; và đặc biệt là các quy định của Luật Đất Đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, để xem xét quyền được định đoạt tài sản chung theo phần là quyền sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đất Đai năm 2013 về việc tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì điều kiện mua bán, chuyển nhượng đất đai ngoài việc phải tuân thủ các quy định về giao dịch dân sự còn đáp ứng các điều kiện khác. Cụ thể như đất không có tranh chấp, việc chuyển nhượng phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực… Tờ giấy hiến đất ông Tiến lập không hề đảm bảo các điều kiện này. 

Đối chiếu với các quy định này thì giấy hiến đất do ông Trần Quang Tiến lập ngày 08/3/2023 là văn bản vi phạm pháp luật cả về nội dung lẫn hình thức. Xét về hình thức thì giao dịch tặng cho đất từ tờ giấy này đã bị vô hiệu theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Dân sự 2015: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác’. Việc tòa sơ thẩm lấy giấy hiến đất trái luật để làm căn cứ bác yêu cầu khởi kiện của bà Thái Thị Sáng chẳng khác nào lấy một cái sai khác để che đậy bảo vệ, bao che cho một cái sai trước đó của ông Trường. Cách làm này của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là việc làm có dấu hiệu của hành vi ban hành bản án trái luật, xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 

Từ những phân tích trên cho thấy, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An dù có “xét nhưng không xử” và đưa ra phán quyết không hợp lý, hợp tình gây bức xúc trong dư luận. Hy vọng tới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét lại vụ việc một cách khách quan chính xác các vấn đề trong phiên toà phúc thẩm. 

Nguồn: lsvn.vn