Tình trạng bất ổn của “ông lớn” ngành xây lắp điện – VNECO

Một loạt những thông tin về tình trạng kinh doanh và nội bộ cho thấy Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam (Vneco) – một “ông lớn” trong ngành xây lắp điện với hơn 30 năm kinh nghiệm đang có nhiều dấu hiệu bất ổn.

Lịch sử hình thành

Tổng Công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO) mã chứng khoán VNE có tiền thân là Tổng đội Xây lắp điện 3, thành lập ngày 25/10/1995 trên cơ sở hợp nhất hai Công ty là Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 3 với Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 5.

Trụ sở Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam – VNECO

Năm 2002, Công ty xây lắp điện 3 được tổ chức lại thành Công ty Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con; đến tháng 10/2005, Công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.

Năm 2007, cổ phiếu của công ty niêm yết tại HOSE. Trải qua 7 lần thay đổi, ngày 12/04/2017 VNECO tăng vốn điều lệ lên 904.33 tỷ đồng.

Lĩnh vực hoạt động chính là xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp đến 500KV. Xây dựng các công trình dân dụng; Kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,

Vi phạm bị cảnh báo

Là một “ông lớn” trong ngành xây lấp nhất là trong lĩnh vực xây lắp điện với bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm, VNECO được coi là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, truyền tải điện, trạm điện cho ngành điện, công nghiệp cũng như hạ tầng.

Tuy nhiên, một loạt những thông tin mới đây về tình trạng kinh doanh và nội bộ cho thấy Tổng công ty này đang có nhiều dấu hiệu bất ổn về cả kinh doanh lẫn nhân sự.

Theo đó, ngày 19/3/2023 Ban quản lý dự án điện Miền Trung trực thuộc Tổng công ty truyền tải điện Miền trung đã phát văn bản cảnh báo về sự chậm trễ liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng xây lắp các Gói thầu số 11, Gói thầu số 12 & Gói thầu số 13.1 Dự án ĐZ 220kV Krông Buk – Nha Trang mạch 2 do Tổng Công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đảm nhận thực hiện. Dự án được Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phát lệnh khởi công ngày 23/9/2020 và thời gian thực hiện Hợp đồng xây lắp là 365 ngày kể từ ngày khởi công công trình.

Văn bản nêu rõ: Tổng Công ty vẫn không thực hiện đúng cam kết, không huy động đủ nhân lực và không đủ nguồn kinh phí để duy trì quân số trên công trường. Toàn tuyến số lượng vị trí móng đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa thi công 84VT và số vị trí đã đúc móng nhưng chưa lắp dựng cột thép 127VT (trong đó 43VT chưa dựng liên quan đến cắt điện và cột thép tận dụng lại), công tác kéo dây mới chỉ hoàn thành 3/89KN

Để đánh giá năng lực và ý thức tuân thủ của Nhà thầu xây lắp trong việc cam kết thực hiện Hợp đồng xây lắp số 31/2020/HĐXL-CPMB ngày19/03/2020; Số 32/2020/HĐXL-CPMB ngày 19/03/2020 và số 33/2020/HĐXL-CPMB ngày 19/03/2020 về việc thi công dự án ĐZ 220kV Krông Buk-Nha Trang mạch 2. Bằng văn bản này, CPMB thực hiện “Cảnh báo” đối với Nhà thầu xây lắp Tổng Công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO) và CPMB sẽ thông báo đến các Đơn vị liên quan xem xét tư cách Nhà thầu khi tham gia các gói thầu của EVN/EVNNPT.

Không chỉ những gói thầu này mà khoảng 30 dự án khác mà VNECO ký kết hợp đồng như với SPMB, CPMB, NPMB… cũng đang có nhiều dấu hiệu bất ổn.

Trong một lĩnh vực kinh doanh khác ví dụ như Dự án tại khu đất số 64-66, Hoàng Văn Thái (Đà Nẵng) sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả; mới đây VNECO đề xuất thay đổi để thực hiện dự án mới là Dự án Căn hộ chung cư thương mại, căn hộ chung cư nhà ở xã hội và trung tâm thương mại tại khu đất số 64 – 66, đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Trước đó, thông tin với Báo giới, giải thích lý do dừng dự án cũ rồi xin lập dự án mới, bà Dương Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Quản lý và phát triển dự án của VNECO cho hay: “Do khi lập dự án cũ, không phải chuyên ngành của công ty và sau khi xây dựng xong thì đánh giá không hiệu quả, nhất là công tác vận hành tốn kém. Khi làm siêu thị, người lập dự án (hiện đã nghỉ hưu) không chuyên về nghiên cứu thị trường, sau này công ty thuê đơn vị khác chuyên nghiên cứu thị trường thì thấy không hiệu quả cho nên mới ngưng”.

Việc xây dựng dự án rồi bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tiền của doanh nghiệp cũng như tài nguyên đất đai; nó cũng thể hiện khả năng quản trị của Doanh nghiệp.

Nội bộ bất ổn

Nhiều cơ quan chức năng nhận dược đơn thư khiếu nại của tập thể người lao động tại Vneco cho thấy Doanh nghiệp này đang nợ tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của người lao động cho đến ngày 10/7/2023 là hơn 3 tháng. Hành vi này vi phạm nghiệm trọng Luật lao động được ghi nhận cụ thể tại Điều 94 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019:

Thông tin Tầm Nhìn có được, hiện, Vneco cũng đang phải đối diện với một số vụ kiện tụng của cá nhân, tổ chức về một loạt các vi phạm liên quan đến kinh doanh và tài chính.

Theo Huy Nguyễn

Link gốc: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/tinh-trang-bat-on-cua-ong-lon-nganh-xay-lap-dien-vneco-133501.html