Tìm việc làm thêm trên mạng xã hội, nhiều người bị lừa tiền

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều người trở thành nạn nhận của các đối tượng lừa đảo thông qua các ứng dụng (app) với hình thức làm việc online tại nhà lương cao.

0
Đối tượng Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1997, (trú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động tại Nghệ An. Ảnh: Hải Đăng

Chiêu lừa đảo khiến lao động “sập bẫy”

Đánh vào tâm lý nhiều người muốn tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập, các đối tượng lừa đảo đã tung chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, “làm việc online”, “làm việc tại nhà lương cao”… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1984, trú tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) cho biết, chị làm công nhân tại một công ty may mặc (thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viên, Ninh Bình), do công ty thiếu đơn hàng nên cắt giảm lao động, trong lúc chờ tìm việc làm mới, tình cờ một lần chị lên mạng xã hội Facebook thì thấy có thông tin đăng tuyển nhân viên làm việc online tại nhà với mức lương từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.

“Ban đầu, bọn chúng yêu cầu tôi nạp số tiền 500.000 đồng để làm nhiệm vụ, sau khi hoàn thành sẽ nhận về số tiền 1 triệu đồng. Sau đó ứng dụng liên tục báo lỗi, không nhận được tiền về và khi số tiền đã nạp lên đến gần 40 triệu đồng, tôi mới nhận ra mình bị lừa và trình báo cơ quan công an” – chị Hương kể lại.

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thanh (SN 1985, trú tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 200 người, với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.

Theo điều tra ban đầu, Thanh là đối tượng không có công ăn việc làm ổn định, nhưng đi đâu Thanh cũng giới thiệu mình có mối quan hệ thân quen với nhiều người và có thể xin được vào làm việc tại các công ty lớn, với mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng (tùy từng vị trí việc làm).

Để được vào các công ty làm việc, mỗi người phải đặt cọc từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, sau 3 tháng đi làm, công ty sẽ trả lại tiền đặt cọc. Tin lời Thanh, nhiều người đã chuyển tiền đặt cọc.

Công an TP Vinh, Nghệ An vừa tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Kỳ Linh (SN 1981, trú tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Linh “nổ” bản thân có thể “xin việc”, “xin chuyển trường” để lừa đảo các nạn nhân. Bước đầu, cơ quan Công an làm rõ, từ năm 2022 đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Kỳ Linh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 nạn nhân với số tiền 770 triệu đồng.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, Công an thị xã Kỳ Anh cũng vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phan Minh Thiện (SN 1997, trú tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động…

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo Công an TP Ninh Bình cho biết, các đối tượng lừa đảo lên mạng xã hội Zalo, Facebook… để đăng tải các thông tin quảng cáo tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, làm việc online…

Sau đó đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân truy cập vào địa chỉ trên website và hướng dẫn cài đặt app về máy điện thoại hoặc máy tính.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vài lần đầu nạn nhân sẽ được nhận số tiền gốc và lãi ảo rất cao (20 – 40%) để bị hại tin tưởng…

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo đăng tải thông tin tuyển dụng lao động thời vụ tại Nghệ An đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo visa E8. Đây là thông tin không chính xác, đề nghị người dân cảnh giác.

Tại Hà Tĩnh, Sở LĐTBXH tỉnh này cũng đã có văn bản khuyến cáo người lao động trên địa bàn tỉnh không nghe theo tổ chức, cá nhân giới thiệu, quảng cáo về dịch vụ đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước – bởi đến nay tỉnh Hà Tĩnh chưa ký kết chương trình này với các địa phương của Hàn Quốc.

Chính vì vậy, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin từ cơ sở để kịp thời thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn: laodong.vn