Tiết kiệm chi 560.000 tỉ đồng, đủ nguồn cải cách tiền lương 3 năm tới

Sáng 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

0
Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sáng 23-10 – Ảnh: GIA HÂN

Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến nhanh, khó lường, nhiều thách thức hơn so với dự báo, Thủ tướng cho hay kinh tế trong nước vừa chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, cùng hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn…

Dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh

Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Kết quả, tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu 22 tỉ USD.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 9 cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỉ USD, tăng 2,2%.

Bội chi ngân sách và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo. Thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026.

Với kết quả đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ vẫn luôn tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kết quả, xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc.

Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp…

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét; an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành là đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế – Ảnh: GIA HÂN

Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh

Từ thực tiễn trên, Thủ tướng cho rằng bài học rút ra là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Vì vậy các giải pháp tập trung là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Khơi thông các động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước.

Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả, làm tốt công tác an sinh xã hội…

Đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn

Năm 2024, dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp khó lường, nền kinh tế trong nước chịu “tác động tiêu cực kép” với thách thức nhiều hơn. Do đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2024 là GDP tăng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số CPI là 4-4,5%.

Giải pháp thực hiện mục tiêu là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn…

Tác giả: Ngọc An

Nguồn: tuoitre.vn