Thủ tướng: Chính phủ sẽ làm trong sạch, lành mạnh thị trường vốn

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Cá biệt, còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý.

0

hiều ngày 22/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn – kênh dân vốn trung và dài hạn; cùng thị trường tiền tệ – kênh dẫn vốn ngắn hạn để cấu thành nên thị trường tài chính – đóng vai trò rât quan trọng trong huyết mạch của nền kinh tế.

Thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, năm 2021 đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường… Cá biệt, còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý.

thu-tuong-hoi-nghi-2

“Từ tình hình thực tiễn, chúng ta cần khẳng định: Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn. Hay có thể nói là chúng ta hy sinh lợi ích trước mắt để đổi lấy lợi ích lâu dài”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, không chỉ thời gian gần đây mà từ nửa sau năm 2021, ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn.

Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là:

Thứ nhất, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp tôn trọng, tuân thủ nghiêm pháp luật.

Thứ ba, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, mang lại hạnh húc, ấm no cho nhân dân. Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong quá trình vận động, phát triển, quá trình đó bao giờ cũng nảy sinh những mâu thuẫn cần giải quyết để tiếp tục phát triển và sau khi phát triển thì lại tiếp tục phát sinh những mâu thuẫn mới cần giải quyết. Bên cạnh những mặt tích cực là cơ bản, quyết định, vẫn còn những mặt tiêu cực, quan trọng là nhìn nhận.

Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ khoa học, thực tiễn để  tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định: Thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế để có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.

Tập trung vào một số trọng tâm, Thủ tướng đề nghị, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các đại biểu phát biểu tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:

(1) Đánh giá thực trạng tình hình và xu thế vận động, phát triển của thị trường. Nhận diện những vấn đề chính sách chủ yếu đặt ra là gì? Các biện pháp cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn? Môi trường vĩ mô cần làm gì? Thể chế cần làm gì? Hạ tầng, công nghệ cần làm gì? Quản lý nhà nước phải làm gì? Đào tạo con người cần làm gì?… Biện pháp gì quản lý các công ty chứng khoán? Để thị trường phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững?

(2) Về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, trong đó cần trả lời những câu hỏi: Tại sao vẫn còn và vẫn để xảy ra các trường hợp thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Phải chăng do công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan chức năng hay do hành vi vi phạm quá tinh vi, phức tạp khó phát hiện? Giải pháp cụ thể là gì, thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?

(3) Về thông tin thị trường, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Vì sao các chủ thể tham gia thị trường vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định về công bố, bảo đảm tính chính xác của thông tin? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ở đâu? Cần giải pháp cụ thể là gì để khắc phục sớm được tình trạng này?

(4) Cần có cơ chế, chính sách, biện pháp gì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường?

(5) Về công tác thông tin, truyền thông: Chúng ta đã thực sự làm tốt công tác này chưa? Còn yếu kém ở khâu nào? Cấp nào? Ngành nào? Cân đối hàm lượng thông tin tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận, làm nản lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp? Phương pháp tiếp cận, cách giải quyết vấn đề và giải pháp truyền thông hiệu quả là gì, ai làm?

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về việc ngay sau Hội nghị này, Chính phủ nên ban hành văn bản gì, một nghị quyết hay một nghị định, nhằm triển khai các nhiệm vụ và giải pháp sát thực tế, khả thi, hiệu quả để ổn định và phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ghi chép đầy đủ, tổng hợp toàn diện, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo và dự thảo văn bản trình Chính phủ ban hành sau Hội nghị.

Theo An Nhiên/TCDN

Link gốc: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-tuong-chinh-phu-se-lam-trong-sach-lanh-manh-thi-truong-von-d29327.html