Thu ngân sách Bắc Trung Bộ, Thanh Hoá dẫn đầu, Hà Tĩnh ngang với Nghệ An

Năm 2023, dù rất nỗ lực nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, một số tỉnh Bắc Trung Bộ không đạt chỉ tiêu thu ngân sách.

Việc gián đoạn hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do bảo dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách của Thanh Hóa. Ảnh: X.H

Đứng đầu khu vực vẫn là Thanh Hóa với tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 40.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách Nhà nước khu vực Bắc miền Trung (ước đạt 100.000 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, năm 2023 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 40.000 tỷ đồng, vượt 8% dự toán và bằng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 23.500 tỷ đồng, vượt 5% so với dự toán, bằng 74% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16.300 tỷ đồng, vượt 11% dự toán, bằng 76% so với cùng kỳ.

Nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu cả nước về thu ngân sách. Tuy nhiên, năm 2023 Thanh Hóa đã bị loại khỏi nhóm các tỉnh thành có thu ngân sách trên 50.000 tỷ (CLB 50 nghìn tỷ) sau khi gia nhập năm 2022. Sự hụt thu trên của Thanh Hóa chủ yếu do sụt giảm các nguồn thu từ đất (5.000 tỷ) và sụt giảm các khoản thu từ phí, lệ phí do chính sách hỗ trợ, kích thích phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới hụt thu ngân sách Nhà nước đối với các địa phương khác tại khu vực này. Ngoài ra, trong năm 2023, Thanh Hóa ghi nhận hụt thu khoảng 4.000 tỷ đồng từ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng trên địa bàn.

Vị trí á quân là Nghệ An, theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh này, trong năm 2023, Nghệ An có tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 17.770 tỷ đồng, đạt 112,07% dự toán, bằng 79,02% so với năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.600 tỷ đồng, đạt 113,8% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tương đối khiêm tốn với hơn 1.200 tỷ đồng.

Vị trí tiếp theo là Hà Tĩnh, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2023, địa phương này ghi nhận tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 17.422 tỷ đồng, đạt 92% dự toán và bằng 97% so với năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.300 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, bằng 95% cùng kỳ và thu xuất nhập khẩu ước đạt 9.100 tỷ đồng, đạt 83% dự toán, bằng 98% cùng kỳ.

Tuy nhiên, năm 2023, với mức tăng trưởng kinh tế 8,05%, Hà Tĩnh xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 15 trong cả nước về chỉ số tăng trưởng GRDP này.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế ghi nhận thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 11.500 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán. Trong đó, chủ yếu là thu nội địa với 10.850 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 627 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán.

Quảng Bình thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.700 tỷ đồng, bằng 82% dự toán. Trong đó, thu là 5.100 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán tính và 63,5% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 600 tỷ đồng, bằng 75% dự toán.

Còn lại là tỉnh Quảng Trị, với tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15.11.2023 đạt 3.045 tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán địa phương năm 2023 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 2.135 tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán địa phương và giảm 39,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 900,6 tỷ đồng, đạt 138,5% dự toán địa phương và tăng 60%.

Theo Bộ Tài chính, 11 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán. Năm 2023 thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 1,63 triệu tỷ đồng.

Một số địa phương có thu ngân sách cao trong năm 2023 bao gồm: Tp.Hồ Chí Minh ước đạt 439.288 tỷ đồng; Tp.Hà Nội ước đạt hơn 400.000 tỷ đồng; Hải Phòng 102.000 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu ước đạt 95.000 tỷ đồng; Bình Dương ước đạt 73.257 tỷ đồng. Theo thống kê, lũy kế 9 tháng năm 2023, Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Năm 2022, nhóm 10 tỉnh thành có thu ngân sách lớn nhất lần lượt là: Tp.HCM, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Tác giả: Trần Lâm

Nguồn: laodong.vn