Thu hút vốn FDI ở Nghệ An: Khi tiềm năng được đánh thức

Trong 2 năm 2022-2023, Nghệ An được biết đến là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Tính đến 9/2023, Nghệ An đứng Top 6 với hơn 1 tỷ USD thu hút FDI.

0

Nghệ An được biết đến là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với dân số gần 3,5 triệu người (năm 2022) nguồn lao động dồi dào. Về địa lý, Nghệ An có đầy đủ yếu tố như cảng biển là cửa ngõ ra biển Đông của khu vực, cửa khẩu tiếp giáp nước bạn Lào. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, việc thu hút FDI của Nghệ An chưa góp mặt trên “bản đồ” của cả nước.

Thế nhưng, từ năm 2022 đến cuối năm 2023, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, ví như vùng đất mới của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Để đạt được thành tựu như thế, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì vai trò “thủ lĩnh” điều hành kinh tế của ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là rất quan trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung

Chuẩn bị “5 sẵn sàng”

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng tham luận với chủ đề “Thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An: Nắm bắt cơ hội vàng – trở thành điểm đến đầu tư “thuận lợi – tin cậy – hiệu quả”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã xác định, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Nghệ An đã chuẩn bị 5 điều kiện mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng”.

Cụ thể, thứ nhất, Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng về quy hoạch. Giai đoạn trước đây, tỉnh Nghệ An đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 11 Khu công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp trong khu kinh tế, 6 Khu công nghiệp ngoài khu kinh tế.

Khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh đến thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tỉnh đã bổ sung thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xác định Khu kinh tế Đông Nam là 1 trong những động lực tăng trưởng của tỉnh. Hiện nay, Nghệ An đang triển khai lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam trên 20.000 ha lên trên 100.000ha.

Thứ hai, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Ngoài các hạ tầng dùng chung, Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đồng thời quan tâm hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội.

Thứ ba, Nghệ An đã sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Tỉnh Nghệ An đã kêu gọi và hiện có 3 nhà hạ tầng khu công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. 3 nhà đầu tư này đang phát triển 5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch với khoảng 1.500 ha để thu hút đầu tư.

Thứ tư, Nghệ An đã sẵn sàng về nguồn nhân lực. Với lợi thế quy mô dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động; trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người. Tỉnh đang tập trung liên kết trong đào tạo nghề giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ sở đào tạo.

Thứ năm, Nghệ An sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Nghệ An luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; coi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là của tỉnh để giải quyết; giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất, có dự án chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc.

Toàn cảnh Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An.

Đứng đầu trong 14 tỉnh miền Trung

Với sự nỗ lực, hướng đi đúng đắn, đến tháng 9/2023, Nghệ An đã lọt vào Top 6 của cả nước về thu hút FDI năm 2023, dẫn đầu miền Trung. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 14 dự án với tổng số vốn FDI hơn 1,015 tỷ USD và điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng mức là 256,79 triệu USD. Tổng cộng cả dự án đầu tư mới và tăng vốn, Nghệ An thu hút được hơn 1,272 tỷ USD, tăng 221,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Với số vốn FDI thu hút được như trên, Nghệ An đứng đầu 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Lũy kế đến nay, Nghệ An hiện có 145 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,874 tỷ USD, xếp thứ 27 cả nước. So với thời điểm tháng 9 năm 2022, chỉ sau 1 năm Nghệ An tăng 6 bậc ở chỉ số thống kê này, từ vị trí thứ 33 lên vị trí thứ 27 cả nước. Hầu hết dự án FDI đầu tư vào Nghệ An đều tập trung ở Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, dự kiến đến cuối năm 2023, tổng số vốn FDI Nghệ An thu hút được sẽ đạt mốc mới là 1,5 đến 1,7 tỷ USD. Trong những năm tới, tình hình thu hút vốn FDI sẽ tiếp tục tăng, do các dự án FDI hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nối đuôi nhau cùng vào Nghệ An.

Thành công đáng lưu ý là trong số các nhà đầu tư FDI vào Nghệ An, có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu tầm quốc tế như Foxconn, Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT…

Đạt được thành tích như thế, vai trò của mời gọi đầu tư các ông lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng rất quan trọng. Nghệ An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực tốt và kinh nghiệm quản lý, thu hút đầu tư hiệu quả như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… Các nhà đầu tư này xây dựng các khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, có quỹ đất lớn thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển quy mô và mở rộng liên kết.

Tác giả: Văn Bình

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn